Jordan Peele nổi lên như một nhà làm phim thử nghiệm độc đáo với những tác phẩm không giống như bất kỳ phim gì chúng ta được xem trước đó. Kể từ Get Out, Us và tới nay là KHÔNG (tựa gốc: NOPE), Peele đem đến bom tấn hè khoa học viễn tưởng kết hợp kinh dị, mở ra những hướng thảo luận cho khán giả mà thậm chí họ còn chưa từng nghĩ tới.
Ê kíp toàn các tên tuổi đình đám Hollywood
KHÔNG do Jordan Peele viết kịch bản và đạo diễn. Phim được sản xuất bởi Ian Cooper (Us, Candyman) thông qua công ty Monkeypaw Productions. Điều hành sản xuất của phim là Robert Graf (Bombshell, No Country for Old Men, True Grit) và Win Rosenfeld (Hunters, BlacKkKlansman).
Ngoài tài tử từng đoạt Oscar – Daniel Kaluuya và chủ nhân của giải Emmy – Keke Palmer, trong phim còn có sự góp mặt của các diễn viên Wrenn Schmidt (For All Mankind), Barbie Ferreira (Euphoria), Terry Notary (The Square), Devon Graye (I Don’t Feel at Home in this World Anymore), chủ nhân giải thưởng Daytime – Emmy Donna Mills (Knots Landing), Osgood Perkins (đạo diễn của Gretel & Hansel) và Eddie Jemison (loạt Ocean’s 11) …
Đội ngũ sáng tạo tài hoa phía sau ống kính của KHÔNG gồm có Quay phim Hoyte Van Hoytema (Dunkirk, Let the Right One in), Thiết kế sản xuất Ruth De Jong (Twin Peaks, Manchester by the Sea), Giám sát VFX từng giành giải thưởng Oscar Guillaume Rocheron (1917, Life of Pi), Biên tập Nicholas Monsour (Us, Action Point), Thiết kế phục trang Alex Bovaird (The White Lotus, American Honey). Tác phẩm hứa hẹn là màn trình diễn tuyệt hảo về hình ảnh, cùng nhạc phim ấn tượng từ nhạc sĩ Michael Abels (Bad Education, Get Out).
Bom tấn giải trí kết hợp phê phán xã hội
Từ ngoài nhìn vào, KHÔNG dường như hội tụ đầy đủ yếu tố của một bom tấn: bối cảnh hoành tráng, nhiều tình tiết gay cấn, những cú jump scares thót tim,…Và đặc biệt là có sự xuất hiện của sinh vật ngoài hành tinh – chủ đề gợi nhắc về những tác phẩm kinh điển mà Steven Spielberg từng đem đến màn ảnh. Một “đám mây” kỳ quái xuất hiện đầy nguy hiểm, nó luôn hiện diện ở đó, ẩn mình trên bầu trời, lặng lẽ theo dõi từng bước. Đây chính là một trong những yếu tố đầu tiên lôi cuốn người xem khi bước vào thế giới của KHÔNG.
Tuy nhiên khi khán giả bước ra khỏi rạp, Jordan Peele gieo vào đầu họ những tầng ý nghĩa sâu xa hơn. Từng lớp từng lớp của biểu tượng và ý nghĩa ẩn chứa bên dưới bề mặt của bộ phim này là món quà mà những người xem KHÔNG có lẽ cũng không ngờ họ được nhận. Có phải Peele cố ý chọn dàn diễn viên hoàn toàn là người da màu làm nhân vật chính để chiến đấu với mối đe dọa ngoài hành tinh không? Phải chăng bộ phim khắc họa sự ám ảnh của xã hội hiện nay với việc nhìn thấy những cảnh tượng ngoạn mục trên truyền thông – thứ mà chính chúng ta tạo ra và tiêu thụ?
Có cả một kho tàng chủ đề được đan cài mật thiết vào bộ phim này. Mọi cảnh, mọi điểm tựa hình ảnh và mọi chi tiết cốt truyện đều được Peele xây dựng một cách cẩn thận. Mỗi yếu tố đều đóng một vai trò trong việc truyền tải một ý nghĩa, thông điệp lớn hơn. Cây bút Mike Ward cho rằng: “KHÔNG là một bản phân tích công phu về vị trí của chúng ta với tư cách là một nền văn hóa, trong một thế giới mà mọi thứ đều trở nên to lớn và mang tính hệ quả. Peele cho rằng bản chất tập thể của con người là phủ nhận, xoay trục, định vị và bỏ ý nghĩa qua một bên, đó là điều cực kỳ có vấn đề. Mối nguy cho xã hội có thể đến từ tiềm tàng bên trong, thay vì một vật thể bay không xác định trên bầu trời”.
Quay phim kỳ công, chỉn chu và đầu tư kỹ lưỡng
Một trong những điều khiến KHÔNG trở nên khác biệt là kỹ thuật quay và biên tập “bậc thầy” phim được sử dụng trong mỗi cảnh. Bộ phim là màn trình diễn của Hoyte van Hoytema cùng máy quay IMAX. Rộng lớn và choáng ngợp là những gì Jordan Peele và Hoytema hướng đến khi thực hiện KHÔNG, do đó khung hình lớn của IMAX cho phép bắt lại toàn bộ cảm giác rợn ngợp cần thiết. Hơn 40% thời lượng của KHÔNG được ghi hình bằng máy quay IMAX và 100% các cảnh quay đều được thực hiện với phim khổ lớn 65 mm. 4 máy quay IMAX đã được sử dụng phục vụ cho quá trình quay phim.
