Với nhiều người, việc chinh phục chiều dài đất nước hình chữ S bằng chạy bộ hoặc đạp xe là điều không tưởng. Nhưng đó lại là một trải nghiệm khó quên đối với những người chấp nhận thử thách để tìm kiếm giới hạn của bản thân. Hãy nghe những người từng hoàn thành hành trình xuyên Việt sau đây chia sẻ về những trải nghiệm đáng nhớ của mình.
Nguyễn Tiến Hùng – Phó giám đốc công ty Phin lọc và phụ tùng FSC
Nếu có người rủ đi xuyên Việt lần nữa, chắc tôi sẽ không từ chối. Vì với tôi, cảnh sắc đất nước Việt Nam rất đẹp, một lần đạp xe tốc độ trong mười ngày không thể ngắm đủ. Hơn nữa, có đến ba bốn đường xuyên Việt khác nhau, nên chỉ mới chinh phục được một cung đường có lẽ chưa phải là trải nghiệm trọn vẹn.
Tuy nhiên, một lần chinh phục cung đường Bắc Nam trong 10 ngày quả là một thử thách khó quên của tôi. Hiếm có nhóm xuyên Việt nào như năm cua-rơ U50 chúng tôi, đi đường xa mà không cần đến nhóm hỗ trợ. Các thành viên đều tự “thồ” thức ăn, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và cả đồ nghề sửa xe. Chúng tôi đạp xe trung bình mỗi ngày gần 200km. Không ít chặng đèo dốc cao, như chặng từ xã Trường Sơn đi Khe Sanh chỉ khoảng hơn 130km nhưng cao độ tới 1.600m. Ngoài ra, có đến sáu ngày mưa, nên đoạn đường đi cũng không dễ dàng chút nào.
Từ ngày thứ 5, tôi tách đoàn, rẽ xuống Đông Hà, Khe Sanh (Huế) đi theo đường ven biển. Quãng đường đạp xe một mình, tôi phải tự tạo động lực cho mình để không bị nản. Tuy nhiên, sáu ngày “độc hành” trên đường đạp xe là quãng thời gian vô cùng quý giá với tôi. Có thể nói, lần đầu tiên trong đời, tôi có đủ thời gian tĩnh lặng để suy ngẫm về cuộc đời, con người và tất cả những giá trị mà mình đang có. Tôi nhận ra rằng khái niệm “đi để trở về” hoàn toàn không phải là sách vở mà đó là một cảm nhận thật sự khi tâm trí đủ tĩnh. Có đi mới thấy đất nước mình thật đẹp, con người Việt Nam thật thú vị. Có đi xa mới thấy nhớ và muốn trở về với gia đình, bạn bè của mình.
Chuyến đi dài hơn 1.700km sẽ không thể hoàn thành nếu thiếu sức bền mà tôi có được sau nhiều năm luyện tập thể thao. Tôi đã có thói quen luyện tập thể dục thể thao từ những năm 1987-1988. Trong quân ngũ, tôi thường xuyên tập hít xà, chống đẩy và chạy bộ. Sau khi xuất ngũ, tôi vẫn duy trì việc luyện tập thể thao cho đến bây giờ.
Theo tôi, thể thao nói chung và đạp xe nói riêng cũng là một lối sống. Khi chọn lối sống thể thao, tôi đã bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa rượu bia cùng những cuộc vui vào lúc đêm muộn. Tôi nghĩ một cách đơn giản rằng, mọi việc lớn đều bắt nguồn từ việc nhỏ, mọi việc khó đều bắt nguồn từ việc dễ. Muốn trở thành người đàn ông có trách nhiệm, trước hết tôi phải là người có sức khỏe và có lối sống kỷ luật. Và không quá khó để đạt được mục tiêu này nếu bạn chọn cho mình một môn thể thao để luyện tập và chọn cho mình một thử thách để tìm ra giới hạn của bản thân…
Nguyễn Hữu Duy – Người sáng lập thương hiệu HD Gia Lai Coffee
Sau bốn lần khởi nghiệp thất bại, tôi tự hỏi mình đang tìm kiếm điều gì cho cuộc sống, sự nghiệp? Để trả lời cho câu hỏi này, tôi đã quyết định thực hiện hành trình xuyên Việt bằng xe đạp. Hành trình dài đến 45 ngày, cho tôi lắm cảm xúc và nhiều trải nghiệm. Trong tuần đầu tiên, tôi hơi hối hận vì cơ thể mệt mỏi, đau nhức và có một chút sợ hãi. Nhưng từ tuần thứ hai trở đi, tôi bắt đầu thấy thích cuộc chinh phục mạo hiểm này.
