Chịu áp lực chốt lời mạnh khiến VN-Index có lúc bị đẩy mạnh xuống sát tham chiếu, nhưng nhờ lực cầu vẫn duy trì tốt, nên VN-Index tiếp tục có phiên tăng điểm và đóng cửa trên ngưỡng 1.020 điểm.
Trong phiên sáng, sau khi chớm đỏ khi mở cửa, VN-Index đã được kéo tăng vọt hơn 11 điểm, lên vùng 1.025 điểm. Tuy nhiên, ở vùng kháng cự này, lực cung chốt lời diễn ra mạnh đã đẩy thoái lui 10 điểm về vùng 1.015 điểm. Về nửa cuối phiên, nhờ dòng tiền chảy mạnh nên VN-Index đã lấy lại đà tăng, chốt ở sát mốc 1.025 điểm.
Trong phiên chiều, VN-Index một lần nữa thử sức với ngưỡng kháng cự này, nhưng cũng giống như phiên sáng, áp lực chốt lời diễn ra mạnh đã đẩy chỉ số này thoái lui 10 điểm trước khi bật trở lại vào nửa cuối phiên nhờ dòng tiền chảy mạnh. Dù vậy, VN-Index vẫn đóng cửa thấp hơn so với mức chốt của phiên sáng, nhưng bù lại thanh khoản lại tăng vọt so với phiên hôm qua.
Trong khi đó, HNX-Index bị đẩy mạnh ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều và xác định đáy của ngày tại mức 117,28 điểm trước khi kịp hồi trở lại. Tuy nhiên, với đà giảm tại ACB, VGC và NTP, HNX-Index không thể trở lại được mốc tham chiếu.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch chiều 5-6, VN-Index tăng 8,96 điểm (+0,88%), lên 1.022,74 điểm với 162 mã tăng và 123 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 212,46 triệu đơn vị, giá trị 7.815,25 tỷ đồng, tăng 28% về khối lượng và 53,49% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,37 triệu đơn vị, giá trị 2.986,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,36 điểm (-0,3%), xuống 117,96 điểm với 89 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 64,75 triệu đơn vị, giá trị 959,9 tỷ đồng, tăng 16,3% về khối lượng và 17,6% về giá trị so với phiên giao dịch trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,9 triệu đơn vị, giá trị 268 tỷ đồng.
Trong phiên hôm nay, sắc tím vẫn tràn ngập trên sàn HOSE với các mã như HSG, ASM, IDI, HAI, VND, HAR, GAS, PVD, TSC, HCD, NKG, NLG, VHC, SKG… Trong đó, HSG, ASM và IDI là 3 mã có thanh khoản lớn với lần lượt 7,36 triệu đơn vị, 6,6 triệu đơn vị và 6 triệu đơn vị.
VJC dù không có được phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, nhưng cũng đóng cửa tăng khá mạnh hôm nay, tăng 1,59%, lên 173.000 đồng.
Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn, ngoại trừ GAS khởi sắc (tăng trần lên 98.700 đồng), đà tăng cũng trở lại với cặp đôi VIC và VHM, nhưng rất nhẹ 0,92%, lên 121.100 đồng và 118.000 đồng. Ngoài ra, đà tăng cũng được duy trì tại VNM (+1,72%, lên 177.000 đồng), SAB (+2,48%, lên 247.600 đồng), CTG (+1,61%, lên 28.400 đồng).
Trong khi đó, tân binh TCB tiếp tục giảm sâu 6,25%, xuống 96.000 đồng, nhưng vẫn là mã ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn sau VCB. VCB cũng giảm 1,18%, xuống 58.600 đồng, BID cũng mất 0,33%, xuống 30.400 đồng và HPG giảm 1,67%, xuống 59.000 đồng.
Trong nhóm ngân hàng, ngoài 4 mã trên, các mã còn lại cũng có sự phân hóa, nhưng biến động không lớn. Trong đó, EIB tăng mạnh nhất 3,69%, lên 15.450 đồng, tiếp đến là STB tăng 2,79%, lên 12.900 đồng, còn lại VPB tăng nhẹ 0,41%, lên 49.400 đồng, HDB tăng 0,47%, lên 43.200 đồng, MBB đứng ở tham chiếu 30.450 đồng và TPB giảm nhẹ 0,34%, xuống 29.400 đồng.
Dù giá dầu thô thế giới liên tục giảm trong mấy phiên qua do ảnh hưởng bởi sản lượng của Mỹ tăng mạnh, cùng khả năng thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga sẽ chấm dứt, nhưng nhóm cổ phiếu dầu khí trên sàn chứng khoán Việt Nam lại khởi sắc. Ngoại trừ GAS và PVD tăng trần, PLX cũng tăng mạnh 4,46%, lên 65.600 đồng, PVT tăng 3,66%, lên 17.000 đồng, PXS tăng 4,17%, lên 5.750 đồng, DCM tăng 2,3%, lên 11.100 đồng, DPM tăng 2,84%, lên 18.100 đồng.
Trên HNX, PVX tăng trần 1.600 đồng với 2 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần khá lớn. PVS tăng 3,41%, lên 18.200 đồng với 5,8 triệu đơn vị. PVB tăng 1,84%, lên 16.600 đồng.
Tuy nhiên, trên sàn này, ACB lại giảm 0,71%, xuống 41.700 đồng với 4,69 triệu đơn vị được khớp, VGC giảm 0,82%, xuống 24.300 đồng với 1,46 triệu đơn vị được khớp và NTP giảm 3,59%, xuống 51.000 đồng khiến HNX-Index đóng cửa trong sắc đỏ.
Ngoài ra, SHB cũng chỉ đủ sức giữ được mức tham chiếu 9.600 đồng với 6,98 triệu đơn vị, VCS, VPI và PHP cũng đứng ở tham chiếu 97.000 đồng, 43.500 đồng và 12.700 đồng. Trong khi đó, ngoài PVS, chỉ có thêm PVI tăng 1,84%, lên 33.200 đồng, VCG tăng 0,55%, lên 18.400 đồng.
Trong khi đó, KLF bất ngờ nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư khi được khớp 8,45 triệu đơn vi, đứng đầu sàn HNX và đóng cửa ở mức trần 2.200 đồng.
–Theo ĐTCK