Nam Sơn hòa thượng có hai đệ tử. Một hôm, đệ tử lớn xuất ngoại hóa duyên, sau một ngày vất vả đệ tử lớn xin được một gánh đào và anh ta rất vui gánh đào trở về chùa.
Khi đi qua thôn Lý Gia Trang, anh ta khát nước mới để gánh đào ở dưới gốc cây to đầu thôn rồi đi xin nước uống.
Sau khi uống nước xong quay lại anh ta thấy dân chúng đang vây quanh gốc cây ăn đào của mình, anh ta vội kêu lên: “Đây là đào của tôi, không được ăn”. Nghe anh ta kêu mọi người cười ồ lên rồi tản đi.
Khi về đến chùa, đệ tử lớn phàn nàn với sư phụ Nam Sơn: “Người thôn Lý Gia Trang độc ác đã ăn trộm đào của con”.
Sư phụ cười rất hiền từ: “Không nên trách họ, con chỉ nên cầu nguyện Phật tổ phù hộ cho họ bình an”.
Mấy hôm sau, đồ đệ nhỏ cũng xuất ngoại hóa duyên, lúc về đến gần thôn Lý Gia Trang thì bị trượt chân ngã sái cả chân.
Dân thôn thấy vậy dìu đệ tử nhỏ vào trong thôn rồi lại mời thầy thuốc đến chữa trị. Sau khi chân hết đau, đệ tử nhỏ về chùa nói chuyện dân thôn giúp mình cho sư phụ nghe.
Sư phụ cười rồi hỏi đệ tử lớn: “Vậy bây giờ con còn nói người thôn Lý Gia Trang ác không?”.
Đệ tử lớn gãi gãi đầu nói: “Lần trước, đúng là họ có ác với con, nhưng lần này sao họ lại thân thiện như vậy?”.
Sự phụ nói: “Người luôn vì thiện và người luôn vì ác là rất ít. Đại đa số người đều giống như dân thôn Lý Gia Trang là những người bình thường. Ở những người bình thường về bản chất của họ có chút thiện và cũng có thể có chút ác.
Nếu con tạo cho họ một cơ hội làm việc thiện, tính thiện của họ sẽ được bộc lộ, ngược lại nếu con tạo cho họ cơ hội làm việc ác thì tính ác của họ sẽ được bộc lộ cho nên có thể nói rằng ác nên tha thứ và thiện nên khuyến khích. Con để gánh đào dưới gốc cây không có ai trông giữ thì đứng nên trách người ta ăn trộm”.