Cuối tuần qua, bóng đá châu Âu có hai trận cầu tâm điểm. Ở Tây Ban Nha là trận “siêu kinh điển” giữa Real Madrid và Barcelona (3-1), còn tại Anh là cuộc chiến giữa thế lực cũ Manchester United (M.U) và quyền lực mới – đội dẫn đầu bảng Chelsea (1-1). Tất nhiên, không thể “luận anh hùng” chỉ sau một trận đấu, nhưng cũng cho thấy một điều: sự can thiệp của các ông chủ CLB có lý lẽ riêng!
Trong bóng đá cấp độ CLB, nhìn chung các huấn luyện viên, cổ động viên và cả giới truyền thông đều không thích việc các ông chủ can thiệp vào những vấn đề chuyên môn của đội bóng. Mua bán (cầu thủ) bốc đồng, sa thải huấn luyện viên, đòi hỏi CLB phải chơi tấn công bất chấp thực lực,… đều là những hành động “đáng ghét” của các ông chủ trong mắt dư luận.
Trong mùa chuyển nhượng vừa qua, có lẽ không có ông chủ nào bị chê trách nhiều như Florentino Perez của Real Madrid, khi người ta cho rằng ông can thiệp quá sâu vào chuyên môn của đội bóng, bán đi những cầu thủ được HLV Ancelotti ưa thích (Di Maria, Alonso), đem về những cầu thủ đắt giá (James Rodriguez, Toni Kroos) nhưng chưa chắc thay thế được người cũ… Trước đó, Florentino Perez cũng bị chê tương tự khi bán đi Mesut Ozil, Gonzalo Higuain, giữ lại “chú mèo” Karim Benzema và mua Isco…, để lại một “di sản khó khăn” cho HLV Ancelotti xử lý. Đúng là cũng có khó khăn cho HLV người Ý thật, khi trong những trận đầu tiên của mùa giải, những cầu thủ mới về chưa thể hòa vào lối chơi chung. Nhưng rồi thời gian sẽ trả lời. Có binh hùng tướng mạnh, kết quả tốt sẽ tìm tới. Sau trận thắng trước Barcelona được đánh giá là thuyết phục nhất trong nhiều năm qua, với Rodriguez, Kroos, Benzema và Isco đều chơi tuyệt hay, có lẽ không ai còn chê trách ông Florentino Perez được nữa.
Ông chủ của CLB Chelsea, Abramovich lại nổi tiếng là người có quyết định thay HLV dứt khoát, không lụy tình. Sau một mùa giải đầu tiên dưới thời ông chủ mới, HLV Ranieri đưa Chelsea đến vị trí á quân Premier League và bán kết Champions League, nhưng vậy là chưa đủ. Ranieri bị sa thải, ngôi sao mới trong làng HLV là Mourinho được mời thay thế. Là một công thần sau ba mùa giải, giúp Chelsea giành cú đúp vô địch Premier League và luôn tiến sâu vào Champions League, nhưng chỉ sau một mùa giải không danh hiệu, Mourinho phải ra đi. Quyết định phũ phàng nhất của Abramovich có lẽ là việc sa thải HLV Di Matteo chỉ chưa đầy nửa năm sau khi HLV này giúp Chelsea đoạt chiếc cúp Champions League đầu tiên trong lịch sử CLB. Tuy nhiên, những quyết định của Abramovich không hề cảm tính, nếu không muốn nói là luôn chính xác. Một HLV không hẳn ra đi vì kém tài, mà vì không còn thích hợp trong thời điểm cụ thể đó. Không có ác cảm cá nhân gì ở đây. Bằng chứng là Mourinho vẫn được mời về dẫn dắt Chelsea trong nhiệm kỳ hai, và dù trắng tay trong mùa giải năm ngoái, ông vẫn được tin tưởng trong mùa này. Và Chelsea của Mourinho mùa giải thứ hai đang cho thấy niềm tin của Abramovich được đặt đúng chỗ. CLB này dẫn đầu Premier League một cách thuyết phục, vừa có trận hòa trên thế thắng trước M.U ngay trên sân khách.
Là những vị chủ tịch – doanh nhân, họ thừa biết khi nào cần đưa ra những quyết định khó khăn. Quan trọng nhất là chọn một HLV giỏi, phù hợp và cung cấp cho họ những cầu thủ giỏi. Sau đó, hãy chờ đợi thành công. Nếu cần thêm một dẫn chứng về việc các ông chủ chỉ can thiệp vào đội bóng khi cần thiết, hãy nhìn vào CLB Atletico Madrid (Tây Ban Nha). Ông Enrique Cerezo nắm chức chủ tịch Atletico Madrid từ năm 2002 và nổi tiếng với việc thay HLV như thay áo. Nhưng đó là khi các HLV không đáp ứng được yêu cầu của CLB. Còn với HLV đương nhiệm Diego Simone, người giúp CLB đoạt chức vô địch La Liga mùa giải vừa qua và đang hoàn toàn làm chủ tình thế của CLB, từ khi ông nắm quyền vào cuối năm 2011, hai chữ “sa thải” không được nhắc đến nữa. Ai bảo các ông chủ không nên can thiệp vào đội bóng?
- Địch Vân