Dẫu cách xa thế giới con người chí ít là 1400 km, biệt lập trong vùng phía Nam xa xôi, băng giá của Đại Tây Dương, Nam Georgia vẫn từng bị xâm chiếm và biến thành khu vực sản xuất dầu cá voi tàn bạo trong suốt 61 năm. Từ năm 1904-1965, 175.250 con cá voi đã bị lôi vào bờ đảo, lột da lấy mỡ đun nóng chảy thành dầu trong những cái nồi chứa được cả 24 tấn thịt.
54 năm đã qua kể từ ngày ngành công nghiệp chế biến dầu cá voi tại Nam Georgia chấm dứt, trên khắp hòn đảo vẫn đầy rẫy những vết tích tàn nhẫn của một thời. Dưới mặt biển, quần thể cá voi không có cách nào phục hồi số lượng cũ. Con người cần thiên nhiên chứ thiên nhiên không cần con người. Một khi đã phạm tội, cái chúng ta phải nhận lại là sự trừng phạt.
Hòn đảo nơi tận cùng trái đất
Nam Georgia là hòn đảo cằn cỗi, đóng băng ở phía Nam của Đại Tây Dương, vốn được xem là một trong những nơi xa xôi nhất trên trái đất. Với chiều dài 167,4km và chiều rộng dao động từ 1,4-37km, nó giống như một dải đất hẹp nổi lên giữa biển cả.
Người ta cho rằng hòn đảo này được phát hiện vào năm 1675 nhờ Anthony de la Roché, một thương gia từ London (Anh). Do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị tuyết phủ kín trong suốt 7 tháng mùa đông (kéo dài từ tháng 4-11 hàng năm), nó rất nghèo hệ động thực vật, chỉ có hải cẩu, chim cánh cụt ưa băng giá lựa chọn làm nhà.
Trên khắp Nam Georgia là sông băng, núi cao, vịnh hẹp. Từ hòn đảo tách biệt này đến nơi có sự sống của con người gần nhất là Quần đảo Falkland cũng xa tận 1.400km. Xét về mặt diện tích, Nam Georgia rơi vào tầm 3.755km2. Khoảng một nửa đất đai của nó bị phủ dưới lớp băng vĩnh cửu. Sau phát hiện của Roché, hòn đảo được đặt tên là đảo Roche.
Nghe nói vào năm 1756, một tàu thương mại của Tây Ban Nha cũng từng ngang qua vùng biển cực Nam này và nhìn thấy Nam Georgia. Năm 1775, nó chính thức được nhà thám hiểm James Cook của Anh đặt chân lên, đáo qua một vòng và tuyên bố chủ quyền thuộc về Anh.
Mặc dù bị cô lập và bao phủ trong thời tiết giá lạnh, Nam Georgia vẫn là vùng đất lý tưởng cho nhà hải cẩu sinh trưởng. Quanh bờ biển, hải tượng và hải cẩu lông nằm bò ngổn ngang. Trong chuyến thám hiểm Vòng Nam cực của Cook, chúng đã khiến ông vô cùng kinh ngạc và ấn tượng.
Ác nghiệt là khám phá thú vị của vị thuyền trưởng ưa phiêu lưu, chuyên vẽ bản đồ này lại khơi dậy lòng tham của cả Anh lẫn Mỹ. Chỉ trong vòng một thế kỷ, hải cẩu lông của Nam Georgia đã bị săn đuổi đến mức suýt tuyệt chủng, đến nỗi vào năm 1900, người ta đã không buồn ngó tới hòn đảo này nữa vì chẳng còn hải cẩu đâu mà bắt.
Bãi giết mổ cá voi suốt 61 năm
Những tưởng Nam Georgia đã được giải thoát bởi lòng tham không đáy và sự tàn nhẫn vô độ của con người, nào ngờ chỉ mới yên bình được 4 năm, nó lại lần nữa rơi vào thảm cảnh, trở thành địa điểm tàn sát kinh hoàng, đẫm máu theo đúng nghĩa đen. Sự việc bắt đầu vào năm 1902, khi Carl Anton Larsen, nhà thám hiểm vùng cực Nam của Na Uy tạm ghé vào, vô tình phát hiện một bến cảng tự nhiên tuyệt đẹp là Grytviken. Ông cho thuyền bỏ neo.
