200 bức ảnh lọt vào chung kết cuộc thi “Portrait of Humanity” (Chân dung Nhân loại) được chụp trước khi cách ly vì Covid-19 là chứng cứ xác thực loài người có thiên hướng “thống nhất và đoàn kết” hơn là phân chia.
200 bức ảnh sẽ được đăng trong một ấn phẩm đặc biệt do nhà xuất bản Hoxton Mini Press phát hành, và đến tháng 9, 100 bức ảnh chiến thắng sẽ được trưng bày trên trang web của ban tổ chức, trong đó có bức ảnh đầu tiên được chụp trên độ cao 11.000 ft hợp tác với công ty Sent Into Space. Là sáng kiến của tổ chức 1854 Media, cuộc thi năm nay có các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư từ 36 quốc gia tham dự.
Sau đây là 20 bức ảnh đại diện và bộc bạch của những người chụp chúng:
Greta Thunberg (do Eric Demers chụp tại tại Montreal, Canada)
“Từ khi còn ngồi ghế trung học, cô nữ sinh Greta Thunberg đã nổi lên như nhà hoạt động tích cực của phong trào chống thay đổi khi hậu và bảo vệ môi trường trên quy mô toàn cầu. Khi Greta thông báo cô sẽ đến thành phố Montréal để dự một cuộc tập trung, các nhà quan sát tin rằng cô sẽ thu hút đông đảo người đến dự. Và quả đúng như thế, 500.000 người đã có mặt và đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất trong lịch sử Canada. Tôi chụp bức ảnh này với tư cách một fan hâm mộ của cô” – nhiếp ảnh gia Eric Demers nói.
Maxim (do Vivek Vadoliya chụp ở thủ đô London, Anh)
“Maxim 16 tuổi bị thiểu năng trí tuệ đã trở thành hội viên của câu lạc bộ ngựa Ebony (Ebony Horse Club) ở thị trấn Brixton, London, Anh cách nay 5,5 năm dù cậu chưa hề biết gì về ngựa. Được sự giúp đỡ của các hội viên khác và đặc biệt là “sự kết nối bí ẩn giữa ngựa và người”, sức khoẻ của cậu hồi phục đáng kể. “Câu lạc bộ giống như một gia đình ấm cúng và ai cũng muốn làm điều gì dó tốt đẹp cho cậu bé” – nhiếp ảnh gia Vivek Vadoliya nói.
Swimmers (do Attilio Fiumarella chụp ở thành phố Birmingham, Anh)
“Hai trăm tay bơi đã tập trung tại hồ bơi đã tháo nước của Trung tâm nước Moseley Road Baths. Được khai trương vào năm 1907 nhưng năm 2015, Hội đồng thành phố Birmingham tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn trung tâm. Mới đây, Quỹ bảo tồn Di tích thế giới (World Monuments Fund) đã đưa trung tâm vào danh sách xem xét lại, dẫn đến hy vọng hồ bơi sẽ được duy tu và hoạt động trở lại” – nhiếp ảnh gia Attilio Fiumarella nói.
Dancing Halmonis (do An Rong Xu chụp ở thành phố New York, Mỹ)
“Các phụ nữ lớn tuổi này thuộc về một đoàn múa chuyên nghiệp thường biểu diễn giúp vui cho cộng đồng người Mỹ gốc Hàn ở Queens, thành phố New York. “Họ là những vũ công đã lên chức bà nhưng vẫn xem múa là niềm đam mê không thể thiếu trong cuộc sống” – nhiếp ảnh gia An Rong Xu nói.
The Life Room (do Jooney Woodward chụp tại Royal Academy of Art, London, Anh)
“Joe là một dược sĩ. Tôi chụp bức ảnh này tại Viện Nghệ thuật Hoàng gia với sự đồng ý của anh. Đây là phòng khách của Royal Academy, nơi lưu giữ những di tích lịch sử và truyền thống” – nhiếp ảnh gia Jooney Woodward nói.
