Nguyễn Thị Kiều Oanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường Quốc tế Canada – Hai vợ chồng đều là nhà báo – anh Trịnh Quang Đồng và chị chuyển qua đầu tư vào giáo dục, mở hệ thống Trường Quốc tế Canada đầu tiên tại Việt Nam (học xá CIS tại Bình Chánh và học xá cho hệ song ngữ BCIS tại Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP. Hồ Chí Minh).
Trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng kinh tế và nhiều trường quốc tế đua nhau mọc lên, họ vẫn đầu tư rất căn cơ cho đối tượng học sinh và có những ngôi trường đạt chuẩn quốc tế nghiêm chỉnh. Có phụ huynh học sinh gọi “đây là những người lãng mạn cuối cùng dám đầu tư thực sự cho học sinh theo những lý tưởng mình theo đuổi”.
____
Anh Quang Đồng, nguyên phóng viên báo Tuổi Trẻ, rồi hai anh chị cùng là phóng viên Ban Kinh tế của báo Lao Động vào thời tờ báo này khởi sắc nhất trong lịch sử của mình. Vì sao anh chị “bỏ nghề báo”?
Chúng tôi không bỏ nghề, mà hoàn cảnh đưa đẩy. Tờ Lao Động có chuyện lục đục nội bộ vào thời kỳ đang đi lên, khiến nhiều người chuyển đi. Năm 1995 ông xã tôi nghỉ trước và tôi nghỉ tiếp sau đó hai năm. Mở công ty lo làm ăn.
____
Nhìn lại bây giờ báo chí khó khăn, mình lại thành công, chắc anh chị thấy bước đi khi ấy của mình thật đúng đắn phải không?
Phải cảm ơn biến động cuộc đời đã làm cho mình rẽ ngoặt sang hướng khác.
____
Nhưng vì sao lại là đầu tư cho giáo dục chứ không là lĩnh vực khác?
Cơ duyên ra kinh doanh mở trường là một câu chuyện dài. Lúc khởi sự là do bức xúc của chính bản thân, chở con chạy vòng vòng tìm trường. Đó là năm 2000, khi con chúng tôi vào lớp 1. Thời điểm ấy trường tư thục chưa phổ biến nhiều. Từ ước mơ của hai vợ chồng về ngôi trường hoành tráng đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ cho mục tiêu giáo dục, chúng tôi quyết định sẽ đầu tư cho giáo dục. Chúng tôi nghĩ, trường phải ra trường, mục tiêu giáo dục thế nào, trường phải thế đó. Có sân chơi, có đủ tiện ích phục vụ. Muốn giáo dục toàn diện, phải đầu tư xứng đáng.
Trường phải ra trường, mục tiêu giáo dục thế nào, trường phải thế đó. Có sân chơi, có đủ tiện ích phục vụ.
____
Trong khi phần nhiều người Việt hướng tới Mỹ, Anh, Úc, anh chị lại lựa chọn Canada…
Anh, Mỹ, Úc, Singapore… quá nhiều rồi. Còn Canada chưa có ai làm, mình khai mở đường mới. Nhưng quan trọng hơn là chúng tôi tìm hiểu thấy nền giáo dục Canada rất có uy tín trên thế giới nhưng còn chưa quen thuộc ở Việt Nam. Nhiều người biết Canada là đất nước văn minh, phát triển nhưng còn mơ hồ, cho là xứ xa xôi lạnh lẽo, không như Mỹ, Anh. Một điều rất hay nữa là học phí ở Canada rẻ nhất trong khối các nước nói tiếng Anh. Môi trường sống thật là an ninh, thanh bình, chính trị ổn định, cấm dùng vũ khí. Chúng tôi có người chị ở Mỹ nhắn đưa các cháu sang cho đi học, nhưng nghĩ đến chuyện súng đạn mà ngán. Ở đấy, súng được mua bán quá dễ dàng, nên mới hay có những vụ xả súng vào trường học.
