Để có được vị trí như ngày hôm nay, cường quốc thời trang Nhật Bản được xây dựng bởi những nhân tài không chỉ đóng góp cho thời trang nước nhà mà còn góp phần thay đổi cả lịch sử thời trang thế giới.
Đầu tiên phải kể đến cuộc hành trình Tây tiến của bộ ba Yohji Yamamoto – Rei Kawakubo – Issey Miyake. Chuyến đi với sứ mệnh mang chuông đi đánh xứ người quả thật không đơn giản. Châu Âu thời bấy giờ biết Nhật Bản qua chiến tranh, một quốc gia bại trận và trở nên trắng tay. Vì vậy sứ mệnh này bắt buộc phải thành công để lấy lại sĩ diện và niềm tự tôn dân tộc.
Phản ứng của Paris rất tích cực. Tại kinh đô thời trang bậc nhất thế giới đang đắm chìm trong những chiến thắng, và dường như trì trệ trong hào quang quá khứ, thì bỗng dưng những con người bé nhỏ đến từ một quốc gia châu Á xa xôi mang đến một làn gió mới cho thời trang. Vậy hành trang đến Paris của ba nhà thiết kế kia là gì?
Họ có chung một niềm tự hào dân tộc, một nền tảng văn hóa đậm đà bản sắc và từ đó nhào nặn thành chất riêng của chính mình. Hãy thử tưởng tượng người Pháp đã bị sốc như thế nào khi họ vốn quen thuộc với những thiết kế cổ điển tôn trọng cơ thể người thì bỗng dưng xuất hiện một thứ thời trang kỳ quặc hoàn toàn khác xa với những gì họ đã thấy. Không tuân thủ một quy tắc hay công thức may mặc nào, cũng chẳng hề quan tâm nó có tôn lên đường nét con người hay sử dụng những dụng cụ và kỹ thuật hoàn toàn mới.
Đây có thể là một cú sốc nhưng đó là điều tích cực bởi nó như một hồi chuông thức tỉnh Paris thức dậy sau giấc ngủ dài trong chiến thắng.Hiện nay, bộ ba chỉ còn hai người còn hoạt động trong thời trang đó là Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo với thương hiệu Comme des Garçons. Dĩ nhiên sự nghiệp của họ có những thăng trầm nhưng cho đến hiện tại, họ vẫn là những con người được cả thời trang thế giới kính trọng.
Có một người Nhật khác mà ngành công nghiệp thời trang phải kính nể đó là ông chủ của hãng thời trang Uniqlo – Tadashi Yanai. Thực ra Uniqlo tiếng Anh là “unique clothing” đọc theo ngữ âm của người Nhật, có nghĩa là quần áo độc đáo. Cửa hàng đầu tiên của Uniqlo được mở năm 1984 tại Hiroshima, một địa danh lịch sử không chỉ của Nhật Bản mà còn là của thế giới. Trong vòng 40 năm, Tadashi Yanai đã gặt hái được thành công và trở thành người giàu nhất Nhật Bản và lọt vào top 100 người giàu nhất thế giới cũng như top 50 người ảnh hưởng nhất thế giới năm 2012.
Nói về thời trang thì Uniqlo không có những sáng tạo độc đáo mang sức ảnh hưởng đến thời trang giống như Yohji Yamamoto hay Rei Kawakubo. Nhưng thế mạnh của Tadashi Yanai đó là ông biết những hạn chế và thế mạnh của mình, biết đánh vào đối tượng số đông và thu lại lợi nhuận khổng lồ. Có thể nói ông là cha đẻ của dòng thời trang nhanh của Nhật Bản.
Hiện tại, Uniqlo không chỉ được ưa chuộng tại Nhật Bản mà còn được châu Âu, Mỹ hay những thị trường thời trang sôi động với hàng trăm cửa hàng. Song song với dòng thời trang cho người lớn, Uniqlo cũng cho ra dòng thời trang cho trẻ em và dòng cao cấp hơn mang tên J+ được thiết kế bởi bà hoàng Minimalism Jil Sander. Mặc dù J+ rất có tiềm năng cũng như được các tín đồ thời trang yêu thích nhưng buộc phải ngưng hoạt động.
Và không chỉ dừng lại ở đó.Ở ngoài kia có đến hơn 50 thương hiệu đến từ Nhật Bản được toàn thế giới ưa chuộng như Evisu, Junya Watanabe, Visvim, Undercover… tạo nên sự đa dạng cho thời trang Made in Japan cũng như là niềm tự hào của một đất nước châu Á so với những cường quốc khác trên thế giới.