Hơn bốn thập niên trước, khi đông đảo người Việt bắt đầu đến định cư ở các đô thị khắp nước Mỹ thì thị trấn Madison Heights ở ngoại vi thành phố Detroit, bang Michigan cũng trở thành một điểm đến của người Việt xa quê. Ngày nay, Madison Heights được coi là nơi có những quán phở ngon nhất bang Michigan. Phở đã thông dụng ở hầu khắp các thành phố lớn, nhỏ tại Mỹ song với cư dân Detroit thì phở là món ăn thích hợp nhất để thưởng thức vào những ngày mùa đông buốt giá. Những ngày này, dù đã sang mùa xuân nhưng do thời tiết bất thường nên Madison Heights nói riêng và rộng hơn là bang Michigan vẫn còn rất lạnh: thời tiết của phở Việt.
Vào những năm cuộc chiến tranh tại Việt Nam vẫn còn ác liệt, Craig Claiborne – cây bút kỳ cựu về phê bình ẩm thực của tờ New York Times đã đặt chân lần đầu tới Sài Gòn và trải nghiệm các món ăn đường phố ở đây, để rồi mau chóng phải lòng thế giới của các món ăn đa dạng, say lòng người của đất Sài Gòn, cho dù chiến sự đang diễn ra không xa thành phố này. Chính ở đây Craig Claiborne đã hết sức ngạc nhiên khi nhận ra nơi ông “một sự tôn trọng sâu sắc đối với các món ngon được chuẩn bị hết sức cẩn thận ở hầu như mọi mức độ” tại Sài Gòn. Tiếp tục hành trình Việt Nam của mình, ông trở thành một trong những người cổ vũ nồng nhiệt nhất cho ẩm thực Việt Nam, đưa ẩm thực Việt vào danh sách 10 nền ẩm thực hàng đầu thế giới trong một cuốn sách do ông viết.
Một trong những món ăn Việt “đặc biệt đáng nhớ” đối với Craig Claiborne trong chuyến đi Việt Nam năm ấy chính là phở, một tô phở vào mỗi sáng là món điểm tâm mẫu mực và đặc trưng nhất tính chất Việt theo ông. Không món ăn sáng nào so sánh được với tô phở có nước dùng nóng hổi và ngọt lịm, bên dưới những sợi phở thanh mảnh là nhiều loại thịt bò khác nhau, tái hoặc chín (có thể thay bằng thịt gà), thêm rau xanh, giá sống, tiêu, chanh và ớt. Phở là món ăn thông dụng khắp Việt Nam, giống như các món ăn nhanh (fast food) phổ biến khắp nước Mỹ của Claiborne.
Năm 1986, khi muốn tìm lại một thoáng ẩm thực Sài Gòn ở quê hương của ông, Craig Claiborne đã thực hiện một hành trình xuyên nước Mỹ với mục đích xác định đâu là những nơi bán món ăn Việt đáng tin cậy nhất. Từ New York, thành phố mà theo Claiborne “các nhà hàng Việt Nam đầu bảng cung cấp món ăn Việt đích thực thì tương đối khó tìm” cho tới Los Angeles, nơi ẩm thực Việt “thiếu hương vị” ông đều không có được ấn tượng tốt (trừ San Francisco, nơi Claiborne thực sự được ăn món Việt khá hơn). Trong hành trình đó đã thiếu vắng một địa danh đáng chú ý – chính là Madison Heights. Ở đó có một chuỗi khu phố mua bán đã trở thành đồng nghĩa với Việt Nam và văn hóa Nam Á đối với dân cư vùng Detroit.
Bà Elizabeth Hoàng đã cùng cha mẹ rời Việt Nam năm 1975; bà cho biết công việc chính mà nhiều người Việt đến vùng Detroit là làm nail (làm móng), sau đó mới tới buôn bán và mở nhà hàng. Gia đình bà hồi đầu thường đến một nhà hàng trong khu Saigon Market, nơi theo bà là số 1 về ẩm thực Việt. Ban đầu trong khu thương mại Saigon Market chỉ có một nhà hàng, sau nhà hàng đó nở thành hai. Trong thập niên 1990, ở khu vực dân cư quanh Detroit ngày càng có nhiều hơn các nhà hàng và dịch vụ của người Việt và các sắc dân châu Á khác, điều đó giải thích sự bỏ sót của ông Claiborne trong hành trình đi tìm món Việt chuẩn vào cuối thập niên 1980. Ngày nay, có tới gần 6% dân số ở Madison Heights là người gốc Á. Dù không thể so sánh với khu vực Quận Cam ở California, tỷ lệ đó rất đáng kể ở thị trấn chỉ có khoảng 30.000 dân này. Ngoài các tiệm nail, dễ dàng tìm thấy ở Madison Heights các tiệm thực phẩm, cửa hàng bánh, nhà hàng món nướng, quán phở cũng như nhà hàng bán các món ăn Việt.
Là một trợ tá của bác sĩ, Elizabeth Hoàng có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng cư dân Việt tại địa phương. Bà còn là một ca sĩ với nghệ danh sân khấu là Hoàng Yến Ngọc, thường cùng một ban nhạc hát trong các dịp sinh hoạt cộng đồng của người Việt và giúp vui cho các đám cưới cũng như hát cùng với các ngôi sao nhạc Việt khi họ có dịp đến với Madison Heights và Detroit. Các dịp tết cổ truyền của người Việt là cơ hội tốt nhất để Hoàng Yến Ngọc xuất hiện trên sân khấu ca nhạc, đó cũng là cơ hội để làm sống lại truyền thống âm nhạc Việt, làm sống lại văn hóa Việt theo lời bà. Với những sắc dân khác, ngày tết của người Việt là thời gian thích hợp nhất để khám phá sức sống của cộng đồng người Việt ở đây mà cách tốt nhất là thông qua ẩm thực. Phở luôn luôn là món ăn để giới thiệu với bạn hữu khi họ khởi đầu một tour tìm hiểu nghệ thuật bếp núc của người Việt, và ngày nay có nhiều sự lựa chọn chỉ riêng với món phở tại Madison Heights. Theo lời bà Hoàng, có khoảng nửa tá quán phở Việt đáng để thưởng thức tại đây và chất lượng đều khá như nhau. Tuy nhiên, cũng theo lời bà Hoàng chỉ những người mê phở, luôn khao khát món ăn này mới nhận ra sự khác biệt của vị phở ở các hàng quán đó. Sự khác biệt nằm ở chỗ nêm nếm gia vị, thảo quả và các thành phần khác trong nồi nước dùng, tuy nhiên điều cơ bản là nước dùng phải trong vắt: “Có nơi nấu được như thế, nơi khác không nấu được”, bà Hoàng nói.
Có dịp đến với Madison Heights và muốn thưởng thức món phở Việt, theo chỉ dẫn của bà Elizabeth Hoàng bạn nên đến những địa chỉ sau: Phở Tài (địa chỉ: 30577 Dequindre; điện thoại: 248-397-8333); Phở Thăng Long (27641 John R; 248-547-6763); Phở Little Saigon (29083 Dequindre; 248-336-9185); Phở Thùy Trang (30491 John R; 248-588-7823); Phở Quê Hương (30820 John R; 248-588-0998) và Phở Hằng (30921 Dequindre; 248-583-9210).