Khi dự Triển lãm Giáo dục Canada tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2008, chúng tôi rất thích. Vị Tổng lãnh sự nhiệt tình lắng nghe ý tưởng của chúng tôi và hứa sẽ giúp tìm đối tác giáo dục ở thành phố Niagara Falls (nơi có thác Niagara nổi tiếng thế giới), bang Ontario, Canada. Đó là một cơ duyên. Sang tìm hiểu, đặt mối quan hệ, điều làm chúng tôi ưng ý nhất là họ làm việc rất thực chất, đòi hỏi đúng tiêu chuẩn. Nhiều người mở trường hợp tác quốc tế theo kiểu tải chương trình về, thuê giáo viên dạy cho đỡ chi phí. Còn trường này yêu cầu tuyển đội ngũ giáo viên theo chuẩn của dự án, tốn kém hơn nhưng bảo đảm sát với mục tiêu đề ra. Yêu cầu của chúng tôi là trường chất lượng, chương trình chất lượng và giáo viên chất lượng. Điều thứ hai chúng tôi tâm đắc và quyết định hợp tác là họ rất trân trọng yêu cầu của chúng tôi khi trình bày dự án. Đó là giữ gìn nền văn hóa dân tộc, giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ.
____
Nhưng nhiều phụ huynh Việt Nam lại chỉ thích con mình nói tiếng Anh, chỉ tín nhiệm các trường nói toàn tiếng Anh, cho con mình như vậy mới là giỏi, toàn tiếng Anh mới là “quốc tế”?
Chúng tôi cũng từng gửi con học các trường quốc tế Anh, Mỹ thứ thiệt, chương trình tốt. Nhưng các con không học tiếng Việt từ lúc còn quá nhỏ, như mẫu giáo, nhà trẻ, nên nói tiếng Việt như người nước ngoài. Chúng tôi nghĩ, không hay gì khi mất gốc ngay chính trên quê hương mình. Chúng tôi luôn mong ước có trường cung cấp cho học sinh những tinh hoa của nền giáo dục thế giới, nhưng phải có quyền được học và biết tiếng Việt. Vậy mà ở các trường này, các cháu phải chọn ngôn ngữ phụ ngoài tiếng Anh là tiếng Pháp hoặc tiếng Hoa… Trường xây dựng ở Việt Nam, đối tượng học sinh chủ yếu là người Việt mà không dạy tiếng Việt thì vô lý không thể chấp nhận được. Nếu một đứa trẻ học trường quốc tế kiểu đó, hết bậc phổ thông sẽ đi học tiếp đại học ở nước ngoài, tất cả tới sáu, bảy năm, nếu không học tiếng Việt thì sẽ là người nước ngoài rồi còn gì. Không ai muốn con như vậy. Chúng tôi suy từ con mình ra để hiểu điều đó.
Không hay gì khi mất gốc ngay chính trên quê hương mình. Chúng tôi luôn mong ước có trường cung cấp cho học sinh những tinh hoa của nền giáo dục thế giới, nhưng phải có quyền được học và biết tiếng Việt.
____
Đối tác Canada đã tiếp nhận ý tưởng này ra sao?
Họ rất trọng thị với nền văn hóa Việt Nam, đề cao điều này. Họ nói đây cũng là cơ hội cho họ có dịp học tập, tìm hiểu một nền văn hóa mới, làm giàu có thêm cho văn hóa xứ họ vì Canada là một quốc gia đa văn hóa, nơi cũng có khá nhiều người Việt Nam sinh sống. Tiếng Anh chỉ là phương tiện toàn cầu hóa chứ không là mục tiêu để đi đến của các nền văn hóa. Họ nói rất coi trọng quan điểm của chúng tôi muốn gìn giữ văn hóa dân tộc, đánh giá đó là bản lĩnh và không có nhiều nhà đầu tư kiên định quan điểm như vậy trong hợp tác quốc tế. Chính vì thế, cấu trúc chương trình của họ có một môn cho tiếng mẹ đẻ. Học sinh Việt Nam sẽ học tiếng Việt, địa lý, lịch sử mỗi ngày một tiết trong suốt các ngày học trong tuần. Trường chúng tôi có học sinh của 30 quốc gia theo học, các em này sẽ học thêm tiếng Pháp. Học sinh lớp 9 trở lên phải có 30 tín chỉ mới lấy được bằng tú tài Canada, trong đó học sinh Việt Nam phải có một tín chỉ tiếng Việt.
