Bạn đã từng nghe nói về những thắng cảnh như Đại vực Grand Canyon, quần đảo Galapagos và thác Angel Falls (Thác Thiên thần) ở Venezuela; thậm chí vẫn còn có những kỳ quan thiên nhiên ít người biết đến, chẳng hạn như Dòng sông ngũ sắc Cano Cristales ở Colombia và những kỳ tích thiên nhiên khác trên khắp thế giới.
1. Cực quang trên đỉnh núi Kirkjufell
Núi Kirkjufell được biết nhiều nhất nhờ những bức ảnh kỳ vĩ các du khách chụp ảnh được ở nơi đây. Tọa lạc ở bán đảo Snaefellsnes, Iceland, bản thân ngọn núi không có gì ấn tượng sâu sắc cả.
Nó không phải là ngọn núi lớn nhất, cũng không gây chết chóc nhiều nhất, thậm chí cũng không phải là một trong nhiều ngọn núi lửa khiến Iceland nổi tiếng là nơi sản xuất ra một phần ba số lượng dung nham trên thế giới.
Nhưng đây là một ngọn núi đẹp ngoạn mục. Từ quang cảnh vùng Trung Địa cho tới bộ ba thác nước tạo thành dòng suối trong như pha lê chảy xuống chân núi, và trên tất cả, Kirhjufell là một trong những địa danh đẹp nhất để thưởng ngoạn Ánh sáng phương Bắc (tức hiện tượng cực quang).
2. Dòng sông năm màu Cano Cristales
Những người dân địa phương gọi nó là “Dòng sông ngũ sắc”, Cano Cristales thực sự là một thiên đường ẩn giấu. Nằm giữa những dãy núi của Colombia, chỉ có hai đường để đi đến con sông, cả hai đều bằng máy bay.
Những màu sắc của con sông đến từ sự kết hợp của tảo, màu tự nhiên của những hòn đá trên sông và màu của chính dòng nước. Đặc biệt, màu đỏ xuất hiện từ một loại thực vật dưới nước tên Macarenia clavigera.
3. Thác máu trên hồ băng Taylor
Một trong những kỳ quan của Nam cực là hồ băng Taylor Glacier, từ đây chảy ra dòng nước hypersaline giàu chất sắt màu đỏ giữa một vùng băng tuyết màu trắng. Hồ băng đã được nhà thám hiểm Thomas Griffith Taylor khám phá từ năm 1911.
Đầu tiên người ta cho rằng màu đỏ là màu của tảo, về sau mới phát hiện nguyên nhân dòng suối mang màu máu là do một hồ nước mặn cổ xưa nằm ngầm phía dưới sâu khoảng 400m.
4. Những suối nước nóng ở Beppu
Thành phố Beppu ở Nhật Bản là một trong những điểm có nhiều suối nước nóng trên thế giới, với khoảng 2.500 con suối trong khu vực, lớn hàng thứ hai trên thế giới.
Người dân địa phương gọi là “8 địa ngục” vì ở đây có 8 khu vực địa nhiệt, mỗi vùng sản xuất ra một loại suối độc đáo. Địa ngục Hồ Máu (ảnh), tràn ngập với chất sắt.
Một số Địa ngục khác như Địa ngục Núi Quỷ có khoảng 80 con cá sấu; Địa ngục Hồ Trắng chứa acid boric làm cho nước trắng như sữa và Địa ngục Đầu trọc Oniishi là một biển bùn sôi sục giống như những chiếc đầu trọc vươn lên bề mặt.
5. Hồ đốm
Đó là hồ Osoyoos ở Bristish Colombia, Canada. Hồ này chứa 11 loại khoáng chất khác nhau, bao gồm calcium và Magnesium sulfate, một số titanium và bạc.
Các chất khoáng khác nhau này tạo thành những vòng tròn nhiều kích cỡ và màu sắc đa dạng như xanh lá cây, nâu và vàng.
6. Hồ Travertine ở Pamukkale
Pamukkale là một địa danh cổ của thành phố Hy Lạp Hierapolis, tên gọi của nó có nghĩa là “lâu đài bông”.
Ban đầu, những hồ ở đây hình thành từ chất calcium carbonate mềm sau đó đông đặc lại thành travertine. Vì có thành phần calcium cao, nên vùng sườn đồi nhìn trắng như tuyết.
