Hết BMW, Audi đến Mercedes rồi Porsche, các thương hiệu xe sang danh tiếng đang quảng bá rầm rộ cho các sản phẩm thuộc dòng entry-level đang gặt hái thành công trên thị trường xe sang trên thế giới và tất nhiên, ở cả Việt Nam.
Entry-level – chìa khóa mở rộng thị trường?
Thế giới xe sang (luxury car) có những nguyên tắc bất di bất dịch để xác định thế nào xe sang, từ tiêu chuẩn thiết kế, truyền thống thương hiệu đến giá bán. Nhờ vậy, xe sang đã thiết lập được một đẳng cấp riêng, mà những dòng xe phổ thông dù có được nâng cấp tột bực cũng khó mà lọt qua hàng rào “phân biệt chủng tộc” ấy. Thực tế cho thấy, để gia nhập được vào thế giới xe sang, Toyota phải tạo ra một thương hiệu hoàn toàn mới là Lexus, Honda phải có Acura hay Nissan có Infinity với những hệ thống sản xuất và dịch vụ chăm sóc độc lập, theo những tiêu chuẩn riêng, hoàn toàn khác biệt về đẳng cấp. Xe sang vì thế cũng có một thế giới khách hàng riêng mà một khi đã vào “thế giới sang” rồi thì họ không bao giờ chịu “hạ cố” xuống các dòng xe hạng khác.
Tuy nhiên, chính đẳng cấp của xe sang cũng tạo ra những hạn chế trong quá trình phát triển thị trường, nhất là trong việc tìm kiếm khách hàng mới. Bởi thế, trách nhiệm mở rộng phân khúc thị trường, nhắm tới đối tượng khách hàng mới được trao cho dòng sản phẩm entry-level, được hiểu là dòng xe dành cho những khách hàng chưa thật đủ điều kiện (tài chính và cả tâm lý) để tiếp cận những mẫu xe sang tiêu chuẩn, nhưng muốn gia nhập vào thế giới luxury car. Một cách nôm na, có thể hiểu entry-level luxury car là dòng xe ở ngưỡng cửa bước vào đẳng cấp xe sang.
A-Class, 1 Series và A3 đều đang có sức hấp dẫn với nhiều khách hàng
Nhìn lại sự phát triển của thị trường xe sang tại nước ta, ông Wu Nguyễn – Giám đốc marketing của Infinity (thương hiệu vừa gia nhập thị trường Việt Nam) nhận định rằng năm 2001, bằng việc tung ra thị trường chiếc C180 Classic, Mercedes-Benz Việt Nam đã chính thức đưa mẫu xe entry-level luxury đầu tiên đến thị trường Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới cho phân khúc xe sang. Tại thời điểm đó, C180 được lắp ráp dạng CKD tại nhà máy thuộc diện hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á của Mercedes-Benz, nằm ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Có giá bán sau thuế là 44.000 USD, chiếc C180 được trang bị nhiều tính năng cao cấp vốn còn khá xa lạ với người tiêu dùng trong nước như hệ thống tay lái nhiều chức năng với các nút bấm hiển thị và lập trình thông số tiêu hao nhiên liệu, mức dầu nhờn, độ dài đoạn đường và thời gian đi trong ngày, hệ thống cảnh báo nguy cơ va chạm…, đã tạo nên cú sốc trên thị trường. Nhờ C180, Mercedes đã hút được khá nhiều khách hàng từ các thương hiệu xe phổ thông danh tiếng và quan trọng hơn, chiếc xe này đã mở rộng cánh cửa thị trường xe sang trước sự e dè của phần đông người tiêu dùng.
Cùng với C-Class, các mẫu Audi A4, BMW 3 Series cũng được xếp vào hàng entry-level luxury car. Hiện tại, bên cạnh việc tiếp tục làm mới và nâng cấp các mẫu entry-level tiêu chuẩn, khả năng tiếp cận entry-level của các thương hiệu xe sang cũng được rộng mở hơn vì các nhà sản xuất chịu khó thiết lập những chuẩn mực mới đối với những dòng xe nhỏ hơn, nhắm đến những người trẻ. Với Mercedes, đó là dòng xe A-Class thế hệ mới, BMW có dòng 1 Series hoàn toàn mới, còn Audi chọn chiếc A3, cũng là dòng sản phẩm hoàn toàn mới.
Thế hệ entry-level mới
Mùa hè năm nay, Mercedes giới thiệu A-Class thế hệ mới tại Việt Nam cùng nhiều thị trường châu Á khác. Buổi ra mắt chiếc xe này thu hút tới cả ngàn bạn trẻ, tạo nên một sự kiện hoàn toàn khác lạ so với các buổi giới thiệu xe trước đó của thương hiệu này. Giám đốc nhãn hàng một công ty tiêu dùng ở TP. Hồ Chí Minh, một người trẻ thuộc thế hệ 8X, từng chia sẻ: “Tôi khám phá ra một khía cạnh hoàn toàn khác của Mercedes-Benz. Đó là sự trẻ trung, tinh thần tiên phong và cũng rất thời thượng”. Đây cũng chính là mục tiêu của nhà sản xuất nhằm tạo nên cú đột phá bằng mẫu xe sang hạng nhỏ hướng tới nhóm khách hàng trẻ. Thu về khoảng 400 đơn đặt hàng ngay sau buổi ra mắt, A-Class được xem là chiếc xe nhập khẩu hạng sang đắt hàng nhất hiện nay và cũng là mẫu xe nhập khẩu có mức giá mềm nhất của Mercedes (ngang ngửa C-Class lắp ráp trong nước, từ 1,264 tỉ đồng).