____
Trong sự tràn lan, bùng nổ các trường quốc tế, các chuẩn được đưa ra khá mơ hồ, thì Trường CIS (Canadian International School) lại trở thành một trường có thương hiệu và uy tín. Anh chị đã làm nên một chuẩn trường quốc tế cho CIS như thế nào?
Đúng là chưa ai đưa ra tiêu chí định chuẩn thế nào là trường quốc tế đúng nghĩa, nên chúng tôi đã đặt ra những tiêu chí do mình chủ trương. Theo tôi, khó có tiêu chuẩn quốc tế chung. Mỹ, Ý, Canada… phải cụ thể, còn phụ thuộc vào sử dụng chương trình giáo dục chính thống của từng quốc gia. Có những trường đào tạo theo chương trình của Việt Nam cũng gọi là “quốc tế”, nhiều lầm lẫn. Chúng tôi có trường quốc tế Canada, dùng chương trình, giáo viên và bằng cấp do Canada cấp. Chúng tôi cũng mở thêm học xá đào tạo song ngữ (học xá BCIS mới khánh thành ở Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP. Hồ Chí Minh), chương trình đào tạo theo Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, có đưa thêm chương trình tiếng Anh để phát triển kỹ năng. Tạm gọi là đào tạo song ngữ, chưa định danh. Gọi thế để phân biệt rõ với học xá CIS chương trình quốc tế Canada. Học sinh của trường ngoài việc được học chương trình chính thống còn được học các kỹ năng – vốn đang là lỗ hổng của nền giáo dục hiện nay. Chẳng hạn như cách diễn đạt, tiếng Anh, rèn luyện tính cách và các kỹ năng sống. Các em sẽ có trình độ tiếng Anh đạt cấp độ B2, theo tiêu chuẩn ngôn ngữ châu Âu. Học xá song ngữ BCIS này là sự lựa chọn phân khúc thị trường có mức chi phí, học phí thấp hơn trường quốc tế nhưng giữ được tính hiệu quả.
____
Mở Trường Quốc tế Canada đã được bốn năm (khai giảng 2009), đã có lứa đầu học xong bậc trung học, có thể nói đã định hình được chuẩn quốc tế theo đúng ý anh chị chưa? Chuẩn đó nói ngắn gọn ra sao, thưa chị?
Theo ý tưởng chăm sóc và có cách phát triển đến từng học sinh, để các em có kiến thức, kỹ năng hòa nhập quốc tế và ứng phó được với các thay đổi của cuộc sống. Đây là trường đầu tiên và duy nhất dạy chương trình Canada tại Việt Nam, có chương trình giáo dục độc đáo, bắt buộc theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục Ontario (tại Canada không có Bộ Giáo dục chung cho toàn quốc). Được coi là trường quốc tế thực thụ do các tiêu chuẩn sau: Chương trình học của Canada được chuyển giao, giám sát chất lượng, cấp bằng (hết lớp 12 tốt nghiệp trung học nhận bằng tú tài Ontario). Giáo viên người Canada chuyên nghiệp, có bằng cấp quy định do phía Canada tuyển chọn. Xây dựng được môi trường giáo dục đa văn hóa, cơ sở vật chất hiện đại chuẩn mực quốc tế, hiểu biết và giữ gìn bản sắc dân tộc đúng với slogan của trường: “Nâng cánh trí tuệ, giữ gìn bản sắc”. Xây dựng được môi trường giáo dục tiến bộ nhân văn. Học sinh phải được chứng nhận đã có 40 giờ phục vụ cộng đồng, tham gia công tác xã hội với tư cách công dân.
____
Chị nhận xét thế nào về trình độ học tập của học sinh Việt Nam khi được học chương trình quốc tế?
Các em thông minh và trình độ tiếp thu không kém. Chỉ có vấn đề tiếng Anh hơi yếu, nhưng theo môi trường này một thời gian, các em bắt kịp. Với học sinh Việt, chỉ có hai thứ hơi yếu là tiếng Anh và kỹ năng hội nhập.
____
Có người cho rằng giờ đây đầu tư vào trường quốc tế không hề dễ. Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng “bây giờ là lúc đào thải các sản phẩm hàng chợ và nhiều thách thức cho hàng hiệu trong lĩnh vực trường quốc tế”. Vợ chồng chị và nhà trường đã xây dựng thương hiệu có uy tín, vậy theo chị còn khó khăn nhiều không?
