Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, đây là những nội dung quan trọng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội trước Quốc hội, sáng 29-7. Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Thách thức đầu tiên là nợ công cao và áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP, nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%), nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn.
Thủ tướng cũng cho biết, nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu ngân sách nhà nước (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011-2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006-2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.
Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận là xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32,4 nghìn tỉ đồng trong tổng số 241 nghìn tỉ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%). Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro. Thời gian tới, Thủ tướng cho biết sẽ điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác. Kiểm soát lạm phát, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng và tăng dự trữ ngoại hối.
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xây dựng đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Hiện nay bội chi ngân sách liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Tỷ trọng chi thường xuyên tăng từ 55% lên 65%, chủ yếu do tăng chi cho con người và tiền lương.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong sáu tháng đầu năm 2016 ngân sách đang bị bội chi 82,9 nghìn tỉ đồng. Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước sáu tháng đạt khoảng 425.600 tỉ đồng, chỉ đạt được 42% so với dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 342.800 tỉ đồng, thu từ dầu thô đạt 17.700 tỉ đồng, thu cân đối ngân sách hoạt động xuất – nhập khẩu từ 63 tỉnh thành đạt 63.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến nay khoảng 508.500 tỉ đồng, bằng 39,9% dự toán bao gồm chi cho đầu tư phát triển là 74.500 tỉ đồng, bằng 29,2% so với dự toán. Chi phát triển sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể khoảng 363.400 tỉ đồng. Ngân sách chi khoảng 68.000 tỉ đồng trả nợ và viện trợ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong cân đối ngân sách Nhà nước, nhu cầu chi phát triển kinh tế – xã hội, nhất là chi thường xuyên tiếp tục tăng cao từ 50% lên mức 65% tổng chi. Chi đầu tư phát triển bị giảm từ 30% tổng chi, xuống còn 17%.
Với khả năng thu hiện nay, tổng thu ngân sách sẽ không đủ để chi thường xuyên và trả nợ, do đó toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào vốn vay của Chính phủ.
Theo kế hoạch được phê duyệt, năm 2016, Chính phủ có kế hoạch vay 452.000 tỉ đồng (tương ứng 20 tỉ USD), trong số này bù đắp bội chi ngân sách là 254.000 tỉ đồng. Dự kiến mức trả nợ vay năm nay tăng lên 273.000 tỉ đồng (12 tỉ USD).
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2016 phấn đấu bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP là 4,95%. Trong khi đó một báo cáo vĩ mô của Ngân hàng HSBC dự báo bội chi ngân sách của Việt Nam năm nay khoảng 6,6% GDP. Các chuyên gia HSBC giải thích: Ngân sách của Việt Nam suy giảm có thể bắt nguồn từ việc lợi nhuận giảm đều (mặc dù tình trạng thiếu kiểm soát chi tiêu cũng là một vấn đề). Lợi nhuận tài chính suy giảm vì hai nguyên nhân chính: 1) doanh thu dầu mỏ nhà nước giảm, do giá cả hàng hóa toàn cầu sụt giảm mạnh và 2) doanh thu thuế các ngành không thuộc dầu mỏ cũng đi xuống.
Cũng theo HSBC, thâm hụt ngân sách tăng là vấn đề do tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã thực sự cao. Ước tính nợ công Việt Nam (bao gồm nợ nước ngoài và trong nước) đã tăng từ 59,6% năm 2014 lên 63,3% GDP vào cuối năm 2015. Vấn đề nợ ngày càng trầm trọng hơn do lạm phát chậm lại và đồng tiền Việt Nam mất giá. HSBC dự báo tỷ lệ nợ công trên GDP tăng lên 64,5% GDP trong năm 2016, đạt ngưỡng giới hạn của Quốc hội đề ra 65%.
Ông Sandeep – Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc dành quá nhiều tiền ngân sách để trả nợ sẽ tạo ra một rủi ro lớn cho việc đầu tư, hạn chế nguồn tiền đầu tư phát triển kinh tế. Nếu nghĩa vụ trả nợ nhiều sẽ gây rủi ro cho những khoản chi tạo ra năng suất lao động, giảm chi vào giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác. Dự báo của Ngân hàng Thế giới đến năm 2016, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 63,8% GDP, năm 2017 là 64,4%, năm 2018 lên 64,7%.
Trong một diễn biến liên quan, bà Victoria Kwakwa sau bảy năm làm Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã giã từ vị trí này với những nhận định và lời khuyên chân tình.
Trong buổi phỏng vấn cuối cùng với báo chí trước khi rời Việt Nam cuối tuần qua, bà Kwakwa nói: “Việt Nam cần phát triển bao trùm. Rõ ràng, tầng lớp giàu có đang tăng lên nhanh chóng, nhưng đáng lo lắng là có những tầng lớp người đang bị gạt sang bên lề của quá trình phát triển”.
Gắn bó suốt giai đoạn kinh tế thăng trầm thời gian qua của Việt Nam, đó là lý do mà bà Kwakwa mở đầu cuộc trò chuyện bằng lời khuyên về quản lý kinh tế vĩ mô. Bà nhắc lại, trước đây kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất gập ghềnh, phát triển rất nóng, rồi tụt xuống, rồi lại phát triển nóng.
Thực tế cay đắng đó đã làm Chính phủ thay đổi quan điểm điều hành. Ba năm gần đây, kinh tế vĩ mô đã ổn định trở lại với lạm phát, cán cân thanh toán cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng lên và tỷ giá ổn định.
Thế nhưng thách thức chính vẫn chưa được giải quyết khi thâm hụt ngân sách triền miên đang trở thành rủi ro lớn, trong khi lãi suất mãi vẫn không được quản lý dựa trên thị trường.
Bà nói: “Ổn định kinh tế vĩ mô là rất quan trọng. Chính phủ không nên lúc nào cũng thúc đẩy tăng trưởng, mà phải tạo ra khoảng đệm để Việt Nam đối phó với rủi ro trong tương lai”.
Trong cuộc trò chuyện, bà Kwakwa đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng phải thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực từ vị thế èo uột hiện nay. Bà giải thích: “Không có quốc gia nào phát triển được mà có khu vực tư nhân yếu kém cả. Việt Nam đã tập trung phát triển kinh tế thị trường, thì phải coi khu vực kinh tế tư nhân là chủ đạo”.
Gia Minh (DNSGCT)