Tại châu Âu, Bulgaria là quốc gia có tốc độ tụt giảm dân số nghiêm trọng nhất. Kể từ năm 1985, mức gia tăng dân số tự nhiên luôn là con số âm. Kèm theo đó là sự mất mát dân số do… thất nghiệp. Nền kinh tế quốc dân chậm tăng trưởng, buộc giới trẻ vừa tốt nghiệp phải dạt sang các đất nước khác mưu sinh. Dự đoán đến năm 2050, Bulgaria sẽ mất hẳn 23% cư dân.
Bulgaria là quốc gia thuộc khu vực Đông Nam châu Âu, có diện tích 110.879km2 và dân số khoảng 7 triệu người (thống kê cuối năm 2018).
Mất mát dân số
Cuối những năm 1980, tổng dân số của Bulgaria vẫn xấp xỉ 9 triệu người. Họ đạt mức cao nhất vào năm 1985, 8.960.387 người. Song kể từ năm 1986 trở đi, đường biểu đồ số lượng dân cư bắt đầu tụt dốc. Đến năm 2019 còn rơi khỏi mốc 7 triệu, xuống còn khoảng 6,5 triệu người. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là tỷ lệ sinh thấp. Trong năm 2018, Bulgaria chỉ có 65.312 trẻ em chào đời, mà lượng tử vong lại những 107.885 người. Lượng gia tăng dân số tự nhiên là âm 42.573 người.
Trong thời đại suy giảm dân số toàn cầu hiện nay, chuyện tỷ lệ sinh thấp hơn tỷ lệ tử không phải quá lạ. Nhiều quốc gia trên thế giới như Litva (châu Âu), Nhật Bản (châu Á)… cũng phải đối mặt với nguy cơ đất nước sẽ chỉ còn toàn người già. Song riêng ở Bulgaria, sự sụt giảm dân số còn vì một nguyên nhân đáng ngại khác: di cư. Cũng trong năm 2018, Bulgaria mất hẳn 5.150 người vì lý do này.
Trong Liên minh châu Âu (EU), Bulgaria là đất nước nghèo nhất. Cứ mỗi một mùa tốt nghiệp, sinh viên mới ra trường lại phải đau đầu, đỏ mắt tìm việc làm. Vì cơ hội trong nước quá ít, họ buộc phải ra nước ngoài. Ước tính mỗi năm, ít nhất cũng có 60.000 người Bulgaria trẻ tha phương cầu thực. Chỉ xét riêng trong năm 2017, Đức đã nhận hẳn 30.000 người từ Bulgaria sang.
Thiếu hụt nhân tài
Sự mất mát dân số do di cư ở Bulgaria bắt đầu từ năm 2007, sau khi gia nhập EU. Nếu năm 2006, họ chỉ có 8.000 người chuyển tới Đức thì vào năm 2008 đã lên tới 20.000 người. So với vấn đề sụt giảm dân số vì tỷ lệ sinh thấp, sụt giảm dân số do di cư còn nghiêm trọng hơn. Đa phần họ đều là thanh niên trẻ khỏe, có bằng cấp. “Chảy máu chất xám ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, từ xây dựng cho đến y học”, Cvetan Davidkov, giáo sư thuộc Đại học Sofia, phân tích.
“Chúng tôi đang mất mát quá nhiều nhân lực trẻ”, Anthony Hristov, một người Bulgaria từ Mỹ trở về, chia sẻ. Mức lương tối thiểu của Bulgaria là 320 USD/tháng (tương đương 7,4 triệu VNĐ), thấp nhất Liên minh châu Âu. Mặc dù GDP đã bắt đầu gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp trong nước vẫn là 5,3%.
Tiền lương thấp cộng với cơ hội xin việc làm khó khăn buộc các sinh viên tốt nghiệp phải rời quê hương, lập nghiệp ở nước ngoài. Các công ty, tập đoàn ngoại quốc sẵn sàng trả họ mức lương cao hơn. Ngoài ra, yêu cầu kỹ năng, bằng cấp cũng nhẹ và thời gian làm việc tương đối ngắn.
Theo ước tính của Hristo Boyadzhiev, đồng sáng lập Tuk Tam (hội chợ việc cho Bulgaria kiều trở về), có khoảng 1,1 triệu người Bulgaria muốn quay về. Tuy nhiên, họ do dự vì lo ngại không xin được việc làm ở trong nước. Mất lực lượng lao động trẻ, có chuyên môn, kinh tế quốc nội trì trệ. Nếu cứ tiếp tục, dự đoán đến năm 2050, Bulgaria còn sẽ mất tới 23% dân số.