7. Công viên Trương Dịch Đan Hà
Công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà nằm ở miền Tây Nam Trung Quốc, nổi bật với những vùng núi đầy màu sắc gọi là những địa mạo Đan Hà.
Những màu sắc xuất xứ từ sa thạch màu đỏ của những trầm tích khoáng chất thiên nhiên đã hình thành trong 24 triệu năm qua. Mỗi sọc màu hình thành từ một khoáng chất khác nhau.
Qua thời gian, chúng chồng chất lớp này trên lớp khác, kết quả tạo thành những màu sắc đan xen như cầu vồng. Nơi đây đã đươc UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
8. Công viên quốc gia Lencois Maranhenses
Tọa lạc tại vùng Đông Bắc Brazil, công viên này rộng 155.000 mẫu Anh bao phủ hoàn toàn cát, nhưng nó thực sự không phải là một sa mạc dù nó mang một ngoại hình tương tự.
Nó nằm ngay phía ngoài rừng Amazon và đón nhận cùng một lượng mưa như khu rừng này. Khi nước mưa tụ lại giữa các cồn cát, nó hình thành hàng ngàn những vũng phá riêng biệt trải dài đến cuối tầm mắt.
Mỗi một vũng phá có những chức năng như một hệ sinh thái hoàn toàn độc đáo. Đa số đều có cá, đàn cá được mang tới các vũng phá dưới dạng trứng nhờ bọn chim biển. Nhưng vì cát vốn không có các chất dinh dưỡng, nên có rất ít thực vật phát triển ở Maranhenses.
9. Bãi biển Đỏ Bàn Cẩm
Cảnh quan màu đỏ thẫm tuyệt đẹp này nằm ở Trung Quốc, gần thành phố Bàn Cẩm. Nó nằm giữa một vùng đất ngập nước rộng lớn ở đồng bằng sông Liaohe, nhưng đó là phần duy nhất của vùng đất ngập nước có màu sắc rực rỡ này.
Thay vì cát, bãi biển được bao phủ bởi một vùng đất có tính kiềm cao, đây là yếu tố rất cơ bản đối với đa số các thực vật sống ở đó. Nổi bật nhất là Salsa Salsa, một loài rong biển đã hoàn toàn chiếm trên 1,4 triệu mẫu Anh tạo thành Bãi biển Đỏ.
Vào mùa hè, rong biển có màu xanh đậm, đẹp mắt nhưng chưa hẳn ngoạn mục. Đến mùa thu, những cây trưởng thành có màu đỏ rực, biến bãi biển thành một quang cảnh rực rỡ.
Phần lớn bãi biển đóng cửa đối với các du khách nhằm tích cực bảo vệ hệ sinh thái mỏng manh, nhưng vẫn có một khu vực nhỏ mở cửa cho khách du lịch đến tham quan.
10. Hồ Retba
Có một số cái tên đã được đặt cho hồ này, xuất phát từ người dân địa phương và từ các du khách, nhưng về cơ bản tất cả đều có cùng ý nghĩa là “Hồ Hồng”.
Cái tên này có thể chưa phải là một biệt danh sáng tạo nhất, nhưng chắc chắn đó là tên gọi chính xác nhất. Hồ Retba nằm ở Senegal và nó chỉ tách ra khỏi Đại Tây Dương bởi một dải cồn cát mỏng.
Do sự tách biệt về địa lý, một loài tảo gọi là Dunaliella salina đã sinh sôi phát triển trong vùng nước ấm của hồ.
Chỉ tìm thấy ở một vài nơi trên thế giới, tảo Dunaliella là những thực vật ưa muối. Đó là điều thích hợp bởi vì hồ Retba mặn chẳng khác gì Biển Chết.
Để tồn tại trong môi trường mặn như vậy, tảo Dunaliella sản xuất ra một sắc tố màu đỏ cho phép chúng chúng hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn và tạo ra beta carotene, một chất hữu cơ màu đỏ cam đậm, hoạt động như một vật đệm chống lại muối.
Hồ càng mặn hơn (đặc biệt trong mùa khô) thì màu đỏ càng đậm hơn. Đặc biệt, trong suốt mùa khô, hồ mang một màu sắc chỉ có thể mô tả là “đỏ như máu”.