Cả BMW và Audi đều chính thức trình làng dòng entry-level mới, gồm BMW 1 Series và Audi A3 tại Triển lãm ôtô Việt Nam 2013. Dù là dòng xe “nhỏ” nhất của BMW, được trang bị động cơ 1.6L, nhưng BMW 116i có thể làm thỏa mãn những người yêu thích thương hiệu này vì được trang bị hệ truyền động cầu sau (giúp xe vận hành mạnh mẽ hơn), tức là đi trước so với các đối thủ cùng phân khúc. Động cơ tăng áp kép và hộp số tự động tám cấp giúp 1 Series đạt tốc độ tối đa 210km/g với mức tiêu hao nhiên liệu tiêu chuẩn chỉ 5,3 lít trên quãng đường 100km. Đặc biệt, xe vẫn bảo toàn nguyên vẹn phong cách truyền thống của BMW, từ nội thất đến cảm giác lái, tạo nên sự khác biệt rõ ràng so với đối thủ trực tiếp có giá ngang ngửa là A-Class.
Macan – “tiểu Cayenne” chuẩn bị ra mắt người tiêu dùng tại thị trường châu Á
Ông Laurent Genet – Tổng giám đốc Audi Việt Nam không giấu giếm ý đồ của Audi khi quyết định đưa A3 vào thị trường Việt Nam: “Định hướng của Audi trong thời gian tới là sẽ nhập về Việt Nam những dòng xe nhỏ như A3 để phục vụ phân khúc thị trường rộng lớn hơn ở phía dưới”. Mẫu xe này được trang bị động cơ 1.8L, tốc độ tối đa 235km/g, tiêu thụ nhiên liệu 5,6 lít/100km, thiết kế nội thất và ngoại thất theo tiêu chuẩn mới dành cho phân khúc sedan cỡ nhỏ, có tới 12 màu sơn tiêu chuẩn và tùy chọn 13 loại vành hợp kim nhôm từ 16 đến 19 inch nên hoàn toàn có đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với C-Class và 3 Series. Có khả năng trong thời gian tới Audi sẽ tiếp tục đưa vào thị trường Việt Nam thêm hai mẫu A1 và Q1. Nếu A1 thuộc dòng hatchback hạng nhỏ cao cấp (đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Volkswagen Sirocco) thì Q1 là chiếc SUV nhỏ nhất trong gia đình Q. Tuy nhỏ nhưng sang trọng và đẳng cấp, Q1 cũng được trang bị lựa chọn hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian Quattro danh tiếng. Nhắm tới đối tượng khách hàng trẻ nơi đô thị, khi trình làng mẫu Q1, Audi cũng sẽ đưa ra nhiều lựa chọn về màu sắc, có hệ thống thông tin giải trí tiên tiến, có thể tìm kiếm trên internet cùng Google Maps…
Không chỉ Audi, BMW hay Mercedes, cả Porsche cũng cần tới dòng entry-level để mở rộng thị trường. Dù 911 được tôn vinh như linh hồn của thương hiệu nhưng Cayenne mới là mẫu xe bán chạy nhất của Porsche. Với mức giá phải chăng (hơn 3 tỉ đồng đối với phiên bản thường, trong khi 911 có giá không thấp hơn 5 tỉ đồng) và thiết kế gầm cao cho dòng SUV, Cayenne trở thành chiếc xe phục vụ sinh hoạt hằng ngày của những người chuộng thương hiệu Porsche. Không dừng lại ở đó, hãng xe thể thao hạng sang này chuẩn bị tung ra thị trường dòng “tiểu Cayenne”, trước tiên là chiếc SUV Macan (được xem là bản thu nhỏ của mẫu Cayenne) nhằm thu hút thêm một lượng khách hàng tiềm năng chưa đủ điều kiện sắm Cayenne. Macan sẽ cạnh tranh trực tiếp với những mẫu SUV hạng trung – cao cấp như BMW X3, Land Rover Range Rover Evoque, Audi Q5 và Mercedes GLK. Với mức giá xuất xưởng tại Mỹ khoảng 45.000 USD, dự kiến khi về tới Việt Nam theo đường nhập khẩu chính thức, giá của Macan sẽở mức trên 2 tỉ đồng – một khoảng cách tương đối rõ ràng so với Cayenne và là sự lựa chọn đáng giá ở phân khúc SUV sang hạng bậc trung.
Cố gắng hút những khách hàng còn đang do dựở phân khúc kề dưới, các dòng entry-car đang giúp các thương hiệu xe sang tăng doanh số cũng như lợi nhuận và trở thành thách thức lớn đối với các nhà sản xuất xe phổ thông danh tiếng.
P.T