Những năm gần đây, nhiều đài truyền hình, đài phát thanh phía Nam có thực hiện các chương trình nhạc Sài Gòn xưa, thu hút đông đảo khán giả và được nhiều người yêu thích. Từ sự yêu mến dòng nhạc Sài Gòn xưa, người yêu nhạc tìm kiếm và mong muốn sở hữu những bản nhạc tờ Sài Gòn.
Trước đây, những người sưu tầm nhạc tờ là do sở thích riêng. Nay nhạc tờ trở thành nhu cầu của nhiều người, người sưu tầm giờ trở thành tâm điểm được nhiều người tìm đến. Trên mạng cũng xuất hiện nhiều trang web chuyên giới thiệu, giao lưu, trao đổi thông tin, mua bán các ấn phẩm nhạc tờ xưa có số lượng người truy cập cao. Các hiệu sách cũ cũng dành hẳn ngăn riêng để trưng bày những ấn phẩm này. Tờ nhạc xưa hiện nay được trao đổi với giá dao động hai-ba trăm ngàn đồng một ấn bản, cũng có khi lên đến một triệu đồng tùy theo mức độ quý hiếm, nguyên vẹn và độ đẹp của tờ nhạc.
Nhà xuất bản (NXB) Tinh Hoa, số 121 Trần Hưng Đạo, Huế (có chi nhánh ở Hà Nội và Sài Gòn), giám đốc là ông Tăng Duyệt được ghi nhận là NXB đầu tiên in các bản nhạc tờ từ giữa thập niên 1940. Nhạc tờ in 2 mặt trên giấy dày khổ lớn, gấp đôi lại thành 4 trang, khổ tương đương A4. Bìa 1 ghi tựa bài, tên tác giả và hình minh họa, trang 2 – 3 kẻ nhạc bài hát, bìa 4 ghi tên nhà xuất bản và các nội dung khác, hình thức trình bày này không thay đổi trong suốt 30 năm tồn tại (tính đến tháng 4.1975). Người yêu nhạc biết được bài hát qua đài phát thanh, băng dĩa; nếu yêu thích sẽ tìm mua nhạc tờ về tập hát, tập đàn, làm quà tặng…
Ghi nhận đến tháng 10.1954, NXB Tinh Hoa đã xuất bản 430 bản nhạc của các nhạc sĩ thế hệ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam như: Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Lê Thương, Phạm Duy, Lưu Hữu Phước, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Thương, Trần Hoàn, Hoàng Trọng…
Năm 1956, NXB Tinh Hoa chuyển vào Sài Gòn và đổi thành Tinh Hoa Miền Nam (51 đại lộ Trần Hưng Đạo), lần này do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo phụ trách. Bên cạnh đó còn có nhiều NXB nhạc tờ lớn khác như: An Phú, Sống Chung, Á Châu, Minh Phát… Các NXB thời đó ghi giá bìa giống nhau 7$ cho đến khoảng 1965 thì không in giá nữa. Do nhiều yếu tố tác động, sau 1965 vật giá thay đổi rất nhanh, phải có thỏa thuận giữa NXB với tác giả (trang 2 nhạc tờ ghi rõ “Tác giả xuất bản và giữ bản quyền. Cấm trích dịch, in lại dưới mọi hình thức”), với người bán cho nên NXB không ghi giá. Bên tổng phát hành và người bán sẽ quyết định giá bán vào từng thời điểm.
Ban đầu NXB Tinh Hoa tổ chức in nhạc tờ đã đặt ra tôn chỉ: “Để biểu dương một nguồn âm nhạc Việt Nam mới trên nền tảng văn hóa và nghệ thuật”. Nhưng về sau, việc phát hành nhạc tờ trở thành nguồn thu quan trọng đối với các nhạc sĩ và NXB âm nhạc thời đó. Nhạc sĩ Phạm Duy trong hồi ký của mình có viết: “Nhờ soạn lời Việt cho các bản nhạc ngoại quốc thời thập niên 1970, tôi có tiền mua thêm căn nhà để các con tôi, ban nhạc The Dreamers có chỗ tập nhạc trẻ”. Nhạc sĩ Lam Phương thu tác quyền in nhạc tờ bài Thành phố buồn, năm 1970 đã mua thêm chiếc xe hơi sang trọng.
