Bạn hớn hở vượt hơn ngàn cây số vào, lướt Face, giơ ra loạt ảnh: “Biết chỗ này chứ? Làm thổ địa cho tớ với!”. Điện thoại trên tay bạn, màn hình tuyền màu vàng mướt mắt, tưởng đang ngắm miên man hoa cải nơi núi cao mù sương vùng Tây Bắc. Không tin nổi là hoa mọc ngay giữa xứ cằn khô quê mình đấy: Hoa thì là!
Tên hoa lạ. Vàng dịu vàng ngọt đổ đầy các nền ảnh cũng lạ. Tò mò lẫn nể bạn, mình theo bạn đi tìm màu hoa.
Tết còn phảng phất đâu tháng trước, trời đã nắng bể đầu. Càng xa trung tâm phố, nắng càng đổ dày khắp mặt đường. Cảm giác xe chạy đến đâu nắng vỡ giòn dưới bánh xe đến đấy, ngùn ngụt bốc khói. Hết phố xá bêtông, gắt gỏng chưa dịu được mấy, hai bên đường màu đất chết đã bày ra, đập thẳng vào mắt.
Như những mặt người bị rút đến giọt sinh khí cuối cùng, mặt đất bạc đi, tái nhợt. Lớp da đất chỗ mốc meo, nứt toác, chỗ vón cục, nổi u sần. Ra khỏi cái lồng thành phố êm đềm mới hay nắng hạn đã vây ráp, đánh đất nghèo tan tác.
Trải theo đường, những cánh đồng khô kiệt nước, không dấu cây mọc. Những đồng cỏ cũng không còn thấy cỏ, chỉ loe hoe vài túm thân gốc cháy khô. Như có trận lửa trời liếm ngang, quét sạch bách màu xanh, biến đất thành đống vụn tro xám trắng. Đến các anh lính chiến đấu quen với lửa trời như bồn bồn, xương rồng cũng chịu không thấu, phơi mấy khúc mình bị táp cháy sém, khô rộc.
Bạn không quen cảnh hạn, ngồi sau xe, hết đập vai chỉ sang tặc lưỡi sững sờ. Đang mơ về thiên đường hoa vàng, gặp phũ phàng thế tục kiểu này, hỏi sao không sốc.
Ngang bầy cừu thả ăn bên đường, bạn đòi ngừng lại, máy ảnh giơ lên, bấm tanh tách.
“Tội thế!” – bạn xuýt xoa.
Mẫu của bạn là con cừu già đang cắm cúi mót một chân cỏ. Mẩu cỏ dần như sợi khói cụt ngủn, con vật tội nghiệp vẫn cố rứt. Không biết khói có vào được miệng đói chưa, chỉ thấy cặp mắt dài buồn so, hai cánh mũi to phập phồng thở ra hơi nắng càng buồn.
Bạn bấm máy ảnh nhanh hơn. Không cần nhìn, cũng biết ống kính đang chộp thêm những cái bụng đói teo tóp, thân mình ốm nhách, những bộ lông cừu dơ hầy xác xơ vì nắng nóng. Tự nhiên thấy như đứa con nhà nghèo nhìn người đứng trước nhà mình, cám cảnh: “Tội lắm! Thương lắm!”. Vui vẻ gì đem cái khổ mình trưng ra cho người ta ái ngại. Bỗng chỉ mong bạn cất giùm ống kính.
Hối bạn lên xe đi, dù nôn nao gặp màu thì là vàng đã tan đâu mất.
Vài ba chuồng nuôi hiện ra, như đám lều vịt teo héo nổi giữa biển nắng. Chuồng nào chuồng nấy trống không. Dưới chân chuồng gỗ sát đường nhất, cuối cùng cũng thấy người. Là hai mẹ con. Đứa nhỏ da đen tay cầm bịch sữa tươi, ngó người mẹ đang ráng nạy miệng con cừu nhỏ trắng bóc cho bú.
Xe lướt nhanh. Nhưng hai ánh mắt trong veo vẫn đuổi kịp, ám ảnh. Mắt con cừu non, sinh linh trót chào đời vào mùa khổ, như ngơ ngác hỏi mẹ đâu, bầu sữa thơm tho của nó đâu. Trong lúc mắt đứa nhỏ da đen nhìn dòng sữa tươi bị cừu con nhè hết ra, nhìn bịch sữa (chắc là gần cạn) thèm thuồng. Nắng như xuyên thủng kính râm, xóc cay sè vào mắt. Sau xe, bạn im re. Không nghe kêu dừng lại chụp hình.
Màu hoa thì là vàng đẹp hơn mong đợi. Hương thì là thơm ngai ngái thơm, quấn miết chân người. Nhưng giữa bát ngát hoa vàng, mình nhìn đâu cũng thấy mắt. Mắt con cừu đói mót cỏ. Mắt đứa nhỏ. Mắt con cừu non thiếu sữa không biết sống được mấy ngày. Đến hoa thì là cũng như trổ ra trăm ngàn cặp mắt. Đăm đăm ngó mình. Lặng buồn.
Kế bên vườn thì là, gặp thêm một mương đào. Hóa ra để có thiên đường hoa vàng níu chân khách xa, cả người cả đất xứ hạn đã phải gồng mình, chắt nước. Mùa hạn chỉ mới bắt đầu. Không dám nghĩ đến ngày lòng mương tưới thiên đường cũng cạn khô. Ngày lửa trời lồng lên, táp thẳng vào lồng kính thành phố.
Bỗng tự cười mình đang nhìn bằng cặp mắt văn chương quen bi quan. Nếu có mẹ mình ở đây, chắc bà sẽ cười xếp li gương mặt sạm đen vì quanh năm dang nắng lùa cừu: “Hạn thì hạn chớ. Ráng qua hạn đi, cỏ mọc!”. Chân lý đơn giản. Lẽ sống của xương rồng, sao trong phút chạnh lòng mình quên mất.
Vội nhắc bạn sao không chụp hình. Lúc ống kính bạn chĩa trúng, mình còn cười rất thật. Mình muốn cười thay cho thì là, cho bầy cừu, cho cả dải đất nứt nẻ, bạc trắng nắng. Như mẹ mình, và bao nhiêu người đất hạn nữa, vẫn luôn cười.
Cho mùa hạn mau qua…