Là một bang nhỏ ở miền Bắc Ấn Độ, cái tên Uttarakhand từ lâu đã hấp dẫn những người mê bộ môn Yoga như chúng tôi. Rishikesh, một thị trấn nhỏ của bang này là nơi xuất phát và được coi là thủ đô Yoga của thế giới. Trong một chuyến đến Rishikesh tìm lớp học, chúng tôi có dịp đi qua nhiều nơi đáng nhớ của Uttarakhand.
Chốn hành hương giữa núi rừng
Xe xuất phát từ Dehli rồi đi gần cả ngày qua những vùng quê bình dị xứ Ấn. Xế chiều, cả đoàn mới vào đến Uttarakhand. Vùng đất này được coi là cửa ngõ đi vào Himalaya, là nơi sông Hằng linh thiêng từ núi cao chảy vào đời sống dân gian. Trên trục đường chính hẹp chạy giữa một bên là sông Hằng nước màu ngọc bích, một bên là đồi núi thấp xanh tươi, bầu không khí trong lành mát mẻ của cao nguyên làm nhiều người sảng khoái.
Thêm một cung đường ngoằn ngoèo nhiều đoạn cua chóng mặt nữa thì chúng tôi lên đến độ cao gần 2.000 mét và dừng chân ở Mussoorie. Mussoorie là thị trấn nghỉ mát khá hấp dẫn bởi nơi đây mùa đông có tuyết. Khung cảnh phố núi hơi giống Sa Pa với con đường chính chạy dài dọc sườn núi, hai bên là nhiều khu nhà nghỉ, khách sạn xinh đẹp.
Thời tiết vùng cao thay đổi thật nhanh. Khi đoàn mới tới thị trấn, nắng còn nhạt nhòa từng vạt dọc thung lũng xanh. Vậy mà khi vừa ngồi ấm chỗ trên ban công quán cà phê cổ kính, sương chiều đã phủ màu mờ ảo lên những bóng người qua lại dưới phố. Nhìn ra xa phía đồi núi, sương đặc đến mức như có thể xắn từng muỗng như sương sâm.
Phương tiện đi lại chính ở đây là xe đạp ba bánh. Nhìn cảnh từng đôi vợ chồng mập mạp đèo theo một, hai đứa con trên chiếc xe giản dị, đều đều lên dốc, xuống dốc mà ai nấy đều khâm phục. Ăn tối xong hình như gió xua bớt sương đi đâu mất. Mọi người có thể nhìn thấy ánh đèn rực rỡ từ một góc Dehradun, thủ phủ của Uttarakhand nằm cách Mussoorie không xa theo đường chim bay. Lúc xế chiều xe cũng dừng lại ở Dehradun cho mọi người nghỉ ngơi một lát.
Thành phố này nằm gọn trong một thung lũng trù phú và có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Chúng tôi cũng tranh thủ được thời gian để thăm khu chùa Tây Tạng do cộng đồng người Tây Tạng ở đây xây dựng. Quần thể này có nhiều kiến trúc quy mô lớn rất đẹp.
Uttarakhand có diện tích vào hàng nhỏ nhất Ấn Độ, đường sá chủ yếu băng đồi vượt núi nhưng khoảng cách giữa các thành phố, thị trấn không quá xa. Nhờ có khí hậu mát mẻ và có sông Hằng chảy qua nên toàn bang quanh năm thu hút khách thập phương, đến mùa lễ hội thì những ai yếu bóng vía chắc không chen nổi. Khi chúng tôi đến Haridwar thì mùa hành hương vừa kết thúc.Hai bên con đường dài dẫn vào thành phố còn hàng hàng lớp lớp những dãy lều trại dành cho du khách.
Sau khi len lỏi qua núi non, sông Hằng đoạn đổ vào Haridwar trở nên rộng thênh thang nên từ ngàn xưa, thành phố vẫn được coi là chốn bắt đầu của dòng nước linh thiêng. Cùng với Varanasi, Rishikesh và Haridwar là ba thành phố tâm linh quan trọng nhất của người Ấn Độ.Ở cả ba nơi này, dù mưa gió bão bùng thì mỗi ngày vẫn hai lần diễn ra lễ hội hoa đăng vào lúc bình minh và lúc hoàng hôn.
- Xem thêm: Tây Sikkim – Hạnh phúc ghi dấu trong tim
Haridwar đặc biệt vì cái tên thành phố có nghĩa là “Cánh cổng dẫn tới thần Shiva”. Bên cạnh dòng sông, người ta cho dựng bức tượng thần Shiva khổng lồ đang đứng hướng về phía thành phố. Bức tượng màu đồng vô cùng uy nghi, thể hiện sống động hình tượng của vị thần Hủy diệt trong Ấn Độ giáo.
