Sau khi nới rộng đà giảm đầu phiên do quán tính của phiên sáng, xuống dưới ngưỡng 966 điểm, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc mạnh, kéo VN-Index đảo chiều ngoạn mục, leo thẳng hơn 28 điểm, trước khi yếu đà trong đợt ATC.
Trong phiên giao dịch sáng, áp lực bán diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là đà giảm mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn đã khiến VN-Index tiếp tục lùi sâu xuống dưới ngưỡng 970 điểm.
Trong phiên chiều, quán tính của phiên sáng khiến VN-Index tiếp tục lùi sâu, xuống mức đáy của ngày 965,92 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy sau đó xuất hiện tại một số mã ngân hàng, khéo hãm đà rơi của VN-Index. Sau đó, lực cầu bắt đáy lan rộng ra các mã khác, kéo chỉ số này tăng liền một mạch hơn 28 điểm, lên trên 995 điểm. Tưởng chừng thị trường sẽ có phiên đột biến ngoạn mục để chinh phục lại mốc 1.000 điểm, nhưng trong đợt khớp lệnh ATC, lực bán gia tăng đã khiến VN-Index hụt hơi, chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ khi đóng cửa.
Cụ thể, chốt phiên hôm nay, VN-Index tăng 3,03 điểm (+0,31%), lên 988,94 điểm với 151 mã tăng (gấp đôi so với phiên sáng), trong khi số mã giảm chỉ còn 128 mã (ít hơn 67 mã của phiên sáng). Tổng khối lượng giao dịch đạt 182,16 triệu đơn vị, tương đương với phiên hôm qua. Tổng giá trị 6.628,29 tỷ đồng, tăng 27% so với phiên hôm qua.
Tuy nhiên, hôm nay giao dịch thỏa thuận khá sôi động với 55,4 triệu đơn vị, giá trị 2.652,52 tỷ đồng, trong đó đóng góp lớn vào giao dịch thỏa thuận là VNM với 6,34 triệu đơn vị, giá trị 1.041,65 tỷ đồng; VIC với 3 triệu cổ phiếu, giá trị 330 tỷ đồng; NVL với hơn 5 triệu cổ phiếu, giá trị 254 tỷ đồng; HSG với 19,2 triệu cổ phiếu, giá trị 230,54 tỷ đồng.
Lực cầu bắt đáy chiều nay chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí, cũng như VNM. Trong đó, VNM tăng mạnh 3,27%, lên 167.300 đồng, GAS tăng trần lên 113.300 đồng, VCB tăng 2,06%, lên 54.500 đồng, CTG tăng 3,32%, lên 28.000 đồng, BID tăng 3,92%, lên 30.450 đồng, VRE tăng 1,16%, lên 43.500 đồng, MSN đứng ở tham chiếu 85.000 đồng.
Trong khi đó, cặp đôi cổ phiếu lớn nhất thị trường là VIC và VHM vẫn giảm sâu dù thoát khỏi mức thấp nhất ngày, cũng là mức giá sàn, trong đó VHM có lực cầu hỗ trợ khác tốt, nhưng do lực cung chốt lời lớn nên đà giảm không được hãm nhiều. Trong đó, VHM giảm 6,68%, xuống 110.300 đồng với 4,84 triệu đơn vị được khớp; VIC giảm 3,2%, xuống 103.000 đồng với 2,36 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, SAB giảm 1,98%, xuống 243.000 đồng.
Trong Top 30 mã vốn hóa lớn nhất sàn, sắc đỏ cũng chỉ còn xuất hiện ở một vài mã như NVL, ROS, HDB, CTD, còn lại đều đảo chiều tăng giá thành công, trong đó có những mã tăng mạnh như SSI tăng 3,83%, lên 31.200 đồng với 6,94 triệu đơn vị được khớp, lớn nhất sàn HOSE, MWG tăng 3,67%, lên 113.000 đồng, BVH tăng 3,57%, lên 87.000 đồng, HPG tăng 2,38%, lên 51.700 đồng.