Nhìn xuống mặt nước xa xa, Larsen ngỡ ngàng trước cảnh tượng hàng trăm con cá voi đang vô tư đùa giỡn. Ngày ấy, ngành công nghiệp đánh bắt cá voi ở Bắc Bán cầu đã suy giảm mạnh, do quần thể cá voi bị bắt giết đến cạn kiệt. Lập tức, Larsen nhận ra cơ hội làm giàu bày sẵn bàn tiệc ngay trước mắt. Tháng 11.1904, ông quay lại Grytviken với đủ đồ nghề, thiết lập trạm săn cá voi đầu tiên. Đến năm 1912, toàn Nam Georgia đã có tổng cộng 6 trạm.
Trên tàu chạy bằng hơi nước đồ sộ được trang bị cả súng phóng lao, Larsen có thể thu hoạch cả 14 con cá voi trên một thuyền trong mỗi chuyến ra khơi. Sau khi quay về Grytviken, tất cả được đổ xuống trước trạm. Nắm con dao đặc chế dành riêng cho việc giết mổ cá voi dài và cong như một cái liềm, người ta rạch những đường sắc bén, nhanh chóng lột xong lớp da với tốc độ 20 phút/con.
Ban đầu, thợ săn cá voi chỉ bóc lấy lớp mỡ dưới da cá voi, quẳng vào nồi nấu khổng lồ 24 tấn, đun sôi thành dầu. Nhưng càng về sau, khi xác cá mỗi ngày một chất chồng, người ta buộc phải xử lý cả phần xương và thịt nữa. Tất cả chúng đều có thể được nghiền nát làm phân bón hoặc thức ăn gia súc.
Lợi nhuận hơn cả vẫn là dầu cá. Người ta phân dầu cá voi làm 3 loại. Loại chất lượng nhất được dành riêng cho công nghiệp thực phẩm, để chế biến bơ và kem. Loại thứ hai dùng trong sản xuất mỹ phẩm, xà phòng. Còn loại kém chất lượng hơn cả thì dùng cho ngành công nghiệp nặng, để sản xuất dầu bôi trơn. Dầu cá voi loại 3 cũng được dùng làm nguyên liệu chế biến thuốc nổ bên cạnh công dụng bôi trơn cho súng trường và các thiết bị quân sự khác nữa.
Chẳng bao lâu sau khi ngành công nghiệp chế biến dầu cá voi phát triển tại Nam Georgia, Thế chiến thứ nhất và thứ hai lần lượt nổ ra, gây bùng phát nhu cầu dầu cá voi công nghiệp nặng. Trong thời điểm cực thịnh, số lượng thợ săn cá voi ở Grytviken lên đến 450 người. Họ làm việc thay ca mỗi 12h, không nghỉ bất cứ ngày nào, bất chấp nhiệt độ có lúc xuống tận -10oC.
Larsen tuy tham giàu nhưng cũng khá tâm lý. Ông cố gắng chăm lo cả đời sống tinh thần của các thợ săn, cho xây dựng hẳn một nhà thờ theo kiến trúc tân Gothic ấn tượng trên hòn đảo. Ngoài ra, trên Nam Georgia cũng có một cửa hàng nhỏ. Nhưng những đàn ông cật lực săn bắt, giết mổ cá voi chỉ toàn mua thuốc lá và nước hoa là chính. Larsen cấm các thợ của mình uống rượu nên họ uống… nước hoa.
Sự tàn phá không gì bù đắp
Trong vòng 61 năm (1904-1965), 175.250 con cá voi các loại đã bị lôi về Nam Georgia mổ xẻ, gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng cho quần thể cá voi vùng Nam cực. Không còn cá voi để mà bắt, các trạm săn cá voi mới buộc phải dừng hoạt động. Nam Georgia cũng không phải là nơi thích hợp cho con người sống, thế nên tất cả bị bỏ hoang.
Nếu xét trên toàn vùng biển cực Nam thì trong thời đại hoàng kim của dầu cá voi (1904-1978), có đến gần 1,5 triệu con bị lôi lên khỏi mặt biển, giết mổ tại chỗ trên tàu hoặc đưa về các nhà máy chế biến dầu cá. Giống như tình hình ở Nam Georgia, hoạt động săn bắt cá voi trên khắp Nam Cực cũng chỉ ngừng lại vì đã quá khan hiếm những “nguyên liệu sống vĩ đại”. Trải qua 41 năm kể từ thời điểm kết thúc thời đại săn cá voi (năm 1978), quần thể cá voi bị lùng bắt đến cạn kiệt mới bắt đầu từ từ khôi phục.