Nỗ lực đảo ngược
Trước nguy cơ ấy, một số cư dân Bulgaria đã đứng lên, cố gắng giữ chân người trong nước và kêu gọi đảo ngược làn sóng di cư. Trong số đó có Anthony Hristov, một người Bulgaria từng làm việc ở Mỹ. Hristov hiện 58 tuổi. Trước khi quay về Bulgaria, ông từng giữ chức vụ giám đốc nghệ thuật của hãng phim hoạt hình nổi tiếng Pixar. Năm 2018, Hristov chuyển vào Sofia (thủ đô của Bulgaria), thành lập Học viện Hành động (Arc Academy), đào tạo các ngành nghề sáng tạo liên quan đến kỹ thuật số, ví dụ như làm game, thiết kế phim hoạt hình… Ông hy vọng ở học viện này, các thanh thiếu niên Bulgaria sẽ nhận được sự dạy dỗ chuyên nghiệp, ngang tầm hoặc tốt hơn các nước khác trong EU.
“Chúng tôi đang mất quá nhiều giới trẻ. Điều đó cũng tức là mỗi ngày một thêm thiếu hụt nhân tài”, Hristov cho hay. “Phần lớn thanh thiếu niên chọn ra nước ngoài vì biết rõ ở đó, từ chất lượng giáo dục đến cơ hội tìm kiếm việc làm, lập nghiệp đều tốt hơn”.
Vừa mở cửa, Học viện Hành động của Hristov đã nhận được 80 đơn đăng ký. Vài em thẳng thắn chia sẻ trong đơn đã định rời Bulgaria, đi học và xin việc luôn ở nước ngoài. Thật may mắn vì ngay gần nhà cũng có một trường học phù hợp.
Trong khi Hristov cố gắng giữ chân giới trẻ, một cư dân Bulgaria khác là Hristo Boyadzhiev (33 tuổi) lại nhắm mục tiêu lôi kéo người Bulgaria ở nước ngoài quay về. Anh sáng lập và điều hành tổ chức hội chợ việc làm Tuk Tam, cung cấp cơ hội tìm kiếm việc làm cho những người Bulgaria. Thông qua Tuk Tam, Boyadzhiev nhận được khá nhiều tâm thư của người lao động Bulgaria ở nước ngoài. Họ chia sẻ tuy cuộc sống tương đối an nhàn, nhưng trong tim không lúc nào nguôi nhớ người thân. Anh khẳng định đã nhận được email, tin nhắn từ khoảng 200.000 người Bulgaria ấp ủ dự định quay về nước.
- Xem thêm: Dạo chơi phố cổ Bulgaria
Riêng Petya Kertikova (30 tuổi) còn dành tâm huyết thực hiện hẳn một chương trình tivi có tên Người Trở về (The Returnees). Cô nêu gương những người Bulgaria thành công ở nước ngoài hồi hương, làm giàu cho quê nhà. Tính đến hiện tại, Kertikova đã giới thiệu hơn 70 câu chuyện, điểm danh các “người thật việc thật” trong mọi lĩnh vực. Cô hy vọng, sự nghiệp thành công và tấm lòng yêu nước của họ sẽ truyền cảm hứng tới các Bulgaria sống ở nước ngoài khác. “Đối với đất nước chúng tôi, họ là những người vô cùng quan trọng. Kinh nghiệm và quan điểm của họ sẽ tác động vào nền kinh tế, thúc đẩy đất nước tiến lên”.
Bản thân Kertikova cũng là một “người trở về”. 2 năm trước, cô vẫn là người dẫn chương trình của một đài tiếng nói Bulgaria ở Chicago, Mỹ. Trong một lần quay lại quê hương nhân dịp Giáng sinh, Kertikova trào dâng khao khát làm gì đó cho nước nhà. Cô mạnh dạn xin nghỉ việc ở Chicago, đến Sofia và nảy sinh ý tưởng thực hiện chương trình The Returnees.
Phần lớn người Bulgaria di cư đều vì miếng cơm manh áo mà ra đi. Sống xa quê, họ cũng thiếu cập nhật tin tức về sự phát triển ở quê nhà. Kertikova tin rằng, nếu thấy được đất nước đã có sự đổi thay, họ thế nào cũng suy nghĩ lại. Ít nhất thì trong chương trình của mình, cô cũng bắt gặp một doanh nhân Bulgaria thành đạt về nước mừng đám cưới của bạn. Bất ngờ trước sự đổi mới của Bulgaria, doanh nhân này hủy luôn chuyến bay, ở lại lập sự nghiệp mới.
“Nhiều người Bulgaria mơ ước được sống ở nước ngoài và đã biến giấc mơ ấy thành hiện thực”, Kertikova nhận định. “Nhưng bây giờ tôi muốn đảo ngược điều đó, khiến người Bulgaria ở nước ngoài ước mơ được sống ở Bulgaria, và quay về hiện thực hóa giấc mơ ấy”.