Sự phát triển đa dạng của nền kinh tế cũng như yêu cầu chuyên môn hóa trong từng nghề đã dẫn tới sự ra đời của nhiều ngành học mới. Có thể nói, chưa bao giờ các bạn trẻ đứng trước nhiều lựa chọn về ngành nghề như hiện nay. Bài viết sau đây đã tổng hợp ý kiến của các chuyên gia trong ngành về những ngành học gắn liền với xu thế phát triển lâu dài của xã hội và có nhu cầu nhân lực cao trong tương lai, hy vọng sẽ giúp cho các bạn trẻ lựa chọn con đường tương lai của mình thuận lợi hơn.
Nhóm ngành Công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin tuy không phải là ngành học mới tại Việt Nam nhưng sẽ là một ngành “hot” trong tương lai, nhất là trong bối cảnh thời đại công nghệ lên ngôi. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường HUTECH, cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ toàn cầu đòi hỏi nguồn nhân lực về công nghệ thông tin chất lượng cao. Mặt khác, chúng ta có thể thấy từ sản xuất, thương mại, giáo dục, y tế đến truyền thông, quảng cáo… hầu như mọi lĩnh vực đều cần đến công nghệ thông tin với khả năng ứng dụng ngày càng tăng.
Phần lớn các trường có ngành CNTT tại TP. Hồ Chí Minh đều có sự đầu tư hệ thống trung tâm máy tính hiện đại với những phần mềm tiên tiến, không chỉ đáp ứng nhu cầu thực hành mà còn tạo không gian tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên. Để nắm bắt kịp thời những xu hướng phát triển liên tục đổi mới, Trường HUTECH còn đào tạo những ngành mới liên quan đến lĩnh vực này như Hệ thống thông tin quản lý (tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành doanh nghiệp) hay An toàn thông tin (tập trung vào quản trị, bảo mật thông tin). Trường cũng có ưu thế nhờ có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, thường xuyên đưa sinh viên đi tham quan, học tập, kiến tập tại các doanh nghiệp đối tác để các bạn làm quen với môi trường làm việc, giao lưu học hỏi từ các chuyên gia.
Ngành Thiết kế
“Nhu cầu về nguồn nhân lực thiết kế chuyên nghiệp đủ trình độ tại Việt Nam hiện đã vượt cung. Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường là nhu cầu về một thế hệ nhà thiết kế mới, có sự chuẩn bị để nắm bắt cơ hội do sự tăng trưởng và phát triển xã hội mang lại”, Tiến sĩ Gretchen Wilkins, Trưởng nhóm bộ môn Thiết kế, Trường Đại học RMIT Việt Nam cho biết, “Việt Nam cần một thế hệ người làm thiết kế mới có khả năng thích ứng với môi trường và xã hội, kỹ năng chuyên môn, sự tự tin và phong cách chuyên nghiệp. Chúng ta cần những nhà thiết kế có đạo đức đồng thời có quan điểm thiết kế đa ngành, linh hoạt giải quyết bất kỳ vấn đề thực tế nào trong ngành nhưng không quên xem xét lợi ích của các bên liên quan”.
Thiết kế là một trong những ngành được chú trọng đầu tư tại RMIT Việt Nam với một chương trình bao gồm nhiều môn học như: Đồ họa và truyền thông thị giác, Môi trường và nội thất, Thiết kế thời trang và xây dựng thương hiệu, Minh họa và tạo hình ảnh, Thực tế hỗn hợp. Đặc biệt vào năm thứ 3, đồ án sinh viên thực hiện phải dùng thiết kế để thể hiện cách tiếp cận đạo đức và kết quả sáng tạo trong nhiều chủ đề có liên quan đến Việt Nam, như bền vững môi trường và xã hội hoặc đổi mới kinh tế…
Nhóm ngành Dịch vụ
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, một lĩnh vực có nhiều triển vọng trong năm nay và những năm tới nữa chính là các ngành Dịch vụ. Để đạt được tỷ trọng ngành dịch vụ như kỳ vọng, nhu cầu nguồn nhân lực ở ngành này sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Đây cũng là lĩnh vực đào tạo được HUTECH quan tâm, như Dịch vụ kinh doanh – thương mại, Dịch vụ du lịch, Dịch vụ ăn uống, Dịch vụ truyền thông – quảng cáo… Tính đến thời điểm hiện tại, HUTECH là một trong số ít trường đại học sở hữu mô hình học kỳ doanh nghiệp chất lượng, cho phép sinh viên được học tập tại các doanh nghiệp uy tín, được cấp giấy chứng nhận và miễn trừ các môn học tương đương để tối ưu hóa thời gian, tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn ngay trong bốn năm đại học.