Trong khoảng 10 năm 1965 – 1975, Sài Gòn có thêm vài chục NXB lớn nhỏ ra đời như: Suối Đàn, Diên Hồng, Kiều Nga, Quảng Hóa, Khai Sáng… Cũng có khi do một nhóm tác giả, nghệ sĩ hợp tác xuất bản như NXB Hương Lan.
Thời kỳ đầu, nhạc tờ in bằng kỹ thuật in typo, bìa 1 thường được các họa sĩ vẽ tranh minh họa. Nổi bật trong các họa sĩ vẽ bìa nhạc tờ là Huy Liêm và Kha Thùy Châu. Bìa do họa sĩ Huy Liêm vẽ theo lối lập thể với hình khối hình học mạnh mẽ tạo dấu ấn riêng của người họa sĩ xuất thân từ Trường Vẽ Gia Định. Kha Thùy Châu học chuyên ngành đạo diễn phim. Bằng những nét mềm mại, ông cho người xem thấy một khung hình huyền ảo trong phim lãng mạn. Cả hai họa sĩ còn thể hiện rõ phong cách riêng qua chữ ký trên tờ nhạc.
Khoảng cuối thập niên 1960, nhu cầu xuất bản các ấn phẩm giáo dục, văn nghệ rất lớn. Và rất nhanh nhạy, Sài Gòn bắt đầu nhập kỹ thuật in offset. Số lượng nhạc tờ mỗi tháng in một hai trăm bài, không đủ họa sĩ vẽ bìa. Nay với kỹ thuật in offset, bìa 1 nhạc tờ cho in ảnh của các danh ca Lệ Thu, Hùng Cường, Nhật Trường, Thanh Lan… hay các tài tử điện ảnh, như Kiều Chinh với cảnh trong phim Người tình không chân dung, nhạc Hoàng Trọng – Dạ Chung, hình ảnh sắc sảo, màu sắc rực rỡ.
Ông Trung, cư dân gần 70 năm ở khu Tân Định, Sài Gòn nhớ lại: đầu thập niên 1970, hàng tuần ông đều tìm mua bản nhạc mới để tặng bạn gái trong buổi hẹn. Ông nhớ giá bản nhạc tờ ngày đó chỉ bằng tô phở bình dân, tính theo thời giá bây giờ độ khoảng ba bốn chục ngàn. Khi đó, bạn gái ông còn sưu tầm bộ 1.001 bài ca hay, nhạc tờ đóng thành tập 50 bản, có chữ ký tác giả.
Sau năm 1975, sách báo, âm nhạc Sài Gòn bị xem là văn hóa đồi trụy, cấm truyền bá, lưu hành, mọi người phải tiêu hủy hoặc giao nộp cho chính quyền. Nhạc tờ chung số phận lui vào bóng tối, bị vứt bỏ, bán giấy vụn, một số ít người lén giữ lại. Khi đó nhà tôi có vài trăm bản nhạc do các anh chị sưu tầm. Thực hiện lệnh của thành phố nhưng anh thứ năm của tôi vẫn giữ lại vài chục bản, nhờ vậy sau này khi tôi tự học nhạc có tài liệu để đàn, hát. Anh tôi còn có “sáng kiến” dùng nhạc tờ làm giấy bao sách, nhiều người đến nhà chơi thấy nhạc tờ xưa cầm xem, mở ra thấy ghi “Giải tích hiện đại” (anh ấy học toán ở Đại học Sư phạm).
