Vợ chồng giáo sư (GS) Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc là những điển hình nhà khoa học làm rạng danh Việt Nam trên thế giới. Năm 2011, GS Trần Thanh Vân từng được Viện Vật lý Mỹ trao tặng Huy chương Tate dành cho “người lãnh đạo quốc tế trong ngành vật lý và là người có công lao to lớn suốt bốn thập niên tập hợp các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch và nhiều nền văn hóa ngồi lại bên nhau trong tinh thần cởi mở qua các Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, Gặp gỡ Việt Nam. Ông cũng là người đã hoạt động không mệt mỏi nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại ở Việt Nam”. Còn GS Lê Kim Ngọc được biết đến là Chủ tịch Hội giúp đỡ trẻ em Việt Nam (AEVN) tại Pháp. Bà là người đầu tiên trên thế giới đưa ra “lớp mỏng tế bào”, một khái niệm mang tính cách mạng trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật. Cả hai nhà khoa học đều được trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của nước Pháp và Huân chương Hữu nghị của nước Việt Nam.
Ở tuổi ngoài 80, tuy việc đi lại có phần chậm chạp nhưng ông bà vẫn dành thời gian từ Pháp về Việt Nam nhiều lần trong năm để tổ chức các hội nghị khoa học, đến thăm các làng trẻ em SOS, trao học bổng cho học sinh, sinh viên giỏi trên khắp cả nước. Ông bà còn thành lập Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy nhơn với mong ước phát triển khoa học nước nhà. Vừa mở cho chúng tôi xem hình ảnh ICISE trong tập “Dấu ấn mười năm dừng chân tại Bình Định của GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc”, ông bà vừa nói:
Năm ngoái, ICISE đã được bình chọn là một trong 16 công trình kiến trúc giáo dục đẹp nhất thế giới. Người thiết kế công trình này là ông Jean Francois Milou, một kiến trúc sư Pháp nổi tiếng thế giới. Khi biết ICISE hoàn toàn phục vụ cho khoa học, ông Milou đã thiết kế công trình này miễn phí, mặc dù chưa từng đến Việt Nam trước đó và chỉ mới gặp chúng tôi lần đầu. Vào tháng 10-2009, ông ấy đã cùng các cộng sự trực tiếp đến Bình Định để khảo sát khu đất, mảng xanh, để thiết kế của mình không làm hư hại một cây xanh nào.
____
Chọn xây dựng ICISE tại một thành phố biển yên bình, chứ không phải trong một thành phố công nghiệp sầm uất, chắc hẳn ông bà cũng muốn gửi một thông điệp nào đó?
GS Trần Thanh Vân: Chúng tôi muốn xây dựng ICISE ở một nơi an tĩnh, an hòa để người làm khoa học tập trung suy nghĩ và sáng tạo. Quy Nhơn là một nơi lý tưởng không chỉ có bờ biển còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên mà các nhà lãnh đạo cũng rất hiểu giá trị của khoa học. Chúng tôi thật sự ấn tượng vì sự giúp đỡ của toàn thể các lãnh đạo qua nhiều nhiệm kỳ cũng như tấm lòng của những con người bình dị nơi đây.
ICISE không chỉ là một trung tâm nghiên cứu khoa học, mà còn có khách sạn tiện nghi, được đầu tư bởi một doanh nhân “vì khoa học”. ICISE còn có những ngôi nhà nho nhỏ mang tính thiền… để các nhà khoa học trong và ngoài nước có thể trao đổi các kết quả và ý tưởng với nhau theo tinh thần cởi mở, khoan dung và thân tình. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất ý tưởng xây dựng dự án tổ hợp không gian khoa học cho tỉnh Bình Định. Đây sẽ là không gian khám phá khoa học cho trẻ em và công chúng, đưa khoa học đến đại chúng và khơi gợi niềm đam mê khoa học, sáng tạo ở tuổi trẻ. Tổ hợp khoa học sẽ phát triển thành khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa, bên cạnh trung tâm ICISE. Đây sẽ là một nơi lý tưởng để khích lệ óc sáng tạo, cổ vũ những khám phá, phát minh của lớp trẻ ở các nước đang phát triển, sẽ góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng trí tuệ thúc đẩy tính năng động trong việc giao hòa tri thức giữa các nhà khoa học Việt Nam, khu vực và thế giới. Tương lai đó sẽ bắt đầu từ những buổi bàn tròn khoa học mang tên Gặp gỡ Việt Nam, từ kinh nghiệm tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các nhà khoa học trên thế giới trong 50 năm qua.
