Sau 3 phiên tăng liên tiếp, áp lực chốt lời đã diễn ra mạnh mẽ trong phiên hôm nay khiến VN-Index đảo chiều giảm hơn 11 điểm. Đây là phiên giảm điểm đầu tiên trong năm Mậu Tuất của chứng khoán Việt Nam.
Trong phiên giao dịch sáng, các cổ phiếu ngân hàng đã nhiều lần đóng vai trò bệ đỡ cho thị trường, có thời điểm VN-Index đã lấy lại đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu “vua”. Tuy nhiên, sau 3 phiên tăng điểm mạnh và đang tiến tới vùng cản 1.100 điểm, áp lực bán chốt lời đã diễn ra mạnh trong phiên hôm nay, đặc biệt là trong phiên chiếu, khiến VN-Index lao về về mốc 1.070 điểm, trước khi hãm đà rơi vào cuối phiên.
Đóng cửa, với 199 mã giảm và 102 mã tăng, VN-Index giảm 11,12 điểm (-1,01%) xuống 1.076,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 199,62 triệu đơn vị, giá trị 6.071,87 tỷ đồng, tăng 12,48% về khối lượng và 6,17% về giá trị so với phiên 21/2.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,349 triệu đơn vị, giá trị hơn 849 tỷ đồng. Đáng chú ý là các thỏa thuận ở mức giá trần của 2,4 triệu cổ phiếu HDB, giá trị 117,7 tỷ đồng và 0,81 triệu cổ phiếu VJC, giá trị 172,4 tỷ đồng, bên cạnh là 1,82 triệu cổ phiếu NVL, giá trị hơn 147 tỷ đồng…
Áp lực bán mạnh khiến nhiều mã vốn hóa lớn cũng như bluechips quay đầu giảm điểm, trong đó nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất như GAS -5,4%, PLX -2,8%, thậm chí PVD đã giảm sàn, trước khi hồi nhẹ với mức giảm 6,3%.
Ngay cả trụ đỡ ngân hàng cũng yếu đà. BID quay đầu giảm 1,6%. Chỉ còn CTG, VCB, EIB là tăng điểm, song sắc xanh đã nhạt đi đáng kể. Các mã VNM, SAB, MSN, HPG, HDB, VPB… cũng đều giảm mạnh.
Dòng tiền cũng chỉ quanh quẩn ở các cổ phiếu ngân hàng. STB và CTG lần lượt dẫn dầu thị trường về thanh khoản với lượng khớp tương ứng 18,52 triệu và 18,02 triệu đơn vị. Các mã khác khớp từ gần 2-6 triệu đơn vị.
Tương tự, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế ở nhóm cổ phiếu thị trường như HAG, HNG, SCR, FLC, AMD, HAI, HQC, ITA, KBC, ASM, OGC… Thanh khoản của nhóm này cũng yếu, khớp lệnh cao nhất nhóm là HAG cũng chỉ đạt hơn 5,6 triệu đơn vị.
VHG đã mất sắc tím khi mức tăng dừng ở 980 đồng, khớp lệnh 1,81 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, dù cũng có nhịp hồi nhẹ cuối phiên, song HNX-Index cũng chìm trong sắc đỏ suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, với 98 mã giảm và 49 mã tăng, HNX-Index giảm 1,15 điểm (-0,92%) xuống 124,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,66 triệu đơn vị, giá trị 855,31 tỷ đồng, tăng 3,66% về khối lượng, nhưng giảm 1,77% về giá trị so với phiên 21/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn 3,19 triệu đơn vị, giá trị 53,74 tỷ đồng.
Trong rổ HNX30, chỉ còn VGC, LAS, HHG và PGS là tăng điểm, song thanh khoản yếu. Trong khi đó, các mã có sức nặng như ACB, SHB, VCG, PVS, PVC, HUT, VCS, NTP, DBC… đều đồng loạt giảm điểm.
SHB giảm 2,3% về 12.800 đồng, khớp lệnh 21,7 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. PVS giảm 4,4% về 21.700 đồng, khớp lệnh 6,616 triệu đơn vị. ACB giảm 0,7% về 44.200 đồng, khớp lệnh 3,5 triệu đơn vị…
Một số mã nhỏ như TVC, DPS, HVA, SDD, SCJ… đã tăng trần, song thanh khoản rất thấp.
Trên sàn UPCoM, diễn biến trong phiên chiều khá giằng co, song khác với 2 sàn niêm yết, sàn này kết phiên với mức giảm nhẹ.
Đóng cửa, với 67 mã giảm và 57 mã tăng, UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,12%) về 59,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,53 triệu đơn vị, giá trị 135 tỷ đồng, tăng 32,87% về khối lượng và 14,4% về giá trị so với phiên 21/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn chỉ 3,89 tỷ đồng.
LPB, HVN và SBS là 3 mã có thanh khoản mạnh nhất sàn, dẫn đầu là LPB với với 2,08 triệu đơn vị được khớp.
Tuy nhiên, SBS đứng giá tham chiếu, còn LPB và HVN cùng giảm điểm, với mức giảm tương ứng 1,9% về 15.500 đồng và 4,8% về 52.000 đồng.
QNS vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 3,9% lên 60.600 đồng, khớp lệnh chỉ 286.000 đơn vị. HPI và PFL tăng trần, song thanh khoản cũng thấp.
– Theo ĐTCK