Ngoài SSI, các mã có thanh khoản tốt hôm nay còn phải kể đến HSG với 6,27 triệu đơn vị và đứng ở tham chiếu 12.200 đồng, CTG với 5,2 triệu đơn vị. Các mã được khớp trên 4 triệu đơn vị ngoài VHM còn có thêm STB (4,6 triệu đơn vị) và SCR (4,38 triệu đơn vị).
Ngoài GAS, sắc tím hôm nay còn xuất hiện ở một số mã khác như VND, AAA với tổng khớp cả hai trên 2 triệu đơn vị mỗi mã; nhóm cao su chế biến với CSM, DRC, hay EMC…
Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự khi HNX-Index theo quán tính bị đẩy xuống mức thấp nhất ngày ngay khi mở cửa phiên chiều (115,1 điểm), nhưng sau đó đã nhanh chóng đi lên nhờ lực cầu bắt đáy nhập cuộc, trong khi lực cung giá thấp được tiết giảm.
Thậm chí, tích cực hơn VN-Index, trong đợt ATC, HNX-Index tiếp tục nới rộng đà tăng để leo thẳng lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa khi ACB lên mức giá cao nhất ngày.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,39 điểm (+1,19%), lên 118,11 điểm với 97 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,17 triệu đơn vị, giá trị 648,8 tỷ đồng, giảm 31,8% về khối lượng và 30,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,49 triệu đơn vị, giá trị 115,79 tỷ đồng.
Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HNX, chỉ còn NTP giảm 1,52%, xuống 52.000 đồng, PVS đứng ở tham chiếu, còn lại đều tăng giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là VCG tăng 4,76%, lên 17.600 đồng, tiếp đến là VCS tăng 4,72%, lên 99.900 đồng, SHB tăng 4,4%, lên 9.500 đồng, PVI tăng 3,23%, lên 32.000 đồng, VPI tăng 1,4%, lên 43.600 đồng, VGC tăng 1,23%, lên 24.700 đồng, ACB tăng 0,97%, lên 41.500 đồng và PHP tăng 0,85%, lên 11.900 đồng. Trong đó, ACB, SHB, VCG, VPI, PHP đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày.
Về thanh khoản SHB là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 7,74 triệu đơn vị, tiếp đến là PVS với 3,39 triệu đơn vị, ACB với 2,84 triệu đơn vị, CEO với 2,47 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5%, lên 16.800 đồng, PVX với 2,2 triệu đơn vị.
Cũng giống trên HOSE, sàn HNX cũng có mã chứng khoán đóng cửa ở mức trần là SHS, lên 16.500 đồng với 1,7 triệu đơn vị. Ngoài ra, trên sàn này còn có nhiều mã nhỏ khác đóng cửa với sắc tím là S99, ACM, KDM, SPI, DPS, NHP, TJC, HKB.
Trên sàn UPCoM cũng có diễn biến tương tự khi bị đẩy mạnh xuống đầu phiên chiều, sau đó quay đầu tăng một mạch qua tham chiếu, rồi tiến thẳng lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,64%), lên 54,07 điểm với 97 mã tăng và 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34 triệu đơn vị, giá trị 428 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,54 triệu đơn vị, giá trị 264,8 tỷ đồng.
Trong các mã lớn hút dòng tiền, chỉ còn HVN giảm 2,96%, xuống 32.800 đồng với 0,47 triệu đơn vị, còn lại đều đóng cửa trong sắc xanh.
Trong đó, LPB đứng đầu về thanh khoản với 2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,67%, lên 12.200 đồng; POW khớp 1,92 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,43%, lên 14.200 đồng; BSR tăng 1,52%, lên 20.100 đồng với 0,85 triệu đơn vị; OIL tăng 1 bước giá lên 17.900 đồng với 0,38 triệu đơn vị.
Các mã lớn đáng chú ý khác như VGT, TIS, DVN, MCH cũng đóng cửa với sắc xanh, trong khi SDI, VIB, MSR, ACV cũng có chung cảnh ngộ với HVN.
–Theo ĐTCK