Vừa rồi anh có nói đến yếu tố terroir tạo nên thành công của vang Bordeaux, nhưng vang Bordeaux còn là sản phẩm pha chế từ nhiều giống nho. Liệu anh có thể cho biết cách thức pha chế để có sản phẩm ngon?
– Tôi không phải là chuyên gia rượu vang (winemaker), nhưng theo tôi biết thì thành công của vang Bordeaux dựa vào kinh nghiệm cả ngàn năm. Người ta biết rõ terroir nào thích hợp với giống nho nào. Đó là lợi thế mà các vùng trồng nho ở nơi khác không có được. Nếu bảo rằng chúng tôi có bí quyết thì đó là tên tuổi của gia đình Rothschild với sản phẩm được xem là tham chiếu chất lượng của vang Bordeaux. Với trường hợp nhãn hiệu Mouton Cadet, chúng tôi hợp tác với hơn 300 nhà vườn trồng nho ở Bordeaux. Khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh khác là chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với các nhà trồng nho này, gặp họ hằng tuần, chọn đúng vườn nho mong muốn, biết thời điểm nào nên tỉa lá… Chính vì vậy chúng tôi hiếm khi phải mua lại rượu vang nguyên liệu từ các hợp tác xã để chế biến ra sản phẩm cuối cùng.
Liệu những tiêu chí về chất lượng có được áp dụng nghiêm ngặt với các đối tác ở nơi khác?
– Luôn luôn thế. Khi hợp tác, chúng tôi tìm đến các thương hiệu nổi tiếng, như Robert Mondavi ở Mỹ, Concha Y Toro ở Chilê. Với họ, chúng tôi luôn cảm nhận cùng chia sẻ những giá trị, giá trị gia đình và chất lượng cao của thương hiệu.
Anh có nghĩ một ngày nào đó Mouton Rothschild sẽ hợp tác với các nhãn hiệu Trung Quốc?
– Thật tình mà nói, 95% các sản phẩm rượu vang Trung Quốc mà tôi đã nếm thử chưa đạt đủ chất lượng. Nhưng một điều chắc chắn là Trung Quốc, với diện tích rất rộng lớn, có được terroir thích hợp để trồng nho làm vang. Nhiều đồng nghiệp tên tuổi của chúng tôi ở Bordeaux đã đầu tư trồng nho ở Trung Quốc, như Château Lafite đã đầu tư khoảng 60 hécta. Nếu nói một ngày nào đó gia đình Rothschild cũng làm tương tự thì chưa chắc.
Ở khía cạnh ngược lại, người ta đang nói đến “cơn thèm khát” mua vườn nho, château Bordeaux của các nhà đầu tư Trung Quốc…
– Đúng vậy. Năm ngoái có khoảng một chục château ở Bordeaux bán cho Trung Quốc (theo một số liệu khác thì từ 2008 các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua từ 15-20 château ở Bordeaux, và khoảng 30 château khác có thể sẽ được sang tay trong thời gian tới). Tôi nghĩ điều này tương ứng với làn sóng đầu tư vào rượu vang Pháp trước đây, khi ở thế kỷ XVIII-XIX thương nhân Hà Lan đến Bordeaux mua các vườn nho, rồi cách nay khoảng 30 năm là người Mỹ, trong 15-20 năm qua đến lượt người Nhật, và giờ đây là người Trung Quốc.
Điều đó có làm các anh sợ, nhất là khi tính truyền thống có thể bị ảnh hưởng?
– Trước tiên, chúng tôi vui vì có người luôn tìm đến vang Bordeaux. Họ không chỉ quan tâm đến sản phẩm cuối cùng, mà cả terroir, vườn nho, château. Thật ra chúng tôi không sợ vì mua khoảng một chục château có đáng là bao so với cả ngàn cái hiện có ở Bordeaux, mà đúng ra là lo âu. Lo âu là vì ở Bordeaux, rượu vang sản xuất luôn mang tính truyền thống và gia đình, đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt.
Làm việc ở Trung Quốc đã sáu năm, anh có ghi nhận gì về thị trường rượu vang nước này?
– Rất đa dạng so với các quốc gia trong khu vực. Thị trường vang Trung Quốc phát triển rất nhanh và tăng đều. Người Trung Quốc tiêu thụ 80% vang đỏ, 85% là vang nội địa và có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng miền ở Trung Quốc, chẳng hạn người Bắc Kinh uống loại rượu vang khác với dân Thượng Hải và ở miền Nam nước này.
Về cách thưởng thức vang thì thế nào?
– Tiến triển rất nhanh. Cách nay 6-8 năm, người Trung Quốc quen uống rượu vang pha với Coca-Cola, nhưng nay tôi không còn thấy chuyện này nữa. Mười năm trước đây, họ chỉ giải thích khác biệt giữa vang trắng và vang đỏ, nhưng nay thì phân biệt giữa cabernet sauvignon và merlot. Mai đây có thể họ sẽ tìm hiểu khác biệt giữa terroir ở Médoc và Saint-Emilion, những xuất xứ trồng nho nổi tiếng ở Bordeaux. Những buổi tiệc tối rượu vang tại Trung Quốc thường có hơn 80% người bản xứ tham dự, thậm chí có khi đạt 100%. Ngay cả thực đơn buổi tiệc cũng toàn món ăn Trung Quốc.
Q. Thái thực hiện