____
Vì sao là các buổi “gặp gỡ” chứ không phải hội thảo, hội nghị về khoa học thưa ông bà?
GS Lê Kim Ngọc: Gặp gỡ (rencontres) là ý tưởng rất mới lạ chúng tôi thực hiện cách đây nửa thế kỷ, vì thời điểm đó có sự cách biệt rất lớn giữa người làm khoa học lâu năm với những anh tiến sĩ trẻ. Tại các buổi Gặp gỡ Moriond (một ngôi làng nằm ở vùng núi tuyết Alps phía đông nước Pháp), chúng tôi và các bạn đồng nghiệp cố gắng tạo ra một bầu không khí trong đó không có sự phân biệt giữa các nhà vật lý tên tuổi, từng đạt giải Nobel với các tiến sĩ trẻ. Thời điểm ban đầu không có đủ tiền thuê khách sạn, chúng tôi còn thuê nhà trọ, tự đi chợ nấu ăn rất vui. Mọi người ngồi trao đổi về khoa học quanh bàn tròn một cách thân tình, cởi mở rồi cùng nhau trượt tuyết hay đàn hát như những người bạn lâu năm. Sau đó, tiếng tăm của những buổi Gặp gỡ Moriond bắt đầu vang xa, thu hút hàng trăm nhà khoa học từ 20 đến 30 quốc gia mỗi năm.
GS Trần Thanh Vân: Trên cơ sở kinh nghiệm của Gặp gỡ Moriond về vật lý năng lượng cao, chúng tôi đã tổ chức Gặp gỡ Blois từ năm 1989 tại thành phố Blois (miền Trung nước Pháp), không chỉ thu hút các nhà vật lý hạt mà còn có các nhà vật lý – thiên văn, toán học, hóa học, sinh học…
____
Nhưng việc mời các nhà khoa học lớn đến các buổi gặp gỡ ở Pháp dường như dễ dàng hơn mời đến Việt Nam, phải không ạ?
GS Trần Thanh Vân: Họ nhận lời đến Việt Nam vì mối quan hệ thân thiết và lâu năm, có được là nhờ vun đắp lâu ngày bằng sự chân thành. Có mười tám nhà vật lý khi tham dự Gặp gỡ Moriond chỉ là người vô danh, sau mới đoạt giải Nobel. Về sau, họ trở thành những người bạn thân thiết và sẵn sàng giúp đỡ các buổi Gặp gỡ Việt Nam.
Một mối quan hệ thân thiết, sẵn sàng giúp đỡ nhau phải xây dựng trong thời gian dài. Làm khoa học cũng vậy, không thể có kết quả ngày một, ngày hai. Nhiều người còn có tư tưởng muốn làm những việc có lợi nhuận ngay, trong số đó có những người muốn tập trung vào các ngành khoa học ứng dụng, trong khi khoa học cơ bản cũng quan trọng không kém. Chúng tôi đã quen với việc làm từng bước nhỏ, thậm chí không biết trước kết quả, đôi khi kết quả lại đến bất ngờ, khác xa những gì chúng tôi trông đợi. Vì vậy, chúng tôi luôn làm khoa học thật cần mẫn, khiêm tốn với một niềm tin lớn.
“Con người đến lúc nhắm mắt thì nào có thể mang theo tiền bạc, chỉ có tình yêu thương và lòng nhân ái thì còn mãi và được mọi người nhớ đến.”
____
Niềm tin đó là gì, thưa ông?
GS Trần Thanh Vân: Là khoa học sẽ giúp phát triển đất nước. Việt Nam là một trong những nước mới nổi trên vành đai châu Á – Thái Bình Dương, cùng với Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… Rõ ràng, nơi đây là nguồn dự trữ nhân lực khoa học phong phú. Để giúp phát huy tiềm năng khoa học và công nghệ ở Việt Nam cũng như khu vực, quan trọng nhất là thúc đẩy trao đổi tri thức và công nghệ, cũng như chia sẻ kinh nghiệm giáo dục – đào tạo với các nước phát triển, chúng tôi quyết định xây dựng ICISE cũng vì mục tiêu đó. Với một người bạn rất thân, GS Nguyễn Văn Hiệu – viện trưởng Viện vật lý Việt Nam – chúng tôi đã thành lập Trường Vật lý Việt Nam. Đây là ngôi trường đặc biệt, không đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ mà chỉ nhằm giới thiệu những kiến thức cơ bản đã được chứng minh bằng những kết quả nghiên cứu mới nhất trong một vài lĩnh vực khoa học chuyên ngành nào đó, giúp các nhà nghiên cứu trẻ bồi đắp thêm nền tảng hiểu biết vững chắc. Vì vậy, các nhà khoa học trẻ có cơ hội làm quen với những giáo sư tiếng tăm. Một số lớn trong các sinh viên này đã được các thầy chọn trao học bổng để có thể tiếp tục học tiến sĩ ở các nước phát triển như Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Nhật…
____
Ông vừa đề cập đến việc phải chú trọng các ngành khoa học cơ bản, chứ không chỉ tập trung khoa học ứng dụng. Đây là một vấn đề còn nhiều tranh cãi ở Việt Nam…
Không ít người nghĩ rằng việc tập trung nghiên cứu khoa học ứng dụng mang lại lợi ích tức thời, chuyên biệt, làm giàu thêm cho của cải xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống con người; còn những nghiên cứu về vật lý, toán và nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản khác là vô dụng, không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nâng cao phúc lợi xã hội. Nhưng thử hỏi không có những nghiên cứu đó thì về sau chúng ta đâu có điện, tia X, liệu pháp gene, xe hơi, máy bay, scanner, GPS…?