Giờ cầm những quyển sách “đặc biệt” của anh, nhìn vào bìa 4 chợt thấy nhiều thông tin thú vị. Bản Tạ tình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã được danh ca Thanh Thúy thu thanh vào dĩa hát Tình ca quê hương năm 1970 và được chọn thu trong phim Tiếng hát học trò. Bản Cánh nhạn hồi âm của nhạc sĩ Châu Kỳ do Thanh Tuyền thu thanh vào Dĩa Việt Nam với phần hòa âm do Ban nhạc Văn Phụng. Ngay gần nhà tôi có quán nhạc và tổng phát hành Kiều Nga, số 151 Trần Quý Cáp, quận 3. Xa hơn chút, ở số 365 Phan Đình Phùng, quận 3, có lớp luyện ca tân nhạc Bình Minh do Thanh Vũ, Trung Chỉnh hướng dẫn.
Cuối thập niên 1970, khu chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, chuyên buôn bán radio, tivi, máy cassette, máy hát cũ, người đi đến tấp nập. Nhiều người hỏi mua nhạc tờ để tập đàn hát, không ai có để bán. Không lâu sau, người đến mua băng cassette nhạc xưa được mời mua thêm nhạc bản quay ronéo.
Nhờ khu chợ trời này, tôi có được nhiều tập nhạc quay ronéo khổ A5: Con đường tình ta đi của Phạm Duy, Hương xưa của Cung Tiến, Yêu nhau khi còn thơ của Lê Uyên Phương, 10 bài không tên của Vũ Thành An, 17 tình khúc Ngô Thụy Miên… Bản quay ronéo lúc đó rất xấu do in trên giấy tái sinh có nhiều cặn bẩn, mực tái chế nên nhem nhuốc; có nhiều chỗ giấy bị thủng không biết nốt gì, từ gì…
- Xem thêm: Sách xưa ngày tháng cũ
Thật ra kỹ thuật in ronéo đã có ở Sài Gòn từ đầu thập niên 1960. In ronéo đơn giản, dễ thực hiện, nhanh, rẻ nên được dùng để in tài liệu học tập, làm đặc san Xuân… lưu hành trong học đường, các hoạt động văn nghệ. Nhiều nhạc sĩ tài danh hôm nay, thời thập niên 1960, khi mới bắt đầu viết nhạc đã nhờ in ronéo bài hát mới để tặng bạn bè và phổ biến đến mọi người. Đến cuối thập niên 1980, Sài Gòn đã nhập về máy photocopy hiện đại, bản chụp nhanh, sạch, đẹp và hậu quả là các tiệm quay ronéo lâu đời trên đường Lý Thái Tổ, khu Ngã Bảy dần biến mất. Lần này, tôi lấy các tập nhạc quay ronéo trước đây, tẩy bớt những chỗ dơ mang ra photocopy lại, tôi lại có được tập nhạc mới đẹp.
Ngày nay, những tác giả trẻ dùng các phần mềm Encore, Final bằng vài thao tác đơn giản là kẻ xong bài nhạc, bấm in là có ngay bản rõ đẹp. Tôi vẫn kẻ những bản nhạc yêu thích theo cách này cho mình, để tặng bạn bè. Riêng tựa bài, tên tác giả chừa lại, in ra sẽ vẽ tay thêm theo các font chữ cách điệu, học từ các họa sĩ vẽ nhạc tờ ngày xưa.
Có lần, tôi trao đổi với giám đốc một công ty sách lớn của thành phố, đề nghị họ in lại nhạc tờ những bản nhạc hay của các tác giả tên tuổi mà chưa từng được in thành nhạc tờ. Câu trả lời là một cái lắc đầu, xua tay.
Tranh của các họa sĩ Duy Liêm, Kha Thùy Châu… vẽ bìa cho những bản nhạc tờ năm xưa giống như những bức tranh phù thế. Những cảnh cũ, người xưa trong tranh giờ đã trôi xa, nhạc tờ Sài Gòn gợi lại trong tâm trí người yêu nhạc những kỷ niệm về tháng ngày xưa ấy…