Buổi sáng đi xe đò lên thành phố, ghé lại một trạm dừng chân. Vào một quán cà phê trong trạm gọi ly cà phê đá uống cho đỡ buồn ngủ. Có hai ông khách vào ngồi bàn bên cạnh kêu một tách cà phê đen nóng, cô bán quán chạy ra, ngập ngừng.
Hai anh chờ một chút được không, em chưa có nước sôi. Quán cà phê gì mà giờ này không có nước sôi, chỉ bán cà phê đá không à, làm ăn gì kỳ vậy! Hai ông khách nói mấy câu rồi giận dữ bỏ đi. Tôi ngồi lại nhâm nhi ly cà phê đá trong tay cũng thấy hơi khó chịu. Đúng là buôn bán chẳng ra sao! Cô bạn cùng đi chợt kéo tay tôi, nói nhỏ. Dở thiệt chị há, quán xá bây giờ sao chẳng nhiệt tình gì hết, chẳng bù với mấy tiệm nước ngày trước, chị nhớ không?
Ừ, câu nói thầm của bạn chợt gợi nhớ cả một thời, tưởng đã xa lắc xa lơ vậy mà vẫn còn rõ mồn một trong trí nhớ. Những tiệm nước xưa! Hoàn toàn không giống quán cà phê như bây giờ đâu nghe. Thường ở các góc đường trong thành phố hay ở các tỉnh lẻ, bao giờ cũng có một vài căn tiệm, gọi là tiệm nước nhưng không chỉ bán cà phê, nước ngọt mà còn bán đủ thứ thức ăn nữa, đa phần là thức ăn sáng tức điểm tâm. Từ những ngày thơ ấu, tôi đã quen thuộc với những tiệm nước này rồi. Và lời nhắc của cô bạn đã làm sống lại, tươi lại mớ ký ức tưởng như đã lãng quên kia.
Nhắm mắt lại, hình dung một buổi sớm nào đó của tuổi thơ, con bé bảy tám tuổi được ba nó dẫn vào một tiệm nước gần nhà. Căn tiệm khá rộng, xếp hàng chục chiếc bàn tròn sáng sớm đông người. Hít một hơi thở dài, mùi cà phê thơm nồng hai cánh mũi, cả mùi thơm của xíu mại, há cảo, sủi cảo nữa. Chưa hết, còn những tô mì, tô hủ tiếu bốc khói, ngào ngạt những mùi vị không thể nào quên. Ba tôi vẫn luôn chọn chiếc bàn quen thuộc trong một góc, ngồi với vài ông bạn cùng xóm, ăn món điểm tâm đầu ngày, khi thì một tô mì, tô hủ tiếu, khi vài viên xíu mại bánh mì hay vài dĩa há cảo đổi món vậy mà. Nhưng ăn gì thì ăn, hôm nào cũng phải có một tách cà phê đen nóng hổi, thơm lừng. Đó là tách cà phê độc nhất trong ngày của ông. Sướng nhất là con bé cũng được một ly cà phê sữa nhỏ, nhiều sữa ít cà phê. Những tách cà phê mang ra đều đã được trụng trong nước sôi nên nóng từ bên ngoài đến bên trong. Ba tôi phải rót cà phê từng chút một ra cái dĩa nhỏ lót dưới ly để cà phê mau nguội cho tôi uống. Từng giọt, từng giọt cà phê sữa béo ngậy, thơm ngát trôi xuống cổ, cảm giác tuyệt vời biết mấy! Tôi cứ ngồi đó, ăn một vài viên xíu mại hay há cảo rồi thưởng thức từng ngụm cà phê sữa như nếm chút hạnh phúc đầu ngày, mãi vẫn không quên.
