Âm nhạc vẫn được thưởng thức trên toàn thế giới nhưng tiền kiếm được càng lúc càng ít đi: băng đĩa sụt giảm, download nhạc số bị thay thế dần bởi nghe nhạc trực tuyến… Nguồn thu chủ yếu của các nghệ sĩ là từ biểu diễn và hào hứng hơn với các hợp đồng quảng cáo.
Nhóm rock Scotland là Idlewild đã quay trở lại bảng xếp hạng sau sáu năm bằng album Everything Ever Written lọt vào top 20. Nhưng bên cạnh đó, họ còn có một vũ khí khác trợ lực cho sự trở lại này: bia Idlewild kết hợp với hãng sản xuất bia tiếng tăm ở Scotland là Barney’s. Gần đây cũng có một loạt bia hướng đến fan nhạc rock như Charge của nhóm Elbow, Trooper của nhóm Iron Maiden hay Piledriver của nhóm Status Quo. Ngồi nghe bài In the Army Now với chai bia Piledriver bên cạnh hoặc cầm chai Trooper trong buổi diễn của Iron Maiden (rất có khả năng trên sân khấu cũng sẽ chơi bài này vì The Trooper rất được khán giả yêu thích) có vẻ sẽ rất hợp lý. Các hãng bia kết hợp với ban nhạc sẽ có cơ hội tiếp cận với nhóm đối tượng “khát nước” mới còn nhóm nhạc có thêm phương tiện để quảng bá nhạc. Được đặt tên theo tên bài hát của nhóm Idlewild, mỗi chai bia Scottish Fiction IPA sẽ có in sẵn mã QR để tặng cơ hội download miễn phí phần trình diễn acoustic bài A Film For The Future. Các album của Elbow cũng sẽ được mở trong các pub mà bia Charge tiếp cận được.
Dr Dre cộng tác sản xuất headphone Beats và đã bán thương hiệu này cho Apple với giá 3 tỉ đôla, nhờ đó đẩy vị trí của anh trong danh sách những nhân vật giàu nhất của làng hip-hop vượt qua P Diddy. Có lẽ còn lâu mới thấy được một nghệ sĩ kiếm được nhiều tiền đến như vậy trong một hợp đồng nhưng trường hợp của Dr Dre cho thấy khả năng của một thế hệ nghệ sĩ có khả năng kiếm được tiền từ tên tuổi của mình nhưng cũng đủ tinh vi để tránh những vụ buôn bán đáng xấu hổ. Năm 2008, fan khá sững sờ khi thấy John Lydon lần đầu xuất hiện trong TVC thương mại và lại quảng cáo cho… bơ Country Life. Trước đây, vẻ ngoài nổi loạn của John Lydon đã giúp ông trở thành ca sĩ chính của nhóm Sex Pistols dù khả năng trong âm nhạc thoạt đầu là tương đối giới hạn. Khi còn trong nhóm Sex Pistols, John đã viết các bản nhạc như Anarchy in the U.K., God Save the Queen khiến những người bảo thủ, theo truyền thống ở Anh hết sức giận dữ. Nhưng giờ đây, ở độ tuổi trung niên, John trở thành một biểu tượng của nước Anh, mặc bộ vest vải tuýt, đưa ra những lý do vì sao ông thích bơ Country Life. TVC tương đối hài hước, nhộn nhạo và sau đó, John giải thích mình cần số tiền từ quảng cáo để sốc lại nhóm nhạc thời hậu Sex Pistols của ông là Public Image Ltd. Fan thấy hợp lý và hài lòng nên sự trở lại của Public Image Ltd. trong năm 2009 được đón nhận khá tích cực.
Nữ ca sĩ Sophie Ellis-Bextor khá nổi tiếng đầu những năm 2000 giờ đây trở thành gương mặt đại diện cho… sơn Dulux và một loại chewing gum không chứa đường! Một trong những thương vụ hợp tác đình đám nhất là album Songs of Innocence của U2 với hãng Apple nhưng sau đó cũng nhận được khá nhiều phản ứng tiêu cực. Một trong những nghệ sĩ lớn tiếng phản đối vụ này nhất là Iggy Pop nhưng chính biểu tượng nhạc punk này cũng bị rắc rối khi quảng cáo cho hãng bảo hiểm xe Swiftcover. Mẫu quảng cáo đó bị cơ quan quản lý các tiêu chuẩn quảng cáo chặn lại vì Iggy khoe việc sử dụng một sản phẩm mà ông không có quyền mua! Hãng bảo hiểm này không nhận bảo hiểm cho những ai làm trong ngành công nghiệp giải trí.
Pepsi cũng từng có quá khứ đau thương với việc hợp tác cùng các ngôi sao. Khi quay đoạn quảng cáo cho Pepsi năm 1984, Michael Jackson đã phải vào viện vì mái tóc của anh bắt lửa. Sau đó, đến lượt hợp đồng nhiều triệu đôla với Britney Spears bị đổ vỡ khi hãng Pepsi bắt gặp trong đời thường, ngôi sao này cầm lon nước của hãng đối thủ.
Thường thì các nhãn hàng phải cắt hợp đồng với ngôi sao vì các tình huống nghiêm trọng hơn, ví dụ như Chris Brown sau khi bị kết tội đánh bạn gái lúc đó là Rihanna thì các hợp đồng quảng cáo sữa và chewing gum Doublemint đều bị ngưng. Will.i.am bị chính nhãn hàng quần áo của mình kiện còn Katy Perry thì bị hãng chuyên về sản phẩm chăm sóc tóc Jemella Group chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với lý do tên tuổi của Katy bị chìm khuất và không mang lợi cho họ nữa. Năm 2011, Rihanna được Nivea chọn làm gương mặt đại diện, nhân dịp kỷ niệm 100 năm của nhãn này. Nhưng rồi Nivea nhanh chóng chia tay với Rihanna với ly do là cô “quá sexy” cho các giá trị đề cao sự “sạch sẽ” của họ!
Một báo cáo phát hành năm 2013 từ tổ chức bản quyền âm nhạc PRS for Music cho thấy số lượng tiền mà nhãn hàng sử dụng trong âm nhạc đã vượt qua ngưỡng 100 triệu bảng Anh trong năm trước đó. Con số này bao gồm mọi thứ từ tài trợ các liên hoan âm nhạc cho tới việc mua bài hát để sử dụng trong quảng cáo. Nhưng có một phần đáng chú ý là khoảng 4,7 triệu bảng cho việc sử dụng tên tuổi, hình ảnh của nghệ sĩ. Tinie Tempah, từng nhận giải Người đàn ông ăn mặc đẹp nhất năm 2012 của tạp chí GQ, khéo léo sử dụng vẻ ngoài của mình để kết hợp với các nhãn hiệu cao cấp như Mercedes-Benz và Veuve Clicquot. Rapper da trắng xăm mình đến tận cổ Professor Green thì trở thành đại sứ cho Puma.
Trí Quyền (DNSGCT)