Tuần này, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể vẫn là nguyên nhân chính gây khó cho sự hồi phục thị trường chung.
Diễn biến thị trường tuần qua cho thấy, các nhóm cổ phiếu chính và các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đang “rơi” vào điều chỉnh.
Cùng với việc đi xuống của thị trường thì khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó, thông tin thế giới cũng có nhiều bất ổn, trong khi thị trường chứng khoán tuần tới đang thiếu vắng những thông tin hỗ trợ.
Đây có thể là những yếu tố cản trở hồi phục của thị trường và nhà đầu tư cũng gặp khó trong tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 5 đến 9-8, VN-Index giảm 16,76 điểm, xuống 974,34 điểm; HNX-Index giảm 0,914 điểm, xuống 102,79 điểm.
Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó, đạt khoảng 5.700 tỉ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Tại nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn như nhóm cổ phiếu “họ Vingroup”, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC giảm 1,9%, cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 thị trường là VHM giảm 5,8%, trong khi VRE cũng giảm tới 1,9% đã gây áp lực lớn lên chỉ số VN-Index.
Bên cạnh đó, cổ phiếu vốn hóa lớn ngành thực phẩm – đồ uống là VNM giảm 2,4%, SAB giảm 1,5%, MSN giảm 3,7%.
Ở chiều ngược lại, thị trường được nâng đỡ bởi cổ phiếu đầu ngành công nghệ là FPT, khi cổ phiếu này tăng tới 4,7%.
Bên cạnh đó, cổ phiếu đầu ngành thép là HPG tăng 3%, cổ phiếu vốn hóa lớn ngành dược phẩm là DHG tăng 2,1%.
Như vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang diễn biến nghiêng về chiều hướng tiêu cực khi số mã giảm nhiều hơn số mã tăng.
Hơn nữa, những mã đang diễn biến tiêu cực là những mã vốn hóa đứng đầu thị trường. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chỉ số VN-Index tuột mốc kháng cự quan trọng 980 điểm.
Rõ ràng, thị trường chung thường phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tuần tới, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể vẫn là nguyên nhân chính gây khó cho sự hồi phục thị trường chung.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đồng loạt giảm sâu với BSR giảm 9,2%, PVS (5%), GAS (4,4%), PLX (4,3%), POW (3,9%), PVC (1,3%), PVD (0,6%).
Nhóm cổ phiếu dầu khí chịu ảnh hưởng của thị trường chung và việc giá dầu giảm mạnh cũng là nguyên nhân tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu dầu khí.
Theo đó, giá dầu thế giới có ba phiên giảm liên tiếp trong tuần qua, giữa bối cảnh quan hệ thương mại căng thẳng Mỹ – Trung và thống kê bất lợi về dự trữ dầu “đè nặng” lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Mặc dù lấy lại đà tăng trong hai phiên cuối tuần, giá dầu vẫn ghi nhận một tuần đi xuống, với giá dầu Brent giảm hơn 5% và giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm khoảng 2%.
Tính đến nay, giá dầu vẫn giảm khoảng 20% so với mức đỉnh hồi tháng 4. Báo cáo hằng tháng mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 9-8 cho biết, những dấu hiệu suy giảm kinh tế toàn cầu cùng sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã khiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng với tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong bản báo cáo, IEA cho biết tình hình đang trở nên ngày càng bất ổn khi nhu cầu dầu trên toàn thế giới đã tăng trưởng rất chậm chạp trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5-2019, với mức tăng 520.000 thùng/ngày.
Với diễn biến hiện tại thì nhóm cổ phiếu dầu khí có lẽ khó có khả năng đảo chiều tăng giá trong tuần giao dịch tới.
Xét đến nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng, hầu hết các cổ phiếu nhóm ngân hàng diễn biến khá tiêu cực. Các mã vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng như VCB giảm 0,6%, BID giảm 3,1%, TCB giảm 1,6%, MBB giảm 2,3%…
Với tình hình hiện tại, chưa có nhiều lý do để cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng mạnh trong tuần tới.
Có lẽ kịch bản thích hợp nhất với nhóm cổ phiếu này là tích lũy đi ngang, trước khi hình thành một xu hướng rõ ràng hơn.
