Tuyến đường Autobahn nối Frankfurt với thị trấn Gotha, điểm đến đầu tiên trong chuyến đi thăm bang Thueringen nước Đức của chúng tôi dài khoảng 200km. Đường cao tốc đi êm như mơ, xuyên qua nhiều khu rừng mát lạnh, không khí trong lành thơm nức mùi nhựa thông, thỉnh thoảng lại thấy mấy con hươu sao đứng sát hàng rào lưới sắt ngăn đường và rừng.
Gotha giữa mùa hoa
Chỉ là một thị trấn nhỏ nhưng Gotha mang đầy đủ phong cách Đức, đó là sự kỷ luật, ngăn nắp và sạch sẽ. Đường phố lát đá sạch như lau như ly, mỗi sáng sớm đều có xe hút với chổi quay rì rì chạy qua tất cả các phố. Trong ánh bình minh, những chiếc xe vệ sinh, xe cẩu cùng nhóm công nhân mặc đồng phục nhìn trau chuốt, chỉn chu như từ một hộp đồ chơi bước ra vậy. Trong phố, hầu hết các ngôi nhà cổ đều được tu sửa cẩn thận với màu sắc tươi vui. Mọi khuôn cửa sổ rực rỡ sắc hoa thu hải đường, diên vĩ, phong lữ… Khắp trị trấn thanh bình sực nức mùi hoa của cây đoạn, loài cây ôn đới xinh đẹp. Chúng tôi đến đây đúng mùa hoa đoạn đang nở rộ. Trên các quảng trường, đầu phố và trong các công viên quanh lâu đài Friedenstein hoa đoạn nở bung từng chùm sáng hoe vàng trên các tán cây.
Tọa lạc giữa quảng trường chạy dài là tòa thị chính của Gotha. Tòa nhà giống như một nhà thờ xinh xắn trong truyện cổ tích. Giữa khung cảnh cổ xưa đó, toàn bộ hệ thống cột trông xe cùng với hệ thống điện thoại công cộng đều sử dụng năng lượng mặt trời. Rất lạ là đến nay người dân thị trấn vẫn dùng điện thoại công cộng, nhất là người già, có lẽ do cách dùng đơn giản và quan trọng nhất là tiền xu của họ, kể cả đồng một cent vẫn sử dụng được.
Đi thêm vài bước chân là đến công viên bên ngoài lâu đài Friedenstein. Công viên như một khu rừng với bãi cỏ rộng và hàng cây cổ thụ vài trăm năm tuổi. Cây cỏ sạch như lau, người ta có thể lăn ra bãi cỏ mà không ngại bẩn quần áo. Chim hót véo von, đàn sóc lấp ló như trêu người. Mấy cụ ông cụ bà thong thả dắt chó đi dạo, một tốp học sinh tiểu học được thầy giáo đưa đến lâu đài để học ngoại khóa. Khu công viên xanh bao quanh lâu đài này gây ấn tượng cho chúng tôi hơn cả lâu đài Friedenstein vuông vức đồ sộ. Qua lâu đài lại là một khu không gian xanh với hồ nước ở giữa rừng cây. Ven công viên có dòng suối chảy xuống các khu phố của Gotha ở dưới chân đồi. Dòng suối này hơn 500 năm trước đã được người dân xây dựng thành đường cấp nước cho thị trấn, cho những tượng đài và vòi phun trên quảng trường.
Lâu đài Wartburg và cây cầu độc đáo ở Erfurt
Cách Gotha chỉ khoảng 40km, thị trấn Eisenach có một di sản thế giới được UNESCO công nhận là lâu đài Wartburg. Tại kiến trúc lộng lẫy đó, cách đây hơn năm thế kỷ, nhà cải cách tôn giáo Martin Luther đã dịch kinh Tân Ước sang tiếng Đức. Có thể nói Luther với bản dịch Kinh thánh tại lâu đài Wartburg này đã đóng góp lớn vào sự hình thành dân tộc Đức, văn hóa và ngôn ngữ Đức. Tọa lạc trên một ngọn đồi, lâu đài Wartburg là một điểm du lịch hấp dẫn từ xưa. Không chỉ được đưa lên nhiều tấm hình quảng cáo du lịch, tem thư, tiền Markt Đông Đức, Wartburg còn được đặt tên cho một trong hai loại ôtô do Đông Đức sản xuất trước kia. Ngày nay, ôtô Wartburg là thứ đồ cổ được giới sưu tầm yêu thích.