Nơi ấn tượng nhất thành phố là khu bãi tắm xây dạng bậc thang rộng lớn với những đền thờ và các khu nhà rất đẹp phía sau.Đây là nơi mà mỗi dịp lễ hội có hàng trăm nghìn người xuống tắm. Lễ hội đã kết thúc, bến sông còn lại chủ yếu là những tu sĩ đang ngồi thiền, tập Yoga hoặc những tín đồ Ấn Độ giáo chăm chỉ đang cầu nguyện.
Rishikesh, “thánh địa” của tín đồ Yoga
Cách Haridwar một giờ xe, Rishikesh cũng giữ vị trí trung tâm của các hoạt động tâm linh Ấn Độ từ mấy ngàn năm trước. Bầu không khí thanh bình đậm màu sắc thiền định nơi đây thu hút rất nhiều người yêu thích Yoga từ khắp nơi trên thế giới đến học hỏi, rèn luyện. Đi đâu cũng thấy các nhà tập Yoga, trong đó lớn nhất là trung tâm Parmath Niketan Ashram với hơn 1.000 phòng. Là thánh địa của Ấn Độ giáo nhưng Rishikesh lại có không khí tươi sáng, thơ mộng của một thị trấn nghỉ dưỡng phương Tây. Lý do vì nơi này thu hút khá nhiều khách Âu, Mỹ. Ban nhạc Beatles cũng từng ở đây cả tháng trong giai đoạn nhóm gặp khủng hoảng tinh thần.
Rishikesh có phố núi trải đều hai bên sườn núi, bên trên những ghềnh đá nho nhỏ.Xen kẽ giữa những cụm cây cổ thụ là đền cổ, cầu treo hoặc các tòa nhà xinh đẹp. Kiến trúc cao nhất là Trayambakeshwar Temple, ngôi đền có tòa tháp cao 13 tầng soi bóng xuống dòng sông Hằng xanh biếc. Lỡ lạc chân vào đền Neelkantha Mahadev cạnh đó, nhiều người mê mẩn không muốn ra bởi hàng trăm tượng thần ở đây quá đẹp, quá sinh động khi miêu tả lại các truyền thuyết xa xưa. Đền nằm gần cây cầu treo bằng thép bắc ngang sông Hằng.
Cây cầu là điểm nhấn duyên dáng cho cảnh phố nhỏ giữa núi rừng.Khi gió mạnh, cầu dường như hơi rung nhẹ khiến vài người e sợ. Trong khi đó, đàn khỉ rừng vẫn nhảy nhót nô đùa trên mấy sợi dây cáp.Vài du khách thong thả ném bánh mì cho đàn cá mập ú dưới sông. Dân Rishikesh dẫu chưa giàu có gì nhưng họ cũng không bao giờ bắt cá ăn thịt. Với họ, cá trên sông thiêng thì cũng là cá thiêng!
- Xem thêm: Sa mạc Thar bí ẩn
Cũng như Haridwar, Rishikesh nhờ sự sùng đạo của người dân mà có thêm nét hấp dẫn đặc biệt. Vào lúc sáng tinh mơ và lúc mặt trời sắp lặn mỗi ngày, lễ Ganga Aarti được tổ chức ngay bên bờ sông Hằng. Khi nến đã đặt trong những chiếc chén phủ đầy hoa, không gian đã thơm ngát mùi trầm thì bài đạo ca của dân địa phương hòa lẫn giọng du khách cũng đến hồi say mê nhất. Lúc này, ông cụ điều khiển buổi lễ nổi lửa cây đèn thần trước tượng thần Shiva uy nghi trên sông.
Đó là lúc bắt đầu nghi lễ rước lửa, cây đèn được mọi người truyền nhau, đưa tay vào ngọn lửa rồi áp lên trán mình lấy khước. Và những con thuyền đèn bắt đầu được thả trôi sông để hiến dâng cho Ganga, vị thần sông thiêng nhất Ấn Độ.Giữa ánh chiều nhập nhoạng, bãi tắm sông xây cất khang trang, rộng mênh mông chẳng mấy chốc đã đông nghịt người dân lẫn du khách. Sông Hằng ở đây là thượng nguồn nên nước trong và sạch.
Không phải là tín đồ nhưng khi lội xuống sông, tôi cũng cảm thấy sự thanh khiết của tuyết tan trên Himalaya chảy xuống. Vừa dầm mình dưới sông, vừa ngắm nhìn những dinh thự, đền đài tinh xảo dọc hai bờ cảm giác thật khoan khoái.
Cách chúng tôi không xa là hai cô gái trẻ da trắng, mắt xanh.Buổi chiều còn thấy hai cô thoăn thoắt đi lại trên phố trong bộ trang phục truyền thống Bắc Ấn, gấu váy dài kéo lê trong bùn. Giờ đây, một trong hai cô đang nắm tay anh thanh niên người bản xứ cùng bơi lặn vui vẻ như trẻ con. Xem ra, Rishikesh không chỉ đậm màu sắc thiền định mà còn là nơi chốn lãng mạn bậc nhất xứ Ấn.