Sinh ra để chạy và Meb viết cho người phàm là hai cuốn sách siêu hot của giới chạy bộ đã được xuất bản và phát hành tại Việt Nam, dịch giả chính là Nguyễn Kiến Quốc. Ngoài ra, anh còn là “người truyền lửa” trên các diễn đàn chạy bộ.
Nguyễn Kiến Quốc, 38 tuổi, hiện sinh sống và làm việc tại Tokyo (Nhật Bản). Chia sẻ về đam mê chạy bộ và dịch sách của mình, Quốc nói: “Tôi đến với chạy bộ vì một lý do không liên quan đến chạy bộ cho lắm. Đầu năm 2010, tôi bắt đầu tập tennis cùng đồng nghiệp ở công ty.
Chơi tennis được hơn một năm, tôi tự nhận thấy sức bền rất kém nên quyết định thử tập chạy bộ để cải thiện. Ban đầu tôi lần mò nghiên cứu hướng dẫn trên các trang web nước ngoài và làm theo, dần dần tôi chạy được dài hơn và thấy thể lực tăng tiến đáng kể”.
Du lịch bằng chân rất thú vị
Từ chỗ chạy để cải thiện thể lực phục vụ việc chơi tennis tốt hơn, anh đâm nghiện chạy bộ. “Càng chạy tôi càng muốn thử xem ngưỡng giới hạn của mình đến đâu và càng chạy nhiều thêm nữa. Sau đó, tôi bỏ luôn cả tennis để chạy bộ từ lúc nào không biết.
Tuy nhiên, thời gian từ 2012-2015 tôi chỉ chạy một mình và không chạy quá cự ly bán marathon. Giữa năm 2015, được một người bạn giới thiệu vào Hội những người thích chạy đường dài (LDR), tôi mới biết là có một cộng đồng những người yêu thích môn này. Các kiến thức về môn này được tổng hợp, hệ thống lại và chia sẻ rất tích cực trong LDR.
- Xem thêm: 9 lời khuyên để nhập môn chạy bộ
Sau khi vào LDR, tôi học theo mọi người, chạy nghiêm túc hơn và bắt đầu chạy lên tới các cự ly xa hơn như marathon, ultra. Khi ở Việt Nam, tôi làm kinh doanh thiết bị công nghiệp cho văn phòng đại diện của một công ty nước ngoài.
Từ tháng 10-2016 đến nay, tôi và gia đình chuyển sang Tokyo sinh sống và làm việc. Hiện tôi làm trong một công ty ở lĩnh vực nhân sự. Từ khi sang đây, do không thu xếp được thời gian để tập luyện các cự ly ultra nên tôi tập trung cải thiện thành tích ở cự ly marathon”, anh Quốc kể.
_______
Sức khỏe, cuộc sống của anh có gì đổi thay sau quá trình chạy bộ?
Từ khi chạy bộ đều đặn, thể lực và sức bền của tôi được cải thiện đáng kể. Trước khi đến với môn chạy bộ, năm nào tôi cũng ốm lặt vặt vài lần, ho, viêm họng dài ngày cả mùa hè lẫn mùa đông, nhưng 4-5 năm nay không hề ốm đau gì nữa.
Cũng giống như hầu hết người chạy bộ khác, mỗi khi đi du lịch hay công tác ở một nơi mới, tôi luôn thu xếp để chạy bộ. Du lịch bằng chân rất thú vị đấy. Đặc biệt là sau khi sang Nhật Bản làm việc, đất nước có phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, tôi càng thấy ý nghĩa của việc có thể xách giày chạy lang thang vài chục cây số.
Một nửa những gì tôi học được từ chạy bộ đến từ việc đọc cuốn Meb viết cho người phàm mà anh Nguyễn Kiến Quốc đã dịch. Trong chạy đường dài, dù là người bình thường hay VĐV chuyên nghiệp thì đều trải qua những cung bậc cảm xúc giống nhau trên đường đua. Cuốn sách này rất cơ bản và cực kỳ hiệu quả với người chạy bộ.