My Grandmother On Her Bed (do Lidewij Mulder chụp ở thị trấn Haren, Hà Lan)
“Cụ cố của tôi đã 82 tuổi nhưng đối với tôi bà giống như một người bạn. Trông bà vẫn trẻ trung, minh mẫn. Chính bà đã dạy tôi những bài học để trở thành một phụ nữ độc lập, không quá lệ thuộc vào người khác. Bà đã chiến đấu cho sự bình đẳng nam nữ từ lúc còn rất bé” – người chụp ảnh Lidewij Mulder nói.
Closer to Heaven (do Mauro De Bettio chụp ở thành phố Tigray, Ethiopia)
“Keshi Assefa Hagos là một linh mục Công giáo tại nhà thờ Abuna Yemata Guh kiến trúc độc đáo. Ông tin rằng đây là nơi thích hợp nhất trên trái đất để dâng lời cầu nguyện. Nhà thờ đá nguyên khối (monolithic church) nằm trên đỉnh một hòn đá 4 phía rất dốc và chỉ có thể đi lên vào bằng đường bộ độc đạo” – nhiếp ảnh gia Mauro De Bettio nói.
Iggy Pop (do Antoine Veling chụp tại thành phố Sydney, Úc)
“Thần tượng nhạc Punk Iggy Pop cởi trần biểu diễn tại nhà hát Sydney Opera House và những fan hâm mộ phấn kích lên sân khấu cùng nhảy múa theo lời mời của ông” – nhiếp ảnh gia Antoine Veling nói về bức ảnh
Jason (They/Them) do Ross Landenberger chụp tại thành phố New York
“Tôi gặp Jason trên một diễn đàn internet chuyên về lướt ván vào năm 2006. Chúng tôi phải chọn không gian ảo để thể hiện mình vì bị phân biệt giới tính và chống đồng tính trong thể thao. Tôi và Jason đều muốn lướt ván trở thành môn thể thao dành cho mọi người, không phân biệt xu hướng tình dục của họ” – nhiếp ảnh gia Ross Landenberger nói.
Abdullah (do Marko Risovic chụp ở thị trấn Bihac, Bosnia-Herzegovina)
Abdullah đến từ Afghanistan, là nhân vật chính trong bức chân dung chụp ông tại một nhà máy bỏ hoang, nơi hàng ngàn người tị nạn phải sống trong những lều tạm. “Ông mất 2 đứa con trong cuộc chiến giữa các thị tộc tại quê hương mình và phải đưa gia đình đi lánh nạn. Abdullah mơ có ngày được đến một đất nước an toàn và hạnh phúc để ôm 3 đứa con gái và cậu con trai còn sống mà không sợ thần chết rình rập” – nhiếp ảnh gia Marko Risovic nói về nhân vật của mình.
Woman of Steel (do Kathryn MacPhee chụp tại Dhaka, Bangladesh)
“Người phụ nữ khắc khổ này thuộc số hàng triệu người bị buộc phải rời bỏ nơi sinh sống của họ tại vùng nông thôn Bangladesh để lên thủ đô tìm kiếm việc làm. Nhà của bà nằm gần đường ray xe lửa” – nhiếp ảnh gia Kathryn MacPhee nói.
Amber (do Justine Tjallinks chụp tại thị trấn Diepenbeek, Bỉ)
“Đây là bé Amber Vanderweert 13 tuổi bị chứng bệnh progeria cực hiếm khiến cơ thể em lão hoá rất nhanh. Amber chỉ cao có 1,15m và cân nặng chưa đến 15kg. Nhưng cô bé lại khôn trước tuổi và khá thông minh. Không lâu sau khi mẹ tôi mất vì căn bệnh tương tự khi bà còn tương đối trẻ, tôi xem được một bộ phim tài liệu về Amber và tìm đến em. Giữa hai chúng tôi có một sự liên kết không thể giải thích được. Tôi xin phép gia đình Amber cho phép tôi chụp bức ảnh này và họ đồng ý” – nhiếp ảnh gia Justine Tjallinks kể lại.
