Trên sân trường rất nhiều lá rụng. Những chiếc lá khô được gom lại từng đống ở góc này góc kia. Mỗi đêm đám học trò trực trường thay nhau ôm lại trước sân cờ đốt lên un muỗi. Mùi thơm của lá khô cháy hòa lẫn mùi cay nồng của khói tạo cảm giác ấm áp, vui vui.
Có hôm bọn chúng xếp mấy viên gạch, kiếm thêm mấy nhánh cây khô đâu đó bắc lên nồi cháo, nồi bánh canh khuya ăn cho đỡ đói sau một hồi quậy phá hết hơi hết sức. Đó chính là một trong những công tác lao động dành cho học sinh những năm tháng đó. Nhắm mắt lại, hình ảnh cô trò ngồi bên đống lửa, chuyện trò cười nói hiện ra rõ ràng, tươi rói như mới hôm qua. Vậy mà đã ba mươi năm. Ừ ba mươi năm rồi lớp học trò của tôi ngày ấy đã rời khỏi mái trường. Bữa tiễn biệt đầy nước mắt giữa sân cờ, cô trò ôm nhau hẹn mỗi năm một lần gặp mặt, một lần quay lại mái nhà xưa cùng bạn bè và cô giáo cũ.
Ba mươi năm qua, mỗi mùng Ba Tết, cái “Lớp mình” thân yêu ấy vẫn giữ tròn ước hẹn. Những năm đầu, chúng ồn ào trở về, vẫn còn trắng tay. Càng về sau càng thưa dần nhưng bao giờ cũng có một nhóm họp mặt tại nhà cô. Biết làm sao được, lòng chúng vẫn không quên nhưng công việc, gia đình… bao nỗi lo toan, bận bịu của tuổi trưởng thành, bao ràng buộc nghiệt ngã của cuộc sống… Mỗi lần gặp lại nhìn quanh một vòng, cô trò tuy có chút ngậm ngùi về sự trống vắng nhưng tận trong lòng, chúng tôi đều biết những đứa vắng mặt vẫn chưa hề quên, dù cách xa, bận bịu tâm hồn chúng vẫn hướng về nhau, về một thời thanh xuân rực rỡ đọng hoài trong ký ức. Cứ vậy mà trong câu chuyện rôm rả của những người ngồi đây, những cái tên bạn bè luôn được nhắc đến với sự trìu mến, thương yêu. Và, những lúc như thế, tôi cảm thấy mình vô cùng hạnh phúc khi có một “Lớp mình” vẫn chưa quên điều gì!
Những năm sau này, nhiều đứa đã ổn định cuộc sống, ăn nên làm ra, có danh phận địa vị nên trở về họp lớp đông hơn, có đứa dẫn theo cả vợ con khiến lớp thêm vui. Vui hơn nữa là rải rác đã có đứa trong đám học trò cũ đã bắt đầu cưới vợ, gả chồng cho con để lên chức “ông sui, bà sui” sớm khiến mỗi lần cô giáo được mời đi tiệc cưới của mấy học trò cháu kia mà cảm nhận đúng là thời gian qua rất nhanh, hình ảnh “Bóng câu qua cửa sổ” mà mình từng dạy ở lớp ngày xưa quả đã hiện thực hóa trong cuộc đời rồi!
Mỗi lần nhìn lại đám học trò cũ, tôi lại nhớ về những năm tháng khắc nghiệt tưởng khó bề vượt qua. Những buổi sáng lên lớp bụng đói, chân run, những buổi chiều họp hành người mệt rã, bước chân chệnh choạng, những lời giảng nói ra miệng rào rào mà như trong mơ… Rồi thời mở cửa, một số đồng nghiệp tôi bỏ nghề đi làm kinh tế mong ước đổi đời. Bục giảng chao đảo, lòng người chông chênh. Không hiểu sao tôi vẫn tiếp tục bám chặt trường lớp? Do truyền thống gia đình chăng? Hay do bản thân tôi nhát gan? Chỉ biết mỗi tiết học, nhìn xuống đám học trò bên dưới, đứa nào cũng mặt mày tươi tỉnh, cũng đồng phục áo trắng quần xanh. Giờ ra chơi đứa nào cũng hò hét, nghịch phá như quỷ. Vậy mà tôi biết mỗi đứa con mình, mỗi đứa một hoàn cảnh, một tâm trạng riêng, có khi cũng thắt ngặt vô cùng. Ưu thế của tuổi trẻ là vậy, sức sống của thời thanh xuân ấy thật mãnh liệt biết mấy! Nhiều lần theo học trò đi trực đêm, bên ánh lửa bập bùng, trong mùi lá đốt thơm nồng tôi đã gỡ ra nhiều vướng mắc, nhiều nỗi niềm của chúng. Và càng hiểu sâu về học trò, về những ngóc ngách trong lòng chúng, tôi càng thấy mình không thể bỏ cuộc, không thể rời xa cái đám “nhất quỷ, nhì ma…” này. Bởi bọn chúng cũng khó khăn, thắt ngặt có kém gì tôi nhưng tất cả, tất cả những nỗi cùng cực đó vẫn không hề bẻ gãy niềm vui sống, sự hồn nhiên tuổi trẻ. Để rồi cứ thế mà chúng vượt qua, vượt qua…
Còn nhớ khi học trong trường sư phạm, một vị thầy già đáng kính của chúng tôi thường nói: “Thầy không hề được học một ngày nào trong trường sư phạm mà làm nghề giảng dạy mấy chục năm là một may mắn của thầy. Các anh chị chớ quên mình đã chọn nghề này. Phải “tận nhân lực” mới xứng đáng với nghề”. Nhớ lời thầy, tôi cứ băn khoăn hoài về cái ý “tận nhân lực” ấy. Vậy là hết niên học này đến niên học khác, tôi vẫn đứng trên sân trường, tiễn đưa từng lứa học trò ra trường, từng cánh chim tung bay vào bầu trời rộng mở, chỉ mình tôi ở lại với những khung cửa khép, những gốc cây già lặng lẽ nơi góc sân. Chính lúc đó hình như tôi nghiệm ra được cái lẽ “khép, mở” của ngôi trường. Cổng trường mở rộng cho những cánh chim bay đi nhưng không hề để mất chúng. Bởi nơi đây vẫn lưu giữ một thời đẹp đẽ, một tuổi xuân thì “hồ dễ mấy ai quên”. Và chưa hết, hằng năm, hằng năm, từng cánh chim bay ra khỏi tổ là biết bao đàn chim khác lại tìm về, sống những ngày đầm ấm, hạnh phúc dưới mái trường ấm êm như sống trong lòng chiếc tổ lớn đầy ắp thương yêu. Mở mà vẫn khép, khép mà vẫn mở, cứ triền miên vô tận như nước lớn nước ròng, như mưa mưa, nắng nắng vậy thôi.
Và rồi, hơn ba mươi năm đứng trên bục giảng, tôi rời khỏi ngôi trường trong tâm thế thanh thản, yên bình. Bởi tôi biết, trường xưa vẫn đó, trò cũ vẫn còn đây, tất cả, tất cả đã nằm trong một góc tim, một đời ghi khắc mãi không phai. Từ những điều cảm nhận kia, mỗi lần nghĩ về trường lớp, về những tháng năm qua, tôi rất muốn nói với các học trò của mình rằng: Ơi những học trò thân yêu! Các em như những cánh lá trên sân trường, rất mỏng manh mà cuộn lòng rất chặt khiến tôi an lòng một đời gắn bó với phấn bảng, với trường xưa.
Xem thêm: