Nhà ga T2 Nội Bài vừa đưa vào hoạt động với hình ảnh là một nhà ga hiện đại nhất Việt Nam, sở hữu lối kiến trúc dạng cánh đi cùng với các ý tưởng phù hợp với xu hướng mới trong thiết kế của ngành hàng không thế giới hiện nay.
Với khuynh hướng hòa hợp với thiên nhiên, tiết kiệm nhiên liệu và thiết kế khác biệt, các nhà ga sân bay trên thế giới hiện nay đã có những sự thay đổi hết sức tích cực góp phần tạo nên những bước phát triển đầy hiệu quả và triển vọng cho ngành vận chuyển hàng không hiện tại và tương lai.
Những người yêu thích điện ảnh cổ điển chắc hẳn không thể quên những hình ảnh vô cùng lãng mạn và đẹp lộng lẫy của nhà ga sân bay xuất hiện trong các khung hình của tác phẩm điện ảnh nổi tiếng Casablanca vốn từng là lý do hình thành câu cửa miệng “Đẹp như sân bay” trước thập niên 1970.
Tuy nhiên sự xuất hiện ồạt của trào lưu hàng không chi phí thấp ngay sau đó đã làm cho những khoảnh khắc tuyệt vời này biến mất trong thực tế, thay vào đó là những hình ảnh đông đúc, chật chội, ngột ngạt, dơ bẩn của những sân bay mang tính thị trường, siêu tiết kiệm, không đầu tư về thiết kế hay tiện nghi phục vụ.
Tuy nhiên, trong 15 năm qua, một thế hệ các nhà ga sân bay mới đã dần xuất hiện với những kiểu kiến trúc hợp lý và hiện tại còn mang cả hình mẫu của những sân bay dành cho tương lai. Khả năng phục vụ tốt nhất cho số lượng hành khách ngày càng gia tăng, nâng cao các yếu tố về an ninh và giá vé thấp không có nghĩa rằng hành khách sẽ có thể chấp nhận những yếu kém khác của sân bay trong khi chờ đợi những chuyến bay tại đây. Tất nhiên, tùy theo nhu cầu cũng như cảm nhận của mỗi cá nhân, hành khách sẽ đánh giá những sân bay được yêu thích của mình theo quan điểm riêng.
Cuộc cách mạng mới
Cuộc cách mạng về thiết kế sân bay thật sự diễn ra vào năm 1991 khi các kiến trúc sư người Anh từ Công ty Foster & Partner lên kế hoạch tái thiết cho sân bay Stansted gần thủ đô London. Cũng giống như mọi thiết kế hiện đại khác, ý tưởng được đưa ra chính là sự đơn giản phù hợp với xu thế di chuyển, bao gồm việc di dời tất cả các dịch vụ không đẹp mắt như bốc vác và vận chuyển hành lý tại mặt đất, tạo nên những không gian di chuyển cho hành khách thông thoáng, những trần nhà cao ráo và nhiều ánh sáng tự nhiên hơn trong các nhà ga.
Năm 1998, sân bay Hongkong trở thành sân bay điển hình trong việc tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong khu vực nhà ga bằng cách loại bỏ những lối hành lang như mê cung, những ánh đèn mờảo và trần nhà thấp, thay vào đó ánh sáng tự nhiên được đưa vào tràn ngập khắp không gian nhà ga từ những cửa sổ lớn. Tiếp đó, những dãy đường băng cất, hạ cánh cũng được sắp đặt một cách thu hút với sự lạc quan rằng, sẽ lấy lại những hào nhoáng từng có của những sân bay thế hệ đầu tiên như Tempelhof ở Berlin hay Le Bourget tại Paris.
Khuynh hướng mới đầu tiên cho các nhà ga sân bay chính là các trần nhà với sự cao thoáng và được trang trí đầy tính nghệ thuật bằng hệ thống ánh sáng đèn và hệ thống điều hòa. Nhà ga T4 tại sân bay Barajas ở Madrid là một hình mẫu cho khuynh hướng mới này với không gian rộng lớn được bao phủ bởi một mái vòm nhấp nhô làm bằng thép và tre tạo cảm giác bồng bềnh được hỗ trợ xung quanh vòng ngoài bởi những cột bay lơ lửng. Nhưng ấn tượng hơn hết là dãy đèn trần tạo nên ánh sáng trắng cho không gian bên dưới và tại các lối đi cho phép hành khách có thể quan sát toàn bộ quang cảnh đông đúc tại các cửa khởi hành trong nhà ga.
Hình dáng của những mái nhà ga cũng được thay đổi theo khuynh hướng những mái nhà nổi – hay ít nhất là tạo cảm giác không quá nặng nề và tràn ngập ánh sáng. Mái nhà cong vút của nhà ga T3 sân bay Dubai trông giống như một con sóng khổng lồ hướng ra bãi biển, hay như nhà ga T3 với hình dáng rồng bay của sân bay Bắc Kinh luôn tạo cảm hứng thật ấn tượng với trần nhà màu cam và cột màu đỏ.
