Trên thị trường giải trí Việt 2013, điện ảnh được xem là một trong những phần phát triển nhất. Khán giả ùn ùn kéo nhau đến rạp xem phim, không chỉ các tác phẩm ngoại nhập, mà còn dành nhiều ưu ái cho phim Việt, đang có một chặng đường phát triển đầy khích lệ.
Với hơn 20 bộ phim được sản xuất và phát hành tại các rạp, có thể xem năm 2013 là một năm vàng cho các tác phẩm điện ảnh nước nhà. Xuôi dòng cùng phim nước ngoài được nhập khẩu không ngừng, những hãng phim Việt cũng bắt đầu đẩy mạnh sản xuất hơn, đưa ra những ý tưởng mới và càng lúc càng khai thác nhiều hơn sức mạnh của truyền thông để đưa phim Việt đến gần với khán giả, lôi kéo người dân ra rạp xem phim tích cực hơn.
Con số hơn 20 bộ phim trong năm qua là một điều đáng mừng, tuy nhiên về chất lượng vẫn còn phải xem lại. Những bộ phim hài nhảm vẫn ung dung ra rạp và gom tiền từ khán giả: Hiệp sĩ guốc vông; Yêu anh, em dám không?; Lọ lem Sài Gòn, Biết chết liền, Đại náo học đường… Những con số doanh thu được xem là tốt, nhưng cũng từ đó cho thấy xu hướng thương mại hóa điện ảnh đang dần lấn át cái tâm của người làm phim. Trái lại, những bộ phim có ý tưởng đột phá rõ ràng và ê-kíp làm phim tử tế lại bị công chúng làm ngơ!
Thể loại hài, lãng mạn vẫn là vua trên màn ảnh rộng Việt, hơn một nửa số lượng phim trong nước năm nay thuộc thể loại này, và những con số doanh thu ấn tượng cũng đã được ghi nhận trong các bộ phim: Nhà có năm nàng tiên, Âm mưu giày gót nhọn… Đây là điều khả quan, nhưng nếu mỗi năm cứ đều đều thế này thì điện ảnh nước nhà sẽ dần đi vào lối mòn, chỉ nhắm đến thị hiếu của khán giả. Khả năng của người làm phim sẽ giậm chân tại chỗ và góc nhìn của người xem cũng dần bị thu hẹp.
Năm 2013 cũng cho thấy những tác phẩm táo bạo và đáng khích lệ. Tuy nhiên, giữa những người làm phim và khán giả lại chưa kết nối được với nhau. Có thể họ biết khán giả cần gì, muốn gì? Nhưng làm thế nào để những người mua vé đến rạp chấp nhận những cái mới của mình thì vẫn là một câu hỏi lớn! Đơn cử như trường hợp của Lửa Phật, Đường đua, hay Tiền chùa… đây là những bộ phim không hề tệ. Ý tưởng tốt, kịch bản hay, ê-kíp làm việc hết mình,… tuy nhiên như vậy là chưa đủ. Cái họ thiếu chính là tính đại chúng, cái tôi vẫn còn được đặt quá nhiều trong phim. Họ đang làm cái họ muốn và chưa quan tâm đến việc tiếp cận cách nhìn của khán giả. Đó là lý do tại sao, dù phim hay cỡ nào vẫn lép vế trước các bộ phim hài nhảm. Vì vậy, trách người xem một thì người làm phim cần phải suy xét lại mình 10.
Xuyên suốt một năm không tiến, không lùi, những điểm sáng bắt đầu cháy lên vào cuối năm. Âm mưu giày gót nhọn chính là ngọn gió mang sinh khí mới vào thị trường phim đang ở cảnh chợ chiều. Tuy không mấy xuất sắc, nội dung chưa mới nhưng phim tỏ ra chỉn chu, không nhảm và đặc biệt có duyên với khán giả, và đã tạo nên một cơn sốt phòng vé khắp các nơi trên cả nước trong tháng 10 vừa qua. Không chỉ vậy, hai bộ phim Việt cuối cùng của năm 2013 là Tèo Em và Thần tượng đều có những thế mạnh riêng, nhắm đúng đối tượng khán giả, hứa hẹn sẽ tạo nên một mùa bội thu mới và thúc đẩy cho năm 2014 phát triển đúng hướng và đúng tiềm năng hơn.
Năm mới và những hy vọng mới
Bước sang năm 2014, mặc dù chỉ đang trong quá trình sản xuất bước đầu nhưng nhiều dự án đã tạo được sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng. Đơn cử là Cô dâu đại chiến 2 và Quả tim máu của đạo diễn Victor Vũ, Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần, Hương ga của đạo diễn Cường Ngô. Đạo diễn Charlie Nguyễn tiếp tục thực hiện Để Hội tính tiếp nối thành công của Để Mai tính, Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng… Từ đây chúng ta có quyền hy vọng rằng năm 2014 sẽ là một năm vô cùng sôi động của phim Việt, các thể loại phim được mở rộng phong phú hơn, phim nhảm sẽ dần mất đi chỗ đứng và nét đẹp cũng như nét tinh tế của phim Việt sẽ ngày càng được nhân rộng và được khán giả đón chào nồng nhiệt hơn.
Ngạn Dương