Đặc biệt trong phim, các cảnh ban đêm lại được ghi hình vào ban ngày do không đủ ánh sáng tại thung lũng để ghi hình trong đêm. Đây chính là thủ pháp day-for-night mà Hoytema vận dụng từ các tác phẩm Hollywood trước đó và hoàn thiện trong KHÔNG.
Trong phim, người xem sẽ nhận ra một số phân cảnh được cắt nhanh tới màn hình đen, trước khi cao trào diễn ra. Điều đó khiến người xem có thời gian để hồi hộp, trông chờ đến mức nghẹt thở. Nhiều bộ phim kinh dị lạm dụng các phân cảnh xây dựng hồi hộp hoặc các cú cắt nhanh để tạo ra sự mong đợi và tò mò. Kết quả cuối cùng là sự căng thẳng bị loãng đi trong suốt bộ phim. Tuy nhiên trong KHÔNG, các phân cảnh cao trào được tính toán chiến lược khiến tổng thể tác phẩm sáng tạo trong vai trò một phim kinh dị, giật gân.
Bộ phim lấy cảm hừng từ Steven Spielberg và M. Night Shyamalan
Cân bằng tuyệt vời giữa nỗi sợ hãi và sự kinh ngạc, KHÔNG có quy mô lớn hơn bất kỳ tác phẩm nào mà Jordan Peele từng làm trước đó. Nhà làm phim tài ba cho biết cảm hứng của bộ phim đến từ những “cây đa cây đề” trong thể loại khoa học viễn tưởng, kinh dị như Steven Spielberg (chủ nhân của phim Close Encounters of the Third Kind) hay M. Night Shyamalan (đạo diễn phim Signs). Peele cho biết: “Close Encounters of the Third Kind” đã có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi về quy mô và hình ảnh. Chính Steven Spielberg là người khiến chúng ta tin rằng có sự hiện diện của một thứ gì đó tới từ thế giới khác trong chính thế giới của chúng ta”.
Bối cảnh hoành tráng: Dựng sân vận động 938 chỗ ngồi trong 14 tuần
KHÔNG lấy bối cảnh vùng thung lũng Santa Clarita khô cằn và lởm chởm đất đá nơi hai anh em OJ Haywood (Daniel Kaluuya) và Emerald Haywood (Keke Palmer) đã được thừa kế một trại ngựa do cha để lại. Họ sống trong một căn nhà gỗ hai tầng giản dị, bao quanh là trại ngựa, cát và gió đặc trưng của vùng viễn Tây. Và gần đó là Jupiter’s Claim – một công viên chủ đề được sở hữu và vận hành bởi Ricky “Jupe” Park (Steven Yeun) – cựu ngôi sao nhí từng bị những câu chuyện đăng tải trên báo lá cải đeo bám. Điều đáng chú ý đó là toàn bộ thị trấn bao gồm cả công viên chủ đề đều hoàn toàn được dựng lên, thay vì quay tại địa điểm sẵn có.
Thiết kế sản xuất Ruth De Jong trước đó đã từng hợp tác với đạo diễn Peele trong Us, và khi thống nhất sẽ lựa chọn một thị trấn miền Tây làm bối cảnh cho KHÔNG, họ đã xác định rằng mình sẽ phải dựng lên tất cả mọi thứ. “Phim không có quá nhiều cảnh quay nhưng tất cả chúng đều rất quan trọng. Tôi đã bắt đầu công việc của mình bằng cách đi khắp các thị trấn quanh California, Montana, Nevada, Arizona cũng như xem rất nhiều bộ phim về miền Tây như “Heaven’s Gate” và “Once Upon a Time in the West”, quan sát rất nhiều bối cảnh trong các bộ phim đó và nhận ra chúng tôi không mong muốn dựng lên một không gian truyền thống cho KHÔNG. Thế giới của KHÔNG sẽ vừa mang nét đặc trưng của miền Tây trong quá khứ lại vừa mang dáng vẻ của thời hiện đại nhiều màu sắc.”
Thị trấn trong phim được dựng chi tiết gồm có: văn phòng cảnh sát trưởng, vườn thú cưng, tàu chạy bằng hơi nước, cửa hàng kẹo, tiệm tạp hóa, tiệm cắt tóc, bưu điện, quán rượu, công ty da, trạm cứu hỏa, nhà thờ, nghĩa trang và một sân vận động hình móng ngựa có tới 938 chỗ ngồi. Jupiter’s Claim là một trong số những điểm nhấn giúp cho KHÔNG trở nên khác biệt so với các phim kinh dị khác. Công viên giải trí và sân vận động của nó đã mất tổng cộng tới 14 tuần để xây dựng.
Trong khi đó, ngôi nhà của hai anh em nhà Haywood cũng tốn không ít thời gian và tâm sức để xây dựng. De Jong cho biết: “Mục tiêu của tôi khi thiết kế và dàn dựng nên ngôi nhà chính là không gian nơi đây phải khiến khán giả cảm thấy như thể họ hiểu được tại sao gia đình Haywood lại sống ở đây, họ đã sống như thế nào, lịch sử của ngôi nhà này và những người từng sống ở đây trước đó.” Nhóm thực hiện đã mất tới 10 tuần để dựng nên ngôi nhà mang phong cách farmhouse gồm 2 tầng này.
KHÔNG (tựa gốc: NOPE) hiện đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.