- Xem thêm: Làm khoa học thì đừng tự ái
Năm 2016, Trung tâm ICISE đã tổ chức buổi hội thảo quốc tế về chủ đề “Khoa học cơ bản và xã hội” để nhấn mạnh và chứng minh vấn đề nói trên. Tất cả mọi ứng dụng trong chuyên ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ đều bắt nguồn từ khoa học cơ bản. Phải mất vài chục năm mới có thể trở thành một cường quốc về khoa học. Nhưng những người hoạch định chính sách phải có tầm nhìn vài ba thập niên hoặc xuyên suốt thế kỷ. Mà nền tảng văn hóa của người nhìn xa trông rộng ấy thì không thể thiếu các mảng về khoa học cơ bản. Vì vậy, tôi mong Chính phủ tiếp tục và quan tâm khuyến khích hơn các nghiên cứu về khoa học cơ bản.
____
Hoạt động khuyến khích khoa học cơ bản của ông bà tại Việt Nam có gặp nhiều khó khăn không?
GS Lê Kim Ngọc: Khi chúng tôi đưa các giáo sư về Việt Nam, thì có nhiều ánh mắt hoài nghi cho rằng hoạt động của chúng tôi chỉ mang tính hình thức. Nhưng điều này không làm chúng tôi nản lòng, vì xung quanh tôi còn rất nhiều người tâm huyết với khoa học. Chúng tôi vẫn luôn tin rằng hoạt động của chúng tôi sẽ ngày càng nhận được nhiều sự chung tay từ cộng đồng xã hội.
GS Trần Thanh Vân: Trong đó, sự chung tay của cộng đồng doanh nhân là rất quan trọng. Vì họ là đối tượng có tài năng tạo nhiều của cải trong xã hội. Đóng góp của họ sẽ giúp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Vì nghiên cứu khoa học là nền tảng của sự phát triển xã hội, cũng là điều kiện tạo ra những thành công lớn hơn cho giới doanh nhân. Hơn nữa, con người đến lúc nhắm mắt thì nào có thể mang theo tiền bạc, chỉ có tình yêu thương và lòng nhân ái thì còn mãi và được mọi người nhớ đến.
“Nghiên cứu khoa học là nền tảng của sự phát triển xã hội, cũng là điều kiện tạo ra những thành công lớn hơn cho giới doanh nhân.”
____
Chắc chắn sẽ có nhiều người yêu mến và nhớ đến ông Vallet, người đã cùng ông bà về Việt Nam để phát học bổng hằng năm…
GS Lê Kim Ngọc: Ông Odon Vallet là người thích nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, sống giản dị giữa thành phố Paris. Thân phụ của ông Vallet là cụ Jean Vallet, xuất phát từ một gia đình rất nghèo, về sau kinh doanh thành công trong ngành bảo hiểm. Lúc qua đời, cụ để lại 100 triệu euro cho ông Odon Vallet với lời trăn trối: “Con hãy yêu thương người nghèo. Hãy giúp họ với trái tim nhân hậu, họ sẽ phát triển”. Chương trình học bổng của hội Gặp gỡ Việt Nam đã có từ năm 1994. Đến năm 2001, ông Vallet mới tham gia, chúng tôi lấy tên ông đặt cho học bổng, như một lời cảm ơn ông đã hỗ trợ cho tương lai của các bạn trẻ trong nước. Chúng tôi gặp ông Vallet là một cái duyên, như nhiều người bạn khác cùng đồng hành với chúng tôi trong hoạt động khoa học và thiện nguyện. Ông Helmut Kutin, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các làng trẻ em SOS cũng là một trường hợp như thế.
