Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, tuần qua, sau phiên tăng điểm mạnh thị trường nhanh chóng “hạ nhiệt”. Việc tạo đáy có thể cần nhiều thời gian và thị trường đang dần lấy lại sự cân bằng.
Nhận định về diễn biến thị trường tuần tới, nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, tuần qua, sau phiên tăng điểm mạnh thị trường nhanh chóng “hạ nhiệt”. Việc tạo đáy có thể cần nhiều thời gian và thị trường đang dần lấy lại sự cân bằng.
Thực tế, tuần qua là tuần thứ 4 liên tiếp thị trường giảm điểm. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 7,19 điểm xuống 963,56 điểm; HNX-Index giảm 0,001 điểm xuống 102,499 điểm.
Dù vậy, giới đầu tư đã tỏ ra lạc quan hơn giúp thanh khoản được cải thiện so với tuần trước đó, đạt khoảng hơn 5.200 tỉ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Theo đó, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 26,9% lên 24.549 tỉ đồng tương ứng khối lượng giao dịch tăng 12,5% lên 1.046 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 7% lên 1.519 tỉ đồng tương ứng khối lượng giao dịch tăng 12,7% lên 128 triệu cổ phiếu.
Tuần qua, hầu hết các nhóm cổ phiếu trụ cột ở chiều giảm giá khiến cho nỗ lực hồi phục của thị trường đi vào bế tắc.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng giảm mạnh, trong đó có mã MSN. Sau thông tin Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) và Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) đã thỏa thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco, cổ phiếu MSN không ngừng “rơi”. Kết thúc tuần giao dịch, MSN giảm tới 10,7%. Bên cạnh đó, VNM giảm 4,3% đã tạo áp lực giảm điểm rất lớn lên chỉ số VN-Index.
Trong nhóm cổ phiếu thực phẩm – đồ uống, SAB vẫn còn giữ được sự tích cực khi tăng 3%. Tuy nhiên, mức tăng này là không đủ bù đắp cho những mã giảm sâu.
Bên cạnh đó, một số mã vốn hóa lớn giảm sâu như FPT giảm 2,5%, BVH (6,6%)… khiến thị trường càng khó có cơ hội hồi phục.
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đồng loạt giảm. Cụ thể, PVD giảm 2,9%, GAS giảm 2,4%, PLX và BSR đều giảm 2,1%, OIL và PVS đều giảm 1,1% …
Như vậy, tuần qua giá cổ phiếu dầu khí đi ngược chiều với giá dầu thế giới.
Giá dầu chốt phiên cuối tuần qua (6-12) ở mức cao nhất kể từ tháng 9, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, được gọi là OPEC+, nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày trong quý I-2020.
Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 1-2020 tăng 77 xu Mỹ, hay 1,3%, lên 59,2 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2-2020 tăng 1 USD, hay 1,6%, lên 64,39 USD/thùng tại Sàn ICE Futures Europe.
Cả hai loại dầu này đều ghi nhận mức chốt phiên cao nhất kể từ tháng 9.
Theo Dow Jones Market Data, trong cả tuần, giá dầu WTI tăng 7,3%, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 21-6, còn giá dầu Brent tăng gần 6,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 20-9.
Với quyết định cắt giảm sản lượng mạnh hơn trong khi đang thực hiện việc cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày so với mức của tháng 10-2018 kể từ tháng 1-2019, tổng sản lượng của OPEC+ giảm xuống 1,7 triệu thùng/ngày.
Nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, nhóm cổ phiếu dầu khí hiện vẫn giao dịch quanh mức thấp của năm 2019. Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này chưa thực sự thuận lợi, tuy nhiên KBSV cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi.
Trong dài hạn (2-3 năm tới), với kế hoạch triển khai hàng loạt các dự án dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kết hợp với kỳ vọng vào đà hồi phục của giá dầu, nhóm doanh nghiệp dầu khí đã ở điểm mua phù hợp cho hoạt động đầu tư trung dài hạn.
Xét đến nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng, các mã cổ phiếu thuộc nhóm này tuần qua diễn biến phân hóa với sự tăng giảm trái chiều. Trong khi HDB tăng tới 5%, TCB tăng 1,1% thì VPB giảm 2,5%, BID giảm 2,1%, MBB giảm 1,3%, VCB giảm 0,4%.
Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng có lẽ chưa tìm kiếm được động lực tăng trưởng mới.
Nhóm cổ phiếu thép tuần qua tích cực nhất thị trường với sự tăng trưởng mạnh của của các trụ cột là HPG tăng 4,4%, HSG (3,2%)… Dù vậy, sức nâng đỡ của những mã cổ phiếu này đối với thị trường chung là không lớn.
Nhìn vào diễn biến thị trường chứng khoán thế giới. Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 6-12 tăng mạnh, đảo ngược đà giảm từ đầu tuần, sau khi báo cáo việc làm tháng 11-2019 thúc đẩy hoạt động mua vào, bên cạnh việc đàm phán thương mại Mỹ – Trung có tiến triển.
Chỉ số Dow Jones tăng 1,2%, lên 28.015 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,9%, lên 3.146 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 1%, lên 8.656 điểm.
Diễn biến trên phố Wall cuối tuần đảo chiều so với đầu tuần, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một phát biểu đã nói rằng ông sẽ đợi đến năm 2020 để hoàn tất thỏa thuận thương mại Giai đoạn một với Trung Quốc.
Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite giảm 0,1%, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,2%.
Trước khi báo cáo việc làm được công bố, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã nhận được động lực từ việc Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu quy trình miễn thuế nhập khẩu đối với đậu tương và thịt lợn của Mỹ, một động thái được xem là dấu hiệu tiến triển trong nỗ lực nhằm ít nhất là đạt được thỏa thuận Giai đoạn một.
Trung Quốc có động thái trên 9 ngày trước thời hạn Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên số hàng hóa trị giá 152 tỉ USD của Trung Quốc vào ngày 15-12.
Như vậy, tình hình thế giới không quá tích cực nhưng có lẽ cũng đủ giúp ổn định thị trường chung.
Dù vậy, việc khối ngoại tiếp tục bán ròng cũng đang là nhân tố cản trở sự hồi phục của thị trường. Theo đó, khối ngoại bán ròng mạnh ở sàn HoSE, trong khi mua ròng nhẹ trên hai sàn HNX và UPCoM. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại bán ròng gần 517,5 tỉ đồng.
Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC, tuần tới, VN-Index sẽ có diễn biến giằng co với các phiên tăng giảm đan xen trong vùng 950-970 điểm. Sự phá vỡ một trong hai điểm cận của vùng giá đi ngang này sẽ mở ra một xu hướng biến động mới cho chỉ số trong ngắn hạn.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng, thị trường có thể đã tìm thấy sự cân bằng ngắn hạn tại vùng hỗ trợ quanh 950 điểm và nhiều khả năng sẽ sớm vượt qua vùng kháng cự 970 điểm để hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 980-985 điểm trong ngắn hạn” BVSC nhận định.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC cho rằng: “Với việc để mất hàng loạt các mốc hỗ trợ quan trọng trong thời gian ngắn, VN-Index đang lùi về vùng giá thấp trong năm. Với trạng thái thiếu thông tin hỗ trợ trong và ngoài nước trong giai đoạn này, nhiều khả năng chỉ số sẽ vận động trong kênh giá 950-970 điểm trong tuần tới”.