ĐINH HUỲNH LINH (BÁC SĨ TIM MẠCH, MARATHONER)
Chia sẻ kiến thức và niềm vui chạy bộ
_______
Những năm qua, cộng đồng chạy bộ ở VN biết đến anh với vai trò dịch giả qua hai cuốn sách Meb viết cho người phàm và Sinh ra để chạy…
Tôi bắt tay dịch Meb viết cho người phàm từ đầu năm 2016 và đăng một số chương trên trang web của bác sĩ, marathoner Đinh Huỳnh Linh. Lý do Linh và tôi muốn dịch và chia sẻ nội dung cuốn sách này với cộng đồng chạy bộ Việt Nam là vì thời gian đó tài liệu hướng dẫn chạy bộ đường dài bằng tiếng Việt hầu như không có, mà cuốn sách của Meb lại khá đầy đủ thông tin, vừa hay lại vừa dễ hiểu. Tuy nhiên, do vài lý do, việc dịch cuốn sách đó bị gián đoạn.
Khoảng giữa năm 2016, tôi được bạn bè trong hội LDR giới thiệu cuốn Sinh ra để chạy và đọc thử. Thấy sách rất hay, lôi cuốn, tạo cảm hứng cao nên tôi dịch thử rồi đăng một số chương lên mạng. Các chương sách đó được cộng đồng chạy bộ và bạn bè hưởng ứng, một số người đã đề nghị tôi tìm cách xuất bản để vừa “hợp pháp hóa” bản quyền mà lại tăng được khả năng lan tỏa của sách.
Nhờ sự giúp đỡ của các anh chị em trong nhóm admin LDR, tôi đã xuất bản được bản dịch cuốn Sinh ra để chạy. Sau đó, cảm thấy tiếc cuốn Meb viết cho người phàm còn dở dang, tôi tiếp tục làm việc với nhà sách đã xuất bản cuốn Sinh ra để chạy và in tiếp cuốn Meb viết cho người phàm. Tháng 4-2020, nhà sách này lại hợp tác với tôi để xuất bản một cuốn sách nữa về chạy bộ: Chạy bộ cùng người Kenya. Do thời gian tôi dịch không liên tục, chủ yếu thực hiện vào lúc rảnh sau giờ đi làm, đi học, nên mỗi cuốn thực hiện mất 3-4 tháng.
_______
Ngoài đam mê, muốn truyền lửa cho người chạy bộ, anh còn lý do nào khác để dịch sách? Thù lao chẳng hạn?
Tôi dịch sách một phần vì thích dịch, như một cách để giải trí và rèn luyện ngoại ngữ. Ngoài ra, trong quá trình dịch sách tôi được học hỏi thêm nhiều điều. Vì tôi quá thích cuốn Sinh ra để chạy, muốn chia sẻ cuốn sách với cộng đồng nên đã tặng bản dịch cuốn đó cho anh chị em hội LDR và không nhận thù lao dịch.
Các cuốn Meb viết cho người phàm và Chạy cùng người Kenya thì tiền nhuận dịch cũng rất thấp, không tới 20 triệu đồng/cuốn. Tôi dịch sách chạy bộ với mục đích chia sẻ kiến thức, chia sẻ niềm vui chạy bộ với mọi người là chính, thù lao là chỉ nhận cho vui.
_______
Chạy là gì với cuộc sống của anh?
Chạy bộ là cách giúp tôi tạo nguồn năng lượng tích cực trong cuộc sống hằng ngày. Không chỉ bản thân việc chạy bộ, mà cả việc được chia sẻ kiến thức với mọi người, trao đổi thông tin với bạn bè và “dụ dỗ” được người khác tham gia môn này cũng đem lại cho tôi sự hứng khởi. Chạy bộ cho phép tôi khám phá chính cơ thể mình, khám phá các giới hạn của bản thân, gắn kết tôi với nhiều bè bạn.
_______
Mục tiêu của anh trong thời gian tới với chạy bộ và trong vai trò dịch giả là gì?
Mục tiêu của tôi là cải thiện được thành tích cá nhân ở cự ly marathon (kỷ lục cá nhân hiện tại của tôi là 3 giờ 26 phút, hi vọng trong năm nay hoặc đầu năm sau có thể rút xuống khoảng 3 giờ 15 phút). Đối với cộng đồng chạy bộ, tôi sẽ tiếp tục đóng góp các thông tin, kiến thức mà mình tìm hiểu được qua các bài viết trên mạng… và thông qua các cuốn sách dịch về chạy bộ. Hi vọng những thông tin, kiến thức và các câu chuyện tôi chia sẻ sẽ góp thêm chút cảm hứng cho những người yêu chạy bộ và phần nào giúp phong trào chạy bộ của Việt Nam ngày một lớn mạnh.