Chuyến đi của tôi khá thuận lợi vì tôi đã nghiên cứu về lộ trình từ internet và lên kế hoạch một cách cẩn thận về chuyến đi. Tôi chia hành trình theo từng tuyến khác nhau, rút ngắn thời gian thăm thú ở những khu vực, tỉnh thành nào đã từng đi qua, thời gian di chuyển ở đồng bằng nhiều hơn đồi núi để không mất sức. Tôi cũng có kế hoạch tài chính khá chi tiết và kế hoạch chi tiêu hợp lý. Chuyến đi cũng được sự cổ vũ động viên của các bạn trên mạng xã hội, khi tôi chia sẻ về chuyến đi của mình, đó là động lức lớn để tôi hoàn thành thử thách. Sự thân thiện, niềm nở của những người nông dân tôi gặp trên đường càng khiến tôi thêm tin yêu vào con người. Tôi cũng thấy được nghị lực của bản thân, để rèn luyện khả năng đương đầu với thử thách, không bỏ cuộc trước khó khăn, chông gai. Điều quan trọng nhất là tôi đã biết quý trọng sức khỏe, không để những căng thẳng, mệt mỏi làm mình gục ngã. Sau chuyến đi, tôi quyết tâm xây dựng một lối sống lành mạnh và bắt đầu chơi một môn thể thao nào đó để rèn luyện sức khỏe.
Khi thong dong trên những vòng xe, được ngắm nhìn thiên nhiên một cách chậm rãi, trông thấy người nông dân vất vả trên đồng ruộng. Tôi dành thời gian suy nghĩ, chiêm nghiệm nhiều hơn về cuộc sống và bản thân. Bỗng nhiên bao nhiêu muộn phiền, lo lắng đều tan biến, trong tôi chợt thấy yêu thiên nhiên, con người đến lạ.
Cao Đức Thái – Người sáng lập dự án Sách và Hành động
Tôi tin rằng khi mỗi một lời hứa được thực hiện, cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi. Vì vậy, mỗi năm tôi đều chọn một lời hứa và mỗi năm năm tôi đều chọn một sứ mệnh để thực hiện. Năm 2013, ở cái tuổi 25 “dở dở ương ương”, tôi tự hỏi: “Nếu mai chết đi thì cuộc đời mình đã làm được gì?”. Rồi tôi chọn chạy bộ xuyên Việt, đơn giản vì là một điều “làm được” của cuộc đời mình mà thôi.
Tôi tự hứa là sẽ chạy bộ xuyên Việt trong 30 ngày, mặc dù trước đó, mỗi lần tôi chỉ chạy được khoảng 2km. Để hoàn thành lời hứa, mỗi ngày tôi phải chạy 60km với bao khó khăn như: thời tiết mưa nắng thất thường, đường bụi bặm khiến tôi muốn ngạt thở, hết bị sốt rồi đến tiêu chảy, chấn thương cơ xương và cả những mâu thuẫn với bốn người trong đoàn. Ngày cuối cùng, tôi vừa chạy vừa lết trên chặng đường dài 105km trong suốt 30 giờ đồng hồ, để có thể chạm vạch đích là dinh Độc Lập (TP. Hồ Chí Minh) trước thời hạn là 10 phút. Trên đường chạy dài hơn 1.700km, không ít lần tôi cảm thấy tủi thân, thậm chí nghĩ rằng mình có thể sẽ bị bại liệt vì chạy bộ quá sức. Dù vậy, tôi vẫn quyết định không bỏ cuộc. Và hành trình gian khổ ấy thật sự đáng giá, nó cho tôi bài học về sự khiêm tốn khi sống cùng những người bạn đồng hành chu đáo và giàu trách nhiệm đồng thời làm thay đổi cuộc đời tôi.
Sau chuyến xuyên Việt, cứ mỗi một năm tôi đều chọn thực hiện một lời hứa hay một sứ mệnh. Chẳng hạn như năm 2014 tôi đặt lời hứa là đến năm 2019, tôi sẽ thành lập 200 Câu lạc bộ Sách và Hành động tại 200 trường học trên toàn quốc để phát triển văn hóa đọc, tinh thần hành động, tinh thần không bỏ cuộc cũng như những điều đáng giá tôi học được trong cuộc sống. Lời hứa này tôi hoàn thành trước thời hạn vì đến nay đã có 250 CLB Sách và Hành động được thành lập. Với tinh thần “không bỏ cuộc” mà tôi học được từ hành trình xuyên Việt, tôi tin rằng mình cũng sẽ hoàn thành được sứ mệnh mới, đó là thành lập 2.000 CLB Sách và Hành động tại 2.000 trường học trên cả nước.
“Một hòn đá lăn mãi sẽ không bao giờ có rêu”, một người luôn cố gắng tiến về phía trước chắc chắn sẽ trưởng thành, phát triển. Tôi tin rằng bất cứ ai kiên định với ước muốn cho đi nhiều hơn nhận lại thì sẽ có một cuộc đời đẹp. Và một “lời hứa đẹp” sẽ nhận được sự sẻ chia, trợ giúp của những người cùng chí hướng.
Những ngày giáp tết này, có lẽ phần lớn chúng ta đều có những lời hứa, ước nguyện cho năm mới. Còn tôi, trong những ngày này, tôi thường đi lang thang dạo quanh phố phường, rồi tìm cho mình một chỗ ngồi trong quán cà phê tĩnh lặng nào đó để đầu óc được nghỉ ngơi. Đến đêm Giao thừa, tôi mới bắt đầu nghĩ tới những lời hứa cho năm sau. Rồi sau mấy ngày tết, tôi sẽ quyết định theo đuổi một lời hứa quan trọng nào đó trong năm mới…