Chi phí này thậm chí còn giảm đến 70%, do chỉ phải trả lãi suất vay ưu đãi xấp xỉ mức lãi suất huy động mà thôi. Quá trình giảm lãi suất đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp giảm giá thành sản xuất, hạ giá bán, từ đó giúp tăng sức mua trên thị trường. Đặc biệt, chính sách tín dụng giá rẻ dành cho năm lĩnh vực ưu tiên đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, duy trì sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, dù vẫn còn nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ, số doanh nghiệp mới thành lập đã lớn hơn số doanh nghiệp ngưng hoạt động hay giải thể. Chín tháng đầu năm, cả nước có 58.231 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong khi chỉ có 42.459 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay có gần 20 ngàn doanh nghiệp được cấp phép thành lập, gần 27 ngàn doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn và lĩnh vực ngành nghề kinh doanh.
Mức độ lạc quan của các doanh nghiệp thể hiện qua chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của HSBC trong tháng 9, đạt 51,5 điểm (tháng 8 chỉ là 49,4 điểm). Con số này đạt được nhờ kinh tế thế giới được cải thiện, tăng nhu cầu về hàng nhập khẩu, điều này giúp đơn đặt hàng xuất khẩu mới của các doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh. Việc gia tăng hoạt động xuất khẩu giúp cho kim ngạch xuất khẩu nước ta trong chín tháng đầu năm nay đạt mức 96,4 tỉ USD. Xuất khẩu tăng trưởng ổn định giúp cho thâm hụt thương mại trong chín tháng chỉ là 124 triệu USD. Với một thị trường ngoại hối ổn định, cộng thêm nguồn kiều hối dồi dào, thì việc đạt được thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay là gần như chắc chắn. Theo dự báo mới nhất được công bố trong báo cáo tóm tắt về Di cư và Phát triển của Ngân hàng Thế giới, định chế này ước tính trong năm 2013 nước ta có thể nhận được 11 tỉ USD kiều hối, là một trong số 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Khi các đơn hàng tăng lên, các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, sẽ có thêm nhiều việc làm mới. Điều này giúp chỉ số việc làm đã tăng ba tháng liên tiếp, trong đó tháng 9 tăng lên 53,8 điểm (từ mức 52,1 điểm trong tháng 8). Chỉ số việc làm tăng có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tăng thu nhập cho khu vực dân cư, từ đó tác động tích cực tới tiêu dùng, qua đó thúc đẩy nhu cầu trong nước, kéo theo sản xuất phát triển… Dĩ nhiên, những điều này chưa thể đến ngay lập tức, thể hiện ở chỗ tổng doanh số bán lẻ chưa tăng, nhưng vẫn đang ở mức ổn định và dự báo sẽ hồi phục vào cuối năm.
Chưa hết, nhờ áp dụng chính sách tín dụng và lãi suất ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nên các ngân hàng đảm bảo ổn định được nguồn thu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh cho các khoản vay gần đây. Mức độ nợ xấu chung của các tổ chức tín dụng trước đây tăng là do hậu quả của các khoản vay cho đầu tư, đầu cơ vào các lĩnh vực phi sản xuất, bất động sản… Nay, khi tập trung vào cho vay sản xuất kinh doanh, tình trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được cải thiện. Việc hướng dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh thời gian qua không chỉ giúp duy trì sự phát triển trong điều kiện kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn mà còn đưa vốn đến đúng địa chỉ. Việc điều chuyển vốn từ chỗ thừa sang chỗ thiếu đã giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, tăng trưởng bền vững, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý nợ xấu.
Minh Hằng