Ông ấy vốn là trẻ mồ côi trong Chiến tranh thế giới thứ II, được nuôi ở Làng trẻ em SOS đầu tiên trên thế giới ở Áo. Từ đó, ông gắn bó đời mình với trẻ mồ côi và gọi tất cả những trẻ em bất hạnh trên thế giới là con của mình. Ông thường xuyên sang Việt Nam, kiểm tra hoạt động của 17 ngôi làng trên khắp cả nước, để chắc chắn các em nhỏ bất hạnh đang được nuôi dưỡng bằng tình thương và sự thành tâm.
____
Ông bà xây dựng các làng trẻ SOS ở Việt Nam từ lúc nào?
GS Lê Kim Ngọc: Làng trẻ em SOS đầu tiên chúng tôi xây dựng là ở Đà Lạt, từ số tiền bán thiệp Giáng sinh trong những ngày mùa đông lạnh âm 17-18 độ C từ năm 1972. Suốt ba năm liên tiếp, chúng tôi bán thiệp in hình ảnh quê hương để kiếm được tiền giúp trẻ mồ côi, vừa quảng bá văn hóa Việt Nam ở phương Tây. Đồng cảm với việc làm của chúng tôi, nhiều người cùng tâm nguyện đã đồng loạt xuống đường, bán hàng triệu gói thiệp Giáng sinh trước cửa nhiều ngôi nhà thờ khác trên khắp nước Pháp và một vài nơi ở Mỹ. Phong trào bán thiệp Giáng sinh giúp đỡ trẻ mồ côi ở Việt Nam ở Pháp lan sang cả Mỹ, chúng tôi đã gom góp từng đồng tiền lẻ như thế đấy, để có đủ 1 triệu USD xây cất nên làng trẻ em SOS Đà Lạt.
Sau đó, chúng tôi xây dựng thêm hai làng trẻ em SOS Huế và Đồng Hới. Mục tiêu là nuôi dạy các em nhỏ mồ côi dưới mái ấm gia đình, bù đắp những thiếu thốn về tình yêu thương, giúp các em… tìm lại tình thương và gieo tình thương đến với những người khác nữa. Với tôi, tiền bạc danh vọng có thể tiêu tan trong phút chốc, nhưng tình thương và lòng trắc ẩn thì vẫn sẽ còn mãi.
“Những người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới chắc chắn sẽ trở về đông đảo hơn, nhưng còn tùy thuộc vào sự đón nhận và hợp tác chặt chẽ, bền vững từ Việt Nam.”
____
Riêng GS Lê Kim Ngọc, người ta sẽ nhớ đến bà vừa là một người phụ nữ giàu tình yêu thương, vừa là một người phụ nữ Việt Nam làm khoa học thành công trong điều kiện còn nhiều khó khăn?
GS Lê Kim Ngọc: Đúng là phụ nữ làm khoa học thường gặp khó khăn hơn đàn ông, vì phải phân chia thời gian cho việc gia đình, con cái. Việc phân biệt giới xảy ra ở mọi ngành nghề, mọi xã hội, phương Tây cũng như phương Đông. Nhưng mọi khó khăn đều có cách khắc phục, thường là bằng những giá trị chân thành.
GS Trần Thanh Vân: ICISE đã chứng minh là giá trị chân thành sẽ dẫn đến thành công vào một ngày nào đó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất cần sự hợp tác về chất xám lẫn tài chính để những ước mơ lớn cho đất nước trở thành hiện thực. Riêng chúng tôi thì vẫn luôn luôn xem mình như người phu lát đường, một con đường dài thăm thẳm, nhưng sẽ dẫn đến một chân trời bao la… Chúng ta đều thấy rằng các bạn trong và ngoài nước của hội Gặp gỡ Moriond và Gặp gỡ Blois đã đồng hành cùng Gặp gỡ Việt Nam để đóng góp xây dựng nền tảng khoa học tại Quy Nhơn, Bình Định. Như một đàn chim bay từ các chân trời xa, đã và đang tụ họp trên dải đất này của Việt Nam, nơi đất võ, trời văn Bình Định, để cùng thế hệ trẻ Việt Nam “nhập bầy”, cùng nhau bay cao hơn, bay xa hơn, hướng về bầu trời nhân văn và khoa học. Bầy chim đó chắc chắn sẽ trở về đông đảo hơn, tất nhiên còn tùy thuộc vào sự đón nhận và hợp tác chặt chẽ, bền vững từ Việt Nam nữa.
____
Cảm ơn ông bà về những chia sẻ trên.