Thách thức bao giờ cũng có nhiều. Tiền học phí trường quốc tế là vấn đề, phân khúc cũng hạn chế, chỉ là người nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam và những người Việt khá giả. Với cơ chế chính sách hiện nay, không có một ưu tiên nào cho đầu tư giáo dục, từ mua đất, thuê đất cho đến các khoản thuế. Tất cả mọi chính sách dành cho một doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục cũng không khác gì một doanh nghiệp bất động sản. Như vậy cũng khó kêu gọi nhà đầu tư giảm mức thu học phí. Và nhà đầu tư không có tâm sẽ rất dễ cắt xén bớt sự đầu tư. Mục tiêu như thế nào sẽ đầu tư như thế. Cơ bản là định hướng những mục tiêu gì. Nhiều phụ huynh nói đùa nhưng rất cảm động. Họ nhìn cách đầu tư, tính toán xây dựng trường sở, ưu tiên quan tâm đến học trò trong từng chi tiết như chỗ nào cũng có sảnh rộng, trang bị hiện đại, vệ sinh… và nói: “Anh chị là những người lãng mạn cuối cùng còn sót lại dám đầu tư cho con người theo lý tưởng của mình. Cảm ơn anh chị đã dám đầu tư, các cháu có được tốt hay không là do cái tâm của nhà đầu tư. Nếu tìm siêu lợi nhuận thì người ta không đầu tư cho loại hình đặc thù thế này”. Với chúng tôi, không tấm bằng khen nào bằng những lời chân thành như thế.
(Anh Quang Đồng nói rõ thêm ý tưởng của vợ chồng anh khi đầu tư cho giáo dục: Mở trường để có học sinh thi đậu 100% một cách thực chất cũng không khó. Kể cả giỏi tiếng Anh, nói lưu loát cũng vậy, dù tốn kém. Ba năm là có thể đạt trình độ B2 chuẩn của khung châu Âu. Nhưng điều đó cũng không có ý nghĩa lớn nếu các em không biết làm chủ cuộc sống, không có kỹ năng tìm tòi sáng tạo. Những kỹ năng tự tìm tòi kiến thức, biết giải quyết các vấn đề của cuộc sống, bản lĩnh vào đời, làm chủ tương lai, dám phản biện, làm chủ bản thân mình. Những điều đó mới có ý nghĩa lớn và đó là mục tiêu của anh chị.)
____
Trong quá trình lăn lộn với nhiều công việc lớn như thế, yếu tố nào khiến anh chị cảm thấy khó khăn nhất?
Nhiều người sẽ không tin và ngạc nhiên, bất ngờ khi tôi nói điều này: Khó nhất không phải là tài chính, vì có thể bươn chải. Chúng tôi tin câu “còn người còn của”. Khó khăn nhất lại là về phụ huynh học sinh. Phải là người trong cuộc mới hiểu điều này. Cha mẹ kỳ vọng vào tương lai tốt đẹp của con là điều dễ hiểu, nhưng để họ đủ kỹ năng, sự hiểu biết, đồng cảm với quan điểm giáo dục hiện đại của nhà trường thì không phải ai cũng có.
Cha mẹ kỳ vọng vào tương lai tốt đẹp của con là điều dễ hiểu, nhưng để họ đủ kỹ năng, sự hiểu biết, đồng cảm với quan điểm giáo dục hiện đại của nhà trường thì không phải ai cũng có.
____
Chị có thể dẫn ra một thí dụ cụ thể?
Chúng tôi đưa vào trường những thành quả tiến bộ, tinh hoa, có chất lượng thực sự của Canada, nhưng nhiều phụ huynh không chấp nhận cách giáo dục của văn minh phương Tây. Tập cho trẻ sự tự lập thì có phụ huynh thắc mắc: “Con tôi khó ăn, sao không có ai kèm xúc giúp cho cháu?”. Trong khi quan điểm của giáo dục Canada giải thích rằng: Hãy để trẻ quyết định việc đó. Ăn là phản xạ của nhu cầu sống còn, đói sẽ phải ăn. Đến một môi trường chung không thể có người ngồi kèm cho riêng một em nào như thế. Lại có phụ huynh thắc mắc sao không che hồ bơi lại cho con mình khỏi nắng, mà không nghĩ rằng hồ là thiên nhiên, phải để trẻ hít khí trời…
____
Còn những thắc mắc về chuyện học thì sao, thưa chị?
