Trong khi nhóm cổ phiếu thị trường tiếp tục nhận được lực mua tốt, thì nhóm bluechip cũng đã hồi phục trở lại. Tuy nhiên, VN-Index vẫn lỗi hẹn với sắc xanh do VHM giảm khá mạnh.
Trong phiên sáng hôm qua, ảnh hưởng từ phiên lao dốc của thị trường chứng khoán thế giới, thị trường Việt Nam giảm mạnh trong nửa đầu phiên, xuống vùng 970 điểm. Tuy nhiên, sau đó, nhờ lực cầu bắt đáy đã hãm đà giảm của thị trường.
Trong phiên chiều, đà giảm của VN-Index tiếp tục được thu hẹp dần khi một số mã lớn hãm bớt đà giảm, trong khi dòng tiền tiếp tục chảy vào nhóm cổ phiếu nhỏ, giúp nhiều mã trong nhóm này khởi sắc, qua đó kéo VN-Index lên trên 983 điểm khi đóng cửa,
Theo FPTS, tín hiệu xu hướng của phiên đầu tuần vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cần thiết. Thanh khoản thấp cùng mức chênh hẹp giữa giá mở và đóng cửa khiến cho trạng thái giằng co, đi ngang vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Dấu hiệu chững lại của nhiều nhóm ngành dẫn dắt như tài chính, bất động sản đang để ngỏ khả năng rung lắc có thể xuất hiện trong phiên kế tiếp.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (27-6), chỉ số VN-Index đã ngay lập tức có diễn biến rung lắc và mất điểm sau hơn giờ giao dịch.
Dòng tiền vẫn như vài phiên gần đây, khi trốn tránh bluechip và chảy vào nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, điểm khác biệt trong nửa đầu phiên là độ rộng thị trường khá cân bằng giữa số mã tăng và giảm.
Điểm đáng chú ý là số mã thị trường tăng điểm cũng đã vượt trội hơn, trong khi một số khác đã gặp áp lực chốt lời mạnh và có thời điểm rơi xuống mức giá sàn như LDG, TDG, HSL. Khớp lệnh cao nhất HOSE và đang vượt xa phần còn lại là FLC, với gần 11 triệu đơn vị.
Nhóm bluechip bởi không nhận được lực mua, đồng loạt giảm điểm, chỉ số VN30-Index đang là nguyên nhân chính kéo thị trường đi xuống với đa số là các mã vốn hoá lớn giảm điểm như VIC, VJC, VNM, nhóm ngân hàng lớn VCB, CTG, BID, TCB…
Sau khi rơi xuống 977 điểm, mức thấp nhất phiên sáng, chỉ số đã hồi dần trở lại và có thời điểm đã tưởng chừng như một lần nữa vươn lên ngưỡng 985 điểm, nhưng áp lực bán trong ít phút cuối lại diễn ra, đẩy VN-Index thoái lui nhẹ xuống dưới tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 150 mã tăng và 100 mã giảm, VN-Index giảm 0,52 điểm (-0,05%), xuống 982,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 101,33 triệu đơn vị, giá trị 3.967,55 tỷ đồng, tăng 25% về khối lượng và 135% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thoả thuận đóng góp gần 33,7 triệu đơn vị, giá trị 2.806,7 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch thoả thuận đột biến chủ yếu đến từ 7,84 triệu cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài mua của mã mới lên sàn YEG, giá trị 2.353 tỷ đồng. Tuy nhiên, về thanh khoản khớp lệnh, cổ phiếu này chỉ có 100 đơn vị, và tiếp tục tăng trần lên 321.000 đồng/cổ phiếu.
Thị trường hồi dần trở lại chủ yếu do nhóm VN30 đã có những tín hiệu khởi sắc nhất định khi số mã tăng điểm tăng lên và lấn át số mã giảm, bên cạnh đó, top 10 mã vốn hoá lớn nhất cũng đa số đã hãm đà giảm, thậm chí mốt số mã còn đảo chiều tăng cũng đã tác động tích cực nhất định đến tâm lý thị trường.
Cụ thể, VIC từ sắc đỏ vươn lên +0,7% lên 124.500 đồng; VNM chỉ còn giảm 0,4% xuống 175.000 đồng; GAS vững vàng +2,2% lên 92.000 đồng; MSN cũng chỉ mất 0,6% xuống 82.000 đồng.
Nhóm ngân hàng lớn như TCB -0,3% xuống 94.700 đồng; VCB đảo chiều, tăng 1,2% lên 60.000 đồng; CTG và BID rung lắc nhưng may mắn đã không ảnh hưởng xấu đến chỉ số khi CTG +0,2% lên 26.050 đồng; BID đứng tham chiếu 27.800 đồng.
Duy nhất SAB bị kéo lùi, nhưng cũng chỉ -0,4% khi chốt phiên, xuống 221.900 đồng.
Nhóm bluechip VN30 với các mã thanh khoản tốt đa số tăng điểm, trong đó ấn tượng nhất là HSG +3,6% lên 13.000 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị trong khi SSI, SBT, STB, MWG, DPM tăng chưa đến 1%, khớp lệnh từ hơn 200.000 đến 1 triệu đơn vị. chỉ riêng HPG có hơn 1,1 triệu đơn vị khớp lệnh nhưng giảm 0,7% xuống 40.800 đồng.
Ngược lại, giảm sâu nhất là ROS -3,7% xuống 44.300 đồng, số khác cũng chỉ mất điểm nhẹ như BVH -1,1%; DHG -1,2%; VJC -0,3%; CII -0,4%.
Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu thị trường, khi đồng loạt nhiều mã tăng điểm và thanh khoản cao với FLC, HAG, HNG, ITA, ASM, HQC, HHS, IDI, DAG, HCD, HAI, SCR… trong đó, FLC vượt trội phần còn lại với hơn 14,6 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 1,4% lên 5.640 đồng; cặp đôi HAG và HNG đứng ngay sau nhưng chỉ có lần lượt 4,6 triệu và 3 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi LDG, KBC, PDR, DLG, HSL, TDG mất điểm, tuy nhiên LDG, HSL, TDG đã kịp thoát mức giá sàn, khớp lệnh nhóm này từ hơn 450.000 đến gần 700.000 đơn vị, riêng LDG có 2,46 triệu đơn vị.
-Theo ĐTCK