Chúng ta hay gọi tuổi trẻ là thanh xuân, nghĩa là tuổi cho sự khởi đầu tươi mới, có chút bỡ ngỡ, lo lắng, lại có chút hoang mang. Nhưng người trẻ ai cũng tràn trề sức sống, hy vọng và niềm tin. Ấy thế mà, cách đây mười năm, trong một diễn đàn đa thế hệ, một vị diễn giả có uy tín đã nói rằng “Người trẻ bây giờ sống nhạt nhẽo lắm”.
Bạn bè tôi thì cho rằng đó đơn giản là một nhận định mang tính giật gân. Hầu hết bạn tôi đều đang có một công việc lương cao, cuối tuần có thời gian dành cho bản thân, vậy là xem như đời đã khá đủ đầy, “hơi đâu” mà bận tâm đến chuyện mặn hay nhạt. “Cứ YOLO (you only live once), ai cũng chỉ có một lần để sống, suy nghĩ chi cho mệt đầu. Nhưng câu nói ấy khiến tôi cảm thấy… tự ái, đến không ngủ được. Tôi cũng đang là “người trẻ”, và tôi liệu có đang sống nhạt?
Tôi đã dành mười năm qua để bắt đầu hành trình “làm mặn” cuộc đời mình, khởi đầu bằng hai chữ “tự vấn”. Một loạt câu hỏi được tôi đặt ra cho chính mình, cho phép một lần thật sâu hoài nghi mọi sự, vươn mình đến những khả năng cao đẹp hơn.
Sở thích viết lách và chiêm nghiệm cuộc đời đã giúp tôi góp nhặt các bài viết và sắp xếp chúng theo trật tự khả dĩ nhất, tuy chưa thể có tính hệ thống như một tác phẩm trình bày về một đề tài nào đó, nhưng vừa đủ để mang đến cho người đọc chút suy tư về tuổi trẻ của mình.
Trước hết, tôi làm điều này vì muốn có một kỷ niệm với cuộc đời. Mặt khác, tôi tin rằng ngoài những cái cụ thể riêng có ở mỗi người, thì tuổi trẻ có những điểm chung của nó. Quá trình làm công việc đào tạo, đồng hành với rất nhiều doanh nghiệp, tôi thường nghe họ than phiền về lực lượng lao động trẻ. Tôi không muốn đổ lỗi cho nền giáo dục. Tôi tự thấy mình có một phần trách nhiệm với thực trạng này, nhất là khi chọn nghề dạy học làm sự nghiệp.
Độc giả tôi hướng đến là các bạn trong độ tuổi 18 đến dưới 35, những người không dễ gì thoát khỏi sự hoang mang, đặc biệt trong bối cảnh bất định hiện nay. Hoang mang là món quà của tuổi trẻ, nhưng nếu không biết đương đầu đúng cách, nó sẽ làm tê liệt sự sống.
Bị chê “nhạt nhẽo” có lẽ là “vết thương lòng” khó quên của đời tôi, nhưng cũng là “nỗi đau ngọt ngào” mà tôi may mắn nếm trải. Có lẽ, người đọc sách cũng ít nhiều cảm thấy “đau”, nhưng tôi nghĩ rằng tự vấn thường mang lại nỗi đau hơn là niềm vui thích. Xin hãy một lần “tự vấn” và dấn thân trong sự dìu dắt của lương tri và những người yêu thương. Nếu được phép, thông qua cuốn sách này, tôi mong đồng hành cùng bạn trên hành trình “mặn hóa” cuộc đời mình.
Vũ Đức Trí Thể – tác giả sách Tuổi trẻ tự vấn