Ngành Quản trị khách sạn
Bên cạnh các ngành học mang tính ổn định về cơ hội nghề nghiệp trong thời đại mới như Quản trị kinh doanh, Kế toán, Kinh doanh quốc tế thì ngành quản trị khách sạn được xem những ngành học có triển vọng phát triển trong bối cảnh tăng cường giao thương, hợp tác quốc tế. Sinh viên học ngành này cũng đòi hỏi khả năng tiếng Anh thật tốt, vì vậy, tại Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh (UEF), ngành Quản trị khách sạn được đào tạo theo chương trình song ngữ, hơn 50% thời lượng học bằng tiếng Anh. Sinh viên học tập trong môi trường quốc tế, giảng viên nước ngoài tham gia trực tiếp vào hướng dẫn, giảng dạy một số môn học chuyên ngành. Sinh viên được đảm bảo về vấn đề kiến tập, thực tập và việc làm từ mạng lưới liên kết các doanh nghiệp đối tác của nhà trường…
Ngành Thương mại điện tử
Với xu hướng kinh doanh trực tuyến, marketing trực tuyến đang lên ngôi thì ngành Thương mại điện tử cũng được xem là ngành học tiềm năng trong thời đại “thế giới phẳng”, Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh truyền thông UEF cho biết. Hiện có rất nhiều trường ở TP. Hồ Chí Minh đào tạo ngành này như: Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại thương, Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Thương mại, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh… Sinh viên UEF năm trước đã có nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế thú vị khi tham gia vào các chương trình học thực tế cùng Lazada – một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay cùng các thương hiệu kinh doanh online uy tín khác. Ngoài ra, UEF còn có chính sách khuyến khích đầu vào đối với ngành Thương mại điện tử nói riêng và các ngành thế mạnh của trường nói chung bằng chính sách học bổng có giá trị bằng 25%, 50% và 100% học phí.
Ngành Ngôn ngữ Nhật
Theo ông Jacob Heinrich, Trưởng khoa Ngôn ngữ và tiếng Anh, Đại học RMIT Việt Nam, kết quả nghiên cứu thị trường độc lập cho thấy cơ hội việc làm cho người có khả năng sử dụng cả ba ngôn ngữ Việt – Nhật – Anh đang rộng mở vì đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam ngày càng tăng cao. Những vị trí có sử dụng tiếng Nhật thường được trả lương cao hơn so với vị trí tương đương. Nghiên cứu cũng cho thấy nhu cầu về biên dịch và phiên dịch sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt trong thời đại của ứng dụng trên điện thoại di động, tin tức và giải trí trực tuyến. Sinh viên tốt nghiệp cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh – Nhật có thể làm việc ở những vị trí như nhân viên truyền thông, dịch giả các nội dung trực tuyến, dịch giả trong lĩnh vực xuất bản hoặc truyền thông, giáo viên ngoại ngữ, biên dịch phim và các chương trình truyền hình, nhân viên làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cứu trợ, đại sứ quán hoặc lãnh sự quán, nhân viên kinh doanh thương mại, đại lý du lịch, tiếp viên hàng không, cán bộ thương mại hàng hải…
Hầu hết các trường có chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật như RMIT, UEF đều có chương trình giảng dạy đề cao gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng quản lý, phong cách làm việc nhằm tạo cho sinh viên thế mạnh cạnh tranh nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Ngoài ra, sự phát triển đồng thời cả kiến thức chuyên ngành cùng kỹ năng ngôn ngữ và kiến thức về văn hóa là điều mà nhiều tổ chức cũng như công ty đa quốc gia đang tìm kiếm.
- Tường Lam