Về chất lượng chương trình thì không vấn đề gì, nhưng có phụ huynh muốn can thiệp theo kiểu “sao học kỳ này cháu chưa được học môn này”… Giáo viên Canada yêu cầu không cho học thêm tùy tiện tiếng Anh không đúng chuẩn, bởi khiến học sinh học cái sai sẽ rất khó sửa. Hoặc gia đình để trẻ nhiễm những tính cách, thói quen không tốt (có cháu cho biết mình không cần học hành gì nhiều cho mệt, bố mẹ làm sếp lớn, nhà giàu, đã sắp xếp lo cho hết rồi…). Rồi có phụ huynh đề nghị nhà trường cho thôi học các cháu bị tự kỷ nhẹ vì sợ sẽ ảnh hưởng đến con mình, chứ không hề dạy con có lời động viên hay giúp đỡ. Cho nên khó nhất vẫn là làm sao cho các bậc cha mẹ đồng cảm với mình, vì họ không ở trong tầm tay mình.
____
Có lần chị đã nói: “Thị trường giáo dục vẫn là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư tư nhân”. Bây giờ chị vẫn có thể nói vậy không?
Theo hai nghĩa, nghĩa đen và nghĩa bóng nhé. Đất dành cho ngành giáo dục xây trường còn nhiều, nhưng “đất vàng” chẳng bao giờ dành cho giáo dục. Mơ ước không dám với tới được. Còn đất nghĩa bóng thì thị trường giáo dục còn nhiều tiềm năng với nhà đầu tư nào dám đầu tư nghiêm túc. Nghĩa là không bóc ngắn cắn dài, thiếu căn cơ, mong thu hồi vốn nhanh. Tất nhiên chúng tôi hiểu, làm kinh tế phải tính hiệu quả. Chúng tôi làm với tư cách một nhà đầu tư chấp nhận phải một thời gian dài mới thu hồi được vốn, như vậy xã hội sẽ được hưởng lợi. Nếu tính theo kiểu mua bán một món hàng, thu lợi liền thì không ai dám đầu tư, vì không có cái gì được ưu đãi cả. Đất mua theo giá thị trường, thuế theo khung giá nhà nước, mọi chi phí đều tính như các dự án khác. Đầu tư vào giáo dục không thu lợi nhanh như tính toán mua bán một căn nhà. Như vậy, theo cả hai nghĩa đen và bóng thì ý tôi nói, luôn còn đất cho những người dám đầu tư theo cách nghiêm túc và nghĩ đến xã hội như vậy.
____
Nghề báo có để lại “dấu vết” nào giúp (hoặc cản ngại) cho anh chị trên bước đường công việc mới này?
Nghề báo giúp chúng tôi rất nhiều. Đầu tiên là cái “thói” nhà báo, làm cái gì cũng cho thật “đã”, cho thỏa mãn mục đích. Nếu có làm gì cho giáo dục cũng bắt nguồn từ những trăn trở từ trong những ngày làm báo, những suy nghĩ của hai mươi năm làm phóng viên nhìn thấy thực tế xã hội và con người. Tôi luôn muốn có lúc quay trở về nghề viết.
(Anh Quang Đồng nói thêm, làm báo có thói quen tư duy, hiểu biết có hệ thống, luôn muốn đổi mới, tìm ra giải pháp. Thói quen tìm tòi, phân tích, tổng hợp chính là do nghề báo đem lại.)
Không chỉ chúng tôi mà chắc người đọc cũng mong muốn báo chí có sự cổ vũ cho giáo dục toàn diện nhiều hơn, có nhiều diễn đàn thực sự, làm rõ mục tiêu giáo dục, triết lý giáo dục nhắm vào những gì. Chứ đừng chỉ làm sự vụ theo mùa thi, mùa khai giảng…
____
Xin cảm ơn anh chị về cuộc trao đổi.