Xét đến các yếu tố vĩ mô, tháng 8 thị trường chứng khoán trong nước thường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ.
Bên cạnh đó, tình hình thế giới hiện tại đang có nhiều bất ổn cũng khiến thị trường chứng khoán trong nước gặp khó khăn trong nỗ lực hồi phục.
Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ “thăng trầm” trước những diễn biến mới xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở 26.485 điểm (giảm 0,75%), chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.918 điểm (giảm 0,48%) và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.959 điểm (giảm 0,56%).
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9-8 tiếp tục khiến giới quan sát tỏ ra lo ngại khi cho biết, ông chưa sẵn sàng đi đến một thỏa thuận với Trung Quốc.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng phát đi tín hiệu rằng cuộc đàm phán với Trung Quốc dự kiến tổ chức vào tháng 9 tới tại Washington có thể bị hủy khi nói: “Chúng tôi sẽ xem xét liệu có tiếp tục cuộc họp vào tháng 9 hay không”.
Các chuyên gia nhận định những diễn biến mới xung quanh cuộc thương chiến Mỹ – Trung đang “đè nặng” lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Tại các thị trường chứng khoán châu Á cũng cùng chung diễn biến tiêu cực. Chốt phiên cuối tuần qua (ngày 9-8), chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 181,47 điểm xuống 25.939,3 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 19,8 điểm xuống 2.774,75 điểm.
Các tài sản an toàn như trái phiếu, vàng và đồng yen vẫn tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư, cho thấy lo ngại về cuộc chiến thương mại có thể tiếp tục gây sức ép lên thị trường.
Trong khi đó, quyết định hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương Ấn Độ, Thái Lan và New Zealand trong tuần qua đã khiến nhà đầu tư thêm lo ngại, khi tin rằng sẽ có các đợt cắt giảm tiếp theo.
Thực tế, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang có ảnh hưởng toàn diện đến nền kinh tế thế giới; trong đó có các thị trường chứng khoán.
- Xem thêm: Chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Theo giới chuyên gia, khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung còn chưa “ngã ngũ”, thì hai nước lại mở ra một “mặt trận” mới trong cuộc đối đầu kinh tế tay đôi đang ngày càng leo thang, đó là tiền tệ.
Cụ thể, trong ngày 5-8 đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm là 7,0391 NDT/USD.
Theo giới quan sát, thông qua việc cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá, Bắc Kinh đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, họ sẵn sàng sử dụng đồng nội tệ như một “vũ khí” trong cuộc chiến thương mại với Washington.
Ngày 8-8, ông Trump kêu gọi làm yếu đồng USD để hỗ trợ các nhà xuất khẩu Mỹ, một động thái đi ngược lại với chính sách của nước này trong nhiều thập niên.
Như vậy, có thể thấy tình hình thế giới đang khá bất ổn, xoay quanh câu chuyện chiến tranh thương mại rồi lan sang thành cuộc chiến tiền tệ. Điều này có thể khiến giới đầu tư tìm đến các tài sản an toàn, mang tính trú ẩn.
Những bất ổn từ thế giới có lẽ phần nào ảnh hưởng đến việc bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tới hơn 1.000 tỉ đồng trên toàn thị trường. Đây là yếu tố tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, khiến sự hồi phục của thị trường chung càng trở nên khó khăn.
Với diễn biến của thị trường hiện tại, các công ty chứng khoán cũng có nhận định thận trọng cho tuần giao dịch tới.
Nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (từ ngày 12-8 đến 16-8), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 968-983 điểm cho tới khi bứt phá khỏi vùng này để xác nhận một xu hướng ngắn hạn mới.
Nhóm chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cảnh báo: “Phiên cuối tuần, nhịp phục hồi của thị trường chững lại trước áp lực chốt lời của bên bán.
Dòng tiền đang luân chuyển rất nhanh giữa các nhóm, ngành cổ phiếu khác nhau. Diễn biến này có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư trong ngắn hạn nếu để bị cuốn theo thị trường. Nhà đầu tư cân nhắc bảo toàn thành quả đã đạt được trong thời gian qua”.