Theo Ủy ban Cá voi Quốc tế (International Whaling Commission) thì lượng cá voi xanh ở bán cầu Nam đã giảm từ 200.000 xuống chỉ còn vài nghìn cá thể. Tương tự với cá voi vây và cá voi lưng gù. Hiện tại, ước tính có khoảng 60.000 con cá voi lưng gù ở Nam cực. Song nếu đem so với số lượng đông như quân Nguyên trước thời kỳ săn cá voi, con số đó vẫn chẳng là gì.
Năm 2012, Nam Georgia được chỉ định làm khu bảo tồn biển. Kết hợp với quần đảo Nam Sandwich gần kề, nó trở thành một phần của một trong những khu bảo tồn biển lớn nhất hành tinh, Khu Bảo tồn Đại dương Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich (South Georgia and South Sandwich Islands Marine Protected Area). Hơn 1 triệu km2 mặt biển được đưa vào diện bảo vệ.
30 triệu đôi chim biển nô nức kéo nhau về. 400.000 chú chim cánh cụt vua bệ vệ bước đi trên bãi đá. Hải cẩu lông, hải tượng nhiều đến nỗi chiếm 98% hải cẩu lông và 50% hải tượng Nam cực. Chỉ riêng số lượng cá voi là vẫn thấp đến đau lòng. Thêm vào đó, một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản, còn kiên quyết không từ bỏ ngành đánh bắt cá voi truyền thống, khiến quần thể cá voi đã khó phục hồi lại càng khó phục hồi hơn.
Chứng tích của tội ác
Hiện tại, trên Nam Georgia chỉ có khoảng 15-30 người, hầu hết đều là các nhà khoa học và quan chức chính phủ có nhiệm vụ phải thực hiện ở nơi này. Du khách đến thăm quan Nam Georgia sẽ thấy vẫn còn đó những công trình đổ nát của trạm săn cá voi. Trên sườn vịnh Grytviken, những kiến trúc từng là nhà kho đổ nát. Phần lớn các mái nhà đều bị gió tốc bay xuống biển, còn tường thì sụp vỡ. Gió lùa qua khe trống, phát ra tiếng kêu ghê rợn.
Trên bờ biển, nơi những con hải cẩu lông nằm lăn lóc vẫn ngổn ngang những cái nồi to, khung dựng kho hàng và ván mổ. Xa hơn nữa, trong những khu công nghiệp chế biến dầu cá, các ống khói khổng lồ vẫn hướng lên nền trời. Từ nhà xưởng cho đến nhà máy điện, đường ống, nồi đun mỡ siêu lớn đều bong tróc, han gỉ. Xung quanh, xương cá voi la liệt như trải thảm. Dưới nước, những con tàu đắm đồ sộ bị thủy triều đánh dạt vào bờ, ngả nghiêng trong những tư thế kỳ dị. Toàn cảnh trông y như một thảm họa tự nhiên.
Ngày nay, Nam Georgia phần nào khôi phục thiên đường đã mất. Nó cũng là nơi tiên phong thành công tiêu diệt toàn bộ các loài gặm nhấm (do con người mang đến trong thế kỷ trước) để bảo vệ chim chóc cũng như các loài bản địa khác. Nhờ nỗ lực mà hai loài lông vũ đặc hữu của hòn đảo là chim manh và vịt mốc Nam Georgia thoát khỏi vực tuyệt chủng, phát triển mạnh mẽ. Chỉ là vẫn còn đó những xác tàu, tàn tích khu công nghiệp chế biến dầu cá tan hoang. Chúng như hét lên tội ác tày trời mà nhân loại đã từng gây ra. Thiên nhiên hào phóng nhưng thiên nhiên cũng thù địch. Biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu đang mỗi lúc một đẩy con người vào khó khăn. Nam Georgia hệt như một lời nhắc nhở, chỉ có con người là cần hoang dã, chứ hoang dã không màng tới số phận của con người.