Cách đây hơn 30 năm, nhà văn Tô Hoài và tôi đến thăm bác Nguyễn Tuân. Nhấp tí rượu Làng Vân trong cái chén hạt mít, Tô Hoài mách bác Nguyễn:
– Ông Phan Quang vừa cho ra cuốn Một mình giữa đại dương đọc được lắm. Nhà xuất bản Kim Đồng in lần đầu 30.000 cuốn, tái bản luôn 20.000. Tôi có bài giới thiệu trên báo Văn nghệ ngay khi mới ra sách. Những mạo hiểm kỳ thú như thế làm nên chí lớn con người.
Nguyễn Tuân gật gù:
– Được, được đấy.
Khoái chí, tôi khoe:
– Nhà xuất bản Thuận Hóa lại vừa tái bản. In một lúc tại hai đầu đất nước. Dự định Hà Nội 3 vạn, Thành phố Hồ Chí Minh 5 vạn bản. Ông Vương Hồng (Giám đốc Nhà xuất bản) còn đặt hàng tôi làm một cuốn khác, chủ đề tương tự.
Bác Nguyễn hỏi nghiêm trang:
– Ông định viết chuyện gì?
– Dạ, sau biển là núi. Sau một mình vượt Đại Tây Dương, chắc sẽ cùng leo Hy Mã Lạp Sơn.
Nhà văn Nguyễn Tuân cười. Ông đứng dậy, đến giá sách rút một cuốn mang đến hỏi: “Định viết chuyện leo núi, vậy đã đọc cuốn này chưa?”.
Một cuốn sách dày, bìa được đóng lại với gáy giấy giả da in chữ nạm vàng, nhưng cũ nát, chắc đã qua tay quá nhiều người đọc. Cuốn Victoire sur l’Everest (Chiến thắng trên đỉnh Everest)(1), của Thiếu tướng Huân tước John Hunt, có sự cộng tác của Huân tước Edmand Hillary – hai người Anh đầu tiên trên thế giới leo lên tới đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất trong số 8 ngọn cao hơn 8.000m trên dãy Himalaya, cắm lá cờ Vương quốc Anh lên chóp băng ấy ngày 29-5-1953.
Sách có Lời nói đầu của Công tước Edimbourg – chồng nữ hoàng Anh, và Lời tựa của Maurice Herzog. Ông này người Pháp, là nhà leo núi đầu tiên trên thế giới chinh phục đỉnh Annapurna cũng cao hơn 8.000m, nhưng chưa phải ngọn cao tuyệt đỉnh cùng dãy núi hùng vĩ nhất hành tinh này ba năm trước, ngày 23-5-1950. Ông suýt chết vì bị cảm lạnh trên đường xuống núi do sơ ý để rơi mất một chiếc giày khi tránh bão, anh em phải khiêng từ độ cao hơn 6.000m xuống, đưa về Pháp cấp cứu và điều trị dài ngày, dù vậy vẫn phải cưa mất một chân vì dòng máu nuôi chân gặp lạnh đã đóng băng luôn ngay trên núi!
Tôi đồ chừng nhà văn Nguyễn Tuân mua cuốn Victoire sur l’Everest tại hiệu sách cũ nào đó sau khi trở về Hà Nội tháng 10-1954, bởi sách vừa mới in lần đầu năm 1953. Ông xé bỏ tên người sở hữu in bằng chữ mạ vàng ở phần dưới gáy sách và ký tên mình vào trang bìa giả bên trong.
Tôi lắc đầu: “Dạ chưa. Tôi mới lần theo dấu chân Herzog lên đỉnh Annapurna thôi(2). Vậy mà đã thấy gian nan ghê gớm”.
Ông dí luôn cuốn sách vào tay tôi: “Cầm về mà làm việc!”.
Đây là một cuốn bút ký khoa học, dày 350 trang kể cả phần phụ lục, có nhiều ảnh, tranh minh họa, bản đồ, hình vẽ giới thiệu chi tiết các dụng cụ leo núi thời ấy… Nhà văn Nguyễn Tuân đã đọc rất kỹ, dùng bút chì gạch dưới một số câu, đánh dấu dọc bên lề trang sách, có khi kèm ghi chú cảm nhận hoặc ý tứ ông quan tâm hoặc muốn ghi nhớ.
Lời tựa của Maurice Herzog không đề thời điểm viết, người đọc ghi luôn vào trong ngoặc đơn (1953). Có vẻ như nhà văn vốn thích chuyển dịch tâm đắc đoạn sau đây của nhà leo núi chuyên nghiệp. Ông gạch dưới một số từ hoặc ý, lại còn kẻ đậm ở bên lề đoạn văn nhà leo núi Pháp nhận xét về sự khác biệt trong tính cách người Anh, người Mỹ và người Pháp: “Người Anh mỗi lần cần thi hành một nhiệm vụ là họ vạch ra luôn chương trình, kế hoạch bài bản. Nếu kế hoạch ấy không thành công khi thực hiện, họ thay đổi, họ cải tiến (Nguyễn Tuân gạch dưới hai chữ này – tất cả các chữ in nghiêng trong bài này đều do nhà văn ta gạch dưới) và sẽ thành công. Người Mỹ (trước khi làm nhiệm vụ) bao giờ cũng lập chương trình, nếu không đạt kết quả, họ sẽ thay đổi hết kế hoạch này sang kế hoạch khác, (cho đến khi) cuối cùng họ thành công. Còn người Pháp chẳng phải lập trình lập trùng gì cả, nhưng một khi đã đạt được thành công, ngay lập tức họ sẽ tạo dựng nên một chương trình, kế hoạch rất chi là bài bản, chi tiết, sáng tỏ, rồi họ phân tích, họ giải trình chương trình, kế hoạch của họ đâu ra đấy!”.
