Tôi muốn nói đến Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, viết tắt theo tiếng Anh là ICISE.
Đó là một kiến trúc sang trọng, đẹp đẽ và độc đáo, tại một thung lũng nên thơ trong một không gian rộng tới 20ha, tọa lạc tại phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định.
Đây là tác phẩm của hai kiến trúc sư người Pháp là Jean Francois Milou và Thomas Rouyrre (thuộc Văn phòng Kiến trúc Milou).
Văn phòng kiến trúc Milou đã có thành tựu xuất sắc là đơn vị thiết kế Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore, một công trình đã đạt được nhiều giải thưởng kiến trúc thế giới.
Rất đặc biệt là ý tưởng xây dựng ICISE và là người lo liệu kinh phí cho công trình kiến trúc quan trọng này là hai người Pháp gốc Việt, đó là Giáo sư Vật lý Jean Trần Thanh Vân và vợ là Giáo sư sinh học Lê Kim Ngọc.
Tôi đã có nhiều dịp diện kiến vợ chồng Giáo sư Thanh Vân, hai con người thật giản dị, thực lòng yêu quý đất nước và con người Việt Nam.
GS Thanh Vân sinh năm 1936 tại Đồng Hới, học trung học tại Huế, có bằng Tiến sĩ Vật lý tại Pháp năm 1963 với công trình về một cấu trúc trong proton mà về sau được gọi là hạt Quark. Ông là một trong ba người gốc châu Á đã được nhận Huy chương Tate của Hội Vật lý Mỹ năm 2012.
- Xem thêm: Chúng tôi chỉ là “phu lát đường”
Giáo sư Kim Ngọc là người khám phá ra Lớp mỏng tế bào (thin cell layer), một bước ngoặt trong lĩnh vực Công nghệ sinh học thực vật, bà đã được chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh.
Hai ông bà thường xuyên về thăm đất nước và từ nhiều năm nay đã quyên góp tiền bạc và tạo liên hệ với nhiều nhà bác học trên thế giới để giúp đỡ Việt Nam.
Tòa nhà ICISE có hai hội trường 300 và 100 chỗ ngồi đạt đẳng cấp quốc tế. Khu nhà này chỉ có một tầng nên hài hòa với thiên nhiên là một thung lũng cạnh những dãy núi cao ven biển, những đập nhỏ vượt sông và những thảm cỏ xanh.
Tòa nhà màu xám với kiến trúc thông thoáng và rất đẹp. Nhiều phòng nhỏ quanh hai hội trường với bàn ghế để ngồi nghỉ và những panô đầy hình ảnh các nhà khoa học danh tiếng từng tham dự tại đây và những giải thích về các phát minh khoa học. Một hàng hiên chạy dài với những cột cao, những tường bằng đá cao nhìn ra những hàng dừa xanh.
Không chỉ có nguồn kinh phí rất lớn để xây dựng khu Trung tâm Hội thảo khoa học to lớn này mà tôi còn thật sự ngạc nhiên khi các bạn trẻ làm việc thường xuyên ở đây cho biết tiền lương hằng tháng cũng là từ thầy Vân (!).
Tất nhiên, để hoàn thành khu vực rộng lớn và đẹp đẽ này đã có sự quan tâm đầu tư không nhỏ về đất đai và công sức của chính quyền thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định.
Tại đây, đã có khá nhiều lần các nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều giáo sư đã đoạt giải Nobel, gặp gỡ các nhà khoa học Việt Nam cả già lẫn trẻ, và trao đổi về những vấn đề thời sự về khoa học, nhất là về Vật lý học.
Các bạn cho biết hầu như tuần nào cũng có các hội thảo khoa học trong nước và mùa hè thì dành cho các cuộc họp lớn mang tên Gặp gỡ Việt Nam.
Các nhà khoa học từng đoạt giải Nobel không chỉ mang đến đây những bài giảng và những lời khuyên quý giá mà còn để lại những kỷ niệm lâu dài về các cây mang tên từng vị trong khu vườn mang tên Vườn Nobel ngay trước tòa nhà chính.
Cách tòa nhà chính không xa là Trung tâm Trải nghiệm khoa học dành cho đông đảo học sinh, sinh viên và những người yêu thích khoa học.
Tôi được biết tòa nhà này cũng là ý tưởng của GS Trần Thanh Vân nhưng được đầu tư từ Bộ Khoa học và Công nghệ.
GS Thanh Vân đã chọn một học trò ưu tú của ông từ Pháp về phụ trách trung tâm này. Trung tâm đang trong giai đoạn khẩn trương hoàn thành.
Các bạn yêu khoa học có thể quan sát bầu trời qua kính thiên văn, trải nghiệm về Sao Hỏa qua một phòng có cả tàu vũ trụ từng đi trên bề mặt Sao Hỏa và nhiều thí nghiệm chứng minh các hiện tượng vật lý trên Sao Hỏa.
- Xem thêm: Đi thăm Trung tâm SCG Experience
Tại trung tâm này có rất nhiều trò chơi khoa học vừa thú vị vừa được giải thích cơ sở khoa học của từng trò chơi này. Chẳng hạn hòn bi lăn trên đường cong lại nhanh hơn đường thẳng.
Tại sao thấy được hình ảnh hai người ngồi đối diện qua một tấm gương. Tại sao tay mỗi người, mỗi tấm kim loại có năng lượng khác nhau.
Tại sao lắp được các khúc gỗ thành một khối lập phương và thật nhiều trò chơi khoa học khác mà có thể chơi cả ngày không chán.