Căn tiệm nước với đứa trẻ ngày ấy như mở ra một thế giới mới mẻ, lạ kỳ lẫn thú vị. Này nhé, ngay cái bàn pha cà phê bên trong, ông chủ quán lúc nào cũng bận rộn với cái vợt cà phê đặt trong một cái siêu đất, bên dưới cái siêu là một nồi nước đặt trên bếp lò sôi ùng ục. Nắp nồi nước được khoét vừa với đít siêu để giữ cho cà phê trong siêu lúc nào cũng nóng hổi. Chốc chốc, ông chủ lại giũ bỏ xác cà phê trong vợt ra, đổ cà phê mới vào, giở nắp nồi ra múc một gáo nước sôi đổ vào vợt pha đợt cà phê khác. Vợt cà phê được ngâm trong siêu cho ra hết rồi mới chắt nước cà phê ra. Cà phê tiệm nước bán liên tục, đắt hàng nên lúc nào cũng thơm ngon không giống cà phê kho ở các tiệm bán ế. Ngoài cảnh tượng hấp dẫn ấy ra, trong tiệm nước ngày xưa còn biết bao điều thú vị. Hãy nghe tiếng hô của chú tiểu nhị khi chạy bàn. Một xây chừng, hai tài chừng bàn số 2 nghe! Một xây bạc xỉu, một xây nại nữa nè… Những tiếng hô ấy thỉnh thoảng vẫn còn văng vẳng bên tai khiến tôi lại mỉm cười, rưng rưng. Đám trẻ giờ vào những quán cà phê, quán điểm tâm làm sao nghe được, hiểu được những tiếng rao đặc biệt đó. Xây chừng là ly cà phê lưng, tài chừng là ly lớn đầy, xây nại là ly sữa nhỏ, xây bạc xỉu là nhiều sữa, ít cà phê. Còn nhớ có một bác già già, người gân guốc hay vào tiệm kêu một cái “xây chừng chẩu”, nghe lạ ghê chưa? Đó là nửa ly cà phê pha với một cốc rượu trắng nhỏ. Sau này hình như tôi không gặp ai uống cà phê đặc biệt vậy nữa nhưng vẫn nhớ hình ảnh ông bác ấy.
Lớn lên một chút, mỗi lần từ thành phố vào quận Cái Răng thăm ông cậu trong đó, tôi và hai đứa em thường được cậu dẫn qua tiệm nước ngang nhà, ngay góc chợ. Cậu cho chúng tôi chọn món ăn sáng tùy thích như mì, hủ tiếu, bánh bao, bánh mì xíu mại… Nhưng mỗi đứa chỉ được uống nước ngọt, chỉ cậu uống cà phê. Không khí tiệm nước cũng nhộn nhịp như vậy với chú tiểu nhị lúc nào cũng vắt cái khăn trên vai, tay lau bàn lia lịa, chạy tới chạy lui, miệng hô vang trời. Tiệm nước này ngon nhất là món bánh mì xíu mại. Xíu mại mới lấy ra từ xửng, nóng hổi, bánh mì cũng giòn rụm ngon cực kỳ. Trong tiệm nước xưa, ngoài ông chủ bà chủ ra thường chỉ có một tiểu nhị chạy bàn. Vậy mà khách nào cũng hài lòng bởi sự phục vụ mau mắn, chu đáo của tiểu nhị. Sau này tôi vẫn thường vào đây nhưng tiệm nước xưa không còn nữa, nghe nói cô con gái của ông chủ lấy chồng xa nên đóng cửa tiệm nước. Ngoài thành phố cũng vậy, những quán cà phê sang hơn, đẹp hơn đã thay thế dần những tiệm nước xưa. Anh tiểu nhị cũng đã biến mất nhường chỗ cho các cô phục vụ trẻ trung xinh đẹp. Vậy nên cái không khí náo nhiệt, cái tiếng hô rân trời của tiệm nước xưa cũng đã đi vào quá khứ mất rồi. Chỉ có tôi, sáng hôm nay từ cảnh tượng trong một quán cà phê ven đường lại chạnh lòng nhớ hình ảnh xưa mà man mác, ngậm ngùi…