Một câu của Công tước Edimbourg, người viết Lời giới thiệu: “…Một lần nữa, bao trùm lên tất cả và đương đầu với tất cả mọi thứ là tình bạn bè, là sự đoàn kết giữa người và người, nhờ vậy con người mạnh hơn sức mạnh tự nhiên”… “Vô luận tốt hay xấu, người nào biết hiến thân cho cái mà mình đam mê khắc tự thanh lọc, tự phát hiện, tự làm cho con người mình trong sáng hẳn lên” (tr 10-11).
Đến đoạn tác giả John Hunt mô tả thời tiết mùa đông trên dãy núi Himalaya, gió Tây – Bắc mạnh tới 125 – 130km/giờ quét tuyết từ bên sườn núi phía Bắc dồn xuống sườn phía Nam, vì vậy leo núi trong gió mạnh và băng tuyết này (từ phía Nam lên) là hết sức bất ổn và đầy hiểm nguy, bước chân con người đụng vào tuyết, gây động, sẽ tạo thêm cơ hội cho gió bão gây nên những trận sạt lở núi, Nguyễn Tuân gạch dưới nhiều từ và ghi chú bên lề, lại còn kẻ một nét dọc đánh dấu cả đoạn ấy trên lề trang sách, với hai từ: “gió cao”. Ông kẻ dọc một nét bút chì đánh dấu một đoạn khác và cũng ghi bên lề: “tiếp sức cho nhau bằng kinh nghiệm của người đi trước” (tr 18).
Sang trang khác, khi tác giả John Hunt phân tích những khó khăn trong việc chuẩn bị và mang theo cho đủ các bình oxy dự trữ, dành cho đoàn leo núi dùng sau khi vượt lên quá độ cao 5.000m, nơi không khí loãng, hàm lượng oxy thấp. Ông viết: “Nói chung, những người nào thân thể càng to lớn, thì càng tiêu thụ nhiều năng lượng và rồi sẽ gặp càng lắm gian nan khi phải chuyển dịch ở độ cao (trên 5.000m). Về phần mình, tôi không nghĩ cái quan trọng đối với nhà leo núi ở chỗ vóc dáng người ấy cao hay thấp, thân thể béo hay gầy mà là ở sự cân bằng về mọi mặt trong cơ thể một con người” – Nguyễn Tuân có vẻ thú vị ý sau cùng này.
Cứ theo cách ấy, người đọc sách săm soi từng trang, từng dòng sách, gần như từ đầu chí cuối. Ngay cả chú thích ngay bên cạnh bức ảnh chụp hai người leo núi trên dốc núi hiểm trở phủ lớp băng dày ở độ cao 7.800m so với mặt biển, tác giả sách Thiếu quê hương và Cửa Đại khoanh vòng mấy chữ: “Các lá quốc kỳ Anh dùng cắm lên đỉnh cao Everest được cuộn bên ngoài cây gậy chống của người đi sau”.
Có vẻ Nguyễn Tuân tâm đắc nhất là đoạn kết của nhà leo núi John Hunt. Ông viết: “Rồi sẽ có ngày diễn ra nhiều cuộc leo núi khác nữa nhằm chinh phục đỉnh cao Everest. Có lẽ rồi đây người ta sẽ thực hiện mà không cần mang theo các bình oxy(3), dù cái may mắn thành công nếu làm theo cách ấy, theo tôi, có vẻ khá mong manh. Chúng ta hãy cùng nhau bày tỏ ước mong rồi đây biên giới Tây Tạng (bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng ba năm, 1950) sẽ được mở ra cho tất cả các nhà leo núi trên thế giới có thể trèo lên đỉnh Everest khởi hành từ sườn núi phía Bắc. Lại còn một con đường khác nữa có khả năng mở ra cho các nhà mạo hiểm là có thể băng ngang qua đỉnh Everest (theo con đường xuyên quốc gia), đoàn leo núi trèo lên từ sườn núi phía bên này, sau khi đạt tới đỉnh cao sẽ tụt xuống xuôi theo sườn phía bên kia (thuộc lãnh thổ một quốc gia khác).
“…Còn có biết bao cơ hội phiêu lưu khác nữa mở ra trước mắt chúng ta, cho dù đó là (những chuyến) trèo lên núi cao, bay trên không trung, giong buồm ra giữa đại dương, chui sâu vào trong lòng trái đất, lặn xuống tận đáy biển sâu; hay là chẳng bao lâu nữa con người sẽ bay lên tới Cung Trăng… Tôi hoàn toàn tin chắc, không hề có độ cao hay chiều sâu nào trên trần thế này mà con người, dưới sự dẫn dắt của Trí Lực, không thể đạt tới”.
Nguyễn Tuân kẻ một nét bút dọc lên lề sách cả đoạn văn bên trên, còn lề đoạn bên dưới ông đánh dấu thang (!) kèm thêm thời điểm 1953 ghi ngay bên cạnh. Tôi nghĩ thầm sau khi đọc hết cuốn bút ký này của hai nhà leo núi Anh: “Phải chăng cụ Nguyễn định viết bài giới thiệu cuốn sách này? Hay là chính bản thân cụ đang háo hức muốn vạch kế hoạch chống cái can made in Paris của mình leo lên chinh phục đỉnh Hoàng Liên Sơn huyền thoại?
__________
(1) Nxb Amont & Dumont, Paris 1953
(2) Sách Annapurna Premier 8.000, Nxb Arthaud, Paris 1951
(3) Thiếu oxy là vấn đề sống chết được mô tả kỹ trong ký sự