Khuynh hướng hài hòa với thiên nhiên được thể hiện rõ nhất qua sự xuất hiện các khu vườn tự nhiên trong các nhà ga sân bay ngày càng phổ biến. Nổi bật nhất chắc chắn là sân bay Changi của Singapore với những mảng tường thực vật và thác nước có chiều rộng lên đến 300 mét đem đến một tiếp cận thiên nhiên hoàn hảo nhất trong một không gian nhân tạo. Phía bên trên, hàng trăm cửa sổ trời được điều chỉnh đóng mở từ từ tạo nên một dòng ánh sáng đều đặn và ấm áp theo cách thức như với nhịp điệu vẫy cánh của bươm bướm. Vào buổi tối, những bảng đèn thắp sáng tạo nên những hiệu ứng thật rực rỡ. Sân bay cũng nổi bật với vườn xương rồng, vườn hoa lan và vườn hoa hướng dương với các lối tham quan được tạo nên từ hai hàng tre xanh mát.
Không chỉ tập trung vào những thiết kế mang tính giải trí, các khu vực chuyên môn cũng là những thước đo về sự thay đổi mang tính hiện đại của nhà ga sân bay hiện nay, đặc biệt là khu vực kiểm tra an ninh. Đây là khu vực tại các sân bay, có đặc thù là nơi tạo nhiều áp lực nhất cho hành khách nhưng lại rất ít được quan tâm về thiết kế không gian xung quanh. Năm 2008, nhà ga T5 của sân bay JFK New York đã có một động thái tích cực khi xuất hiện nơi đây những dãy ghế dài dành cho việc cởi giày khi qua máy soi chiếu, hay rất nhiều màu sắc và dãy đèn được thiết kế tại khu vực cổng kiểm tra an ninh tạo nên cảm giác nhẹ nhàng hơn cho hành khách trước khi làm thủ tục căng thẳng này. Hay như Terminal 2 của sân bay San Francisco cung cấp một khu vực nghỉ ngơi giống như phòng chờ, giúp hành khách trấn an lại bản thân sau khi làm thủ tục an ninh với những kiến trúc thật nhẹ nhàng.
Khu vực hành lý cũng là đặc điểm mang nhiều thay đổi theo xu hướng mới để tránh tạo cảm giác khô cứng, nặng nề cho hành khách. Tại các khu vực khai báo hành lý của sân bay Richardson ở Winnipeg với 55 cửa sổ trời hình tròn tạo nên sự hoành tráng cho ban ngày và tuyệt đẹp vào ban đêm khi lấp lánh đèn màu xanh như thể hành khách đang lang thang trong dãy thiên hà với những chòm sao tuyệt đẹp.
Bên cạnh đó, những lối đi bộ tại nhà ga Jeppesen của sân bay Denver cũng là một trong những xu hướng thiết kế nổi bật với chức năng kết nối các ga với các phòng chờ. Bằng cách tạo dựng những lối di chuyển cho hành khách bên trên những chiếc máy bay đang lăn bánh phía dưới cho phép họ có thể ngắm cỗ máy vận chuyển hiện đại dưới một góc nhìn mang tính lãng mạn hơn. Và đây chính là cái cách tạo nên sự hội tụ giữa kiến trúc và hàng không để phục vụ những gì mà sân bay phải có như một khoảnh khắc khiến hành khách phải dừng lại chiêm ngưỡng, và cảm giác bay huyền bí và kỳ diệu thêm một lần nữa tại nhà ga.
Năm khuynh hướng thiết kế các sân bay thế hệ mới hiện nay
1. Mang đậm yếu tố văn hóa
Kiến trúc sân bay đang có sự gia tăng đáng kể về điểm nhấn văn hóa, địa lý của quốc gia thông qua sự sắp đặt vị trí các khu vực vận hành, không gian phong cảnh xung quanh hay hình dáng của các tòa nhà. Ví dụ như nhà ga T2 mới vừa hoàn thành trong năm 2014 của Mumbai có hình ảnh như những cung điện với những hàng rào sắt, ánh đèn và những màn trình diễn ấn tượng của nghệ thuật Ấn Độ.
2. Mái nhà có hình dáng khác biệt
Những mái nhà ga có hình dáng không bình thường đang trở thành một yếu tố thịnh hành. Điển hình như mái vòm đa chức năng lấy từ cảm hứng chiếc lều Bedouin của nhà ga quốc tế của Amman hay mái nhà lượn sóng nổi bật giữa những đụn cát sa mạc của sân bay Hamad tại Doha.
3. Sử dụng tối đa công nghệ kỹ thuật số
Đó là sự xuất hiện của nhiều màn hình rộng lớn, những thiết bị tương tác và hệ thống ánh sáng kết nối cảm xúc là những công nghệ kỹ thuật số đang rất được ưa chuộng tại các nhà ga sân bay hiện đại.
4. Hòa hợp với hơi thở cuộc sống dân cư đô thị
Dựa trên khảo sát, người dân tại các quốc gia phương Đông thích lựa chọn nơi định cư tại các khu vực sân bay. Vì vậy sự xuất hiện của các đại lộ hoành tráng, những khu mua sắm công cộng, những khu giải trí và những khu vực bảo tàng đa dạng trong các khu vực của sân bay đang là khuynh hướng phổ biến. Dubai World Central Airport là một điển hình với sự hiện hữu hẳn một khu dân cư sinh sống cùng các tổ hợp thương mại đi cùng.
5. Nâng cao tính giải trí tại không gian dành cho khách thương gia
Sự khác biệt đang là mốt thời thượng tại các phòng chờ dành cho khách hạng thương gia ở các sân bay trong cả hai yếu tố tiện nghi lẫn thiết kế. Phòng chờ cho khách hạng thương gia mới của Hãng hàng không Turkish tại sân bay Istanbul là một ví dụ nổi bật với một vườn trà, rạp chiếu phim và thư viện sách được bao bọc bằng một lối kiến trúc giống như tòa nhà giải trí.