Train (do Charlotte Sverdrup chụp trên chuyến xe lửa từ Hội An đi thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam)
“Bạn tôi và tôi ngồi trên toa xe giường nằm và bỏ ra hơn 20 giờ cho cuộc hành trình thú vị. Tôi chụp bức ảnh này khi đã đi được nửa đoạn đường và chân của bạn tôi đong đưa từ chiếc giường đối diện phía trên giường tôi” – người chụp ảnh Charlotte Sverdrup nói.
Xueli (do Brock Elbank chụp tại công viên Honor Oak Park, London, Anh)
“Mẹ của Xueli tiếp xúc với tôi để nhờ tôi chụp loạt ảnh chân dung con gái bà vị bệnh bạch tạng. Xueli sống tại Hà Lan nhưng đến từ Trung Quốc. Cô có thị lực rất giới hạn và mắt cô không chịu đựng được ánh sáng. Nhưng ánh sáng làm cho mái tóc và da của Xueli rất độc đáo. Cô bé 14 tuổi này có mái tóc đẹp nhất tôi từg thấy” – nhiếp ảnh gia Brock Elbank nói.
Muscle Men (do Maureen France chụp tại thành phố Cincinnati, bang Ohio, Mỹ)
“Bức ảnh những người đàn ông cơ bắp này được chụp tại Liên hoan mùa hè trên một bãi biển sát bờ sông Ohio River. Hàng tấn cát đã được mang đến để tạo ra bờ biển nhân tạo này” – nhiếp ảnh gia Maureen France nói.
Gave Us the Gift of Sexuality (do Mirja Maria Thiel chụp tại thị trấn Diepholz, Đức)
“Cụ ông Irene, 80 tuổi và cụ bà Günter, 79 tuổi cưới nhau đã 60 năm. Tôi biết họ khi thực hiện loạt ảnh chủ đề ‘tình yêu và tình dục của thế hệ cũ’. Cả hai người đều yêu nghệ thuật và là hoạ sĩ. Họ thích sự kết nối giữa các thân thể” – nhiếp ảnh gia Mirja Maria Thiel nói.
Mbola in the Library (do Jack Lawson chụp tại nhà tù an ninh tối đa Naivasha Maximum Prison, Kenya)
“Mbola đang thụ án tại nhà tù Naivasha Maximum Prison cách thủ đô Nairobi của Kenya khoảng 2 giờ xe chạy. Anh làm việc trong dự án African Prisons Project (hiện đã đổi tên thành Justice Defenders) như một trợ giúp pháp lý, chuyên giúp các tù nhân giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp lý như kháng án”- nhiếp ảnh gia Jack Lawson nói.
Leke (do David Levene chụp ở Nazret, Ethiopia)
“Leke từng là đứa trẻ được giải thoát khỏi cuộc sống đường phố. Chương trình The Forum on Sustainable Child Empowerment (FSCE) đã giúp em tìm được một nơi an toàn dể sống và làm việc. Đó là một nhà máy sản xuất bột địa phương. Nay đã 17 tuổi, cô gái là nguồn cảm hứng cho những người củng cảnh ngộ đang được FSCE đưa vào diện chăm sóc” – David Levene, nhiếp ảnh gia của tờ The Guardian nói.
Ayanda (do Joey Carrapichano chụp tại thành phố Cape Town, Nam Phi)
“Ayanda là cháu tôi. Nó có cuộc sống đầy đủ, đầy năng lượng và rất kiêu hãnh về vẻ đẹp màu da của mình. Khi chụp bức ảnh này, chúng tôi sợ sẽ gặp rắc rối nhưng may mắn là không có vấn đề gì cả” – người chụp ảnh Joey Carrapichano nói.
Eha (do Sirli Raitma chụp ở London, Anh)
“Eha là mẹ tôi đến từ đất nước Estonia. Bà sống với tôi và con trai tôi ở London. Năm 2015, bà bắt đầu rơi vào trầm cảm vì vậy chúng tôi tìm cách để bà tập trung vào một cái gì đó để bớt lo lắng. Thế là dự án Eha Project ra đời, với những bức ảnh chân dung về mẹ do chính tôi chụp. May mắn, mẹ có năng khiếu làm mẫu và rất vui với những bức ảnh chụp bà” – người chụp ảnh Sirli Raitma nói.