Đến thành Erfurt, bước chân vào nhà thờ lớn Dome von Erfurt, một cảm giác choáng ngợp bao trùm lấy chúng tôi khi đứng trước mái vòm gô tích cao vút và ban thờ có những ô kính cửa sổ màu sắc trong âm thanh ngân vang của cây đại dương cầm. Bên kia con đường là pháo đài Petersberg, một nơi thú vị để nhìn thấy toàn cảnh phố phường xinh xắn bên dưới. Trong pháo đài có bảo tàng về súng thần công và lính pháo thủ thế kỷ XVII, XVIII. Vào đấy mới biết dân châu Âu ngày xưa khi xây nhà, xây lâu đài thành quách cũng mê tín chả kém dân mình. Bảo tàng có trưng bày mấy cái xác mèo khô đã mấy trăm năm được tìm thấy trong lớp vữa của bức tường pháo đài – một kiểu yểm bùa trừ tà giống mấy thầy mo nhà ta.
Erfurt nổi tiếng với khu phố nằm trên cầu Kreamerbruecke bắc qua con sông nhỏ giữa thành phố. Trên các bức bưu thiếp, người ta chỉ chụp được cảnh bên ngoài khu nhà nằm trên dòng sông. Trong khi đó phải bước chân vào con phố giữa hai dãy nhà trên cầu thì mới thấy hết được nét cổ kính của nơi này. Ngoài kiến trúc đẹp, những hàng hóa bày bán trên cầu như đồ lưu niệm được làm tại Đức, loạt máy ảnh cổ, đồ chơi bằng gỗ rất tinh xảo đủ để bố mẹ trẻ con phải mê mẩn. Qua khỏi cầu, tàu điện Erfurt hiện ra thật đẹp với các bác lái tàu vận đồng phục bảnh bao như chú rể. Tàu chạy trên các con phố nhỏ nên cứ đi sát vào người đi đường làm lắm du khách e sợ. Nhưng hóa ra cái lo là thừa bởi khi thấy chúng tôi muốn sang đường, bác lái tàu lại dừng hẳn tàu lại, chìa tay mời chúng tôi sang đường xong xuôi mới kéo đoàn tàu tiếp tục chạy.
Georgenthal, ngôi làng nơi bìa rừng
Ngày hôm sau, chúng tôi đến thăm Georgenthal, một ngôi làng nhỏ nằm sát bìa rừng Thueringen, cách Gotha khoảng hơn chục km. Xe chạy giữa những cánh đồng lúa mì vàng óng tô điểm bằng vô vàn những chấm đỏ trắng đủ màu của hoa poppy, hoa cúc dại, hoa thạch thảo. Đồng lúa mì kéo dài đến sát ngôi làng, dẫn chúng tôi bước vào một chốn như trong truyện cổ thần tiên.
Làng Georgenthal có hai cái hồ lớn nhỏ. Từ cái hồ nhỏ, dòng suối trong vắt được kè như con mương chảy dọc theo con đường đẹp nhất của làng. Tên con đường này thật hợp với bản thân nó: Gartenstrasse, nghĩa là phố Vườn. Hai bên đường có những ngôi nhà xinh xắn với khu vườn đầy hoa, những cây anh đào quả chín đỏ bên hàng rào gỗ. Táo và mận quả đầy cành, không gian líu lo tiếng chim hót. Chúng tôi nghỉ chân tại khu vườn nhỏ sát mép hồ, nơi có một thác nước nhỏ với bánh xe nước ở một góc vườn. Trong vườn sực nức mùi thìa là, rau húng và dâu đất. Hấp dẫn nhất là mấy luống hoa oải hương, luống phúc bồn tử và mâm xôi. Đàn thiên nga trắng cùng lũ vịt trời thấy người ngồi chơi bèn từ từ bơi vào xin thức ăn. Làng Georgenthal thanh bình quá đỗi. Cái hồ lớn nước trong veo nhìn xuống thấy hàng đàn cá chép bơi lội, trên hồ cũng có vịt trời và thiên nga bơi đủng đỉnh. Trước hiên ngôi nhà nào cũng có chó, mèo nằm lười nhác. Trong sân, ngoài đường không khí sực nức mùi nhựa thông và mùi hoa.
Đi dọc trên phố Gartenstrasse, chúng tôi mê mẩn vì những khung cửa sổ đầy hoa. Khi lấp ló ngó trộm khu vườn, một du khách “bị” ông bà cụ chủ nhà bắt gặp. Hai ông bà đang ngồi nhàn tản ngoài vườn liền kéo du khách nọ vào để hỏi chuyện. Người già nơi này vốn chỉ sống lủi thủi với nhau do con cháu ra thành phố đi làm đi học hết. Cụ nào còn sức thì chăm chút khu vườn, nhà cửa và lấy làm vui vì có cái để khoe với khách phương xa…
Quang Tuấn