Theo cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Lão hóa Toàn cầu phối hợp với Tập đoàn Prudential châu Á thực hiện thì có đến 95% người lao động ở Việt Nam lo lắng về tình trạng nghèo khó, thiếu tiền trang trải đời sống khi về hưu.
Kết quả nghiên cứu mang tên “Từ thách thức tới cơ hội” thu thập ý kiến và nguyện vọng của người lao động khi về hưu tại 10 nước ở Đông Á, trong đó có Việt Nam. Tại mỗi nơi được khảo sát, càng ngày càng có nhiều người mong khi về hưu được nhận các khoản tiền từ bảo hiểm và các nguồn quỹ niên kim, phương thức đầu tư khá phổ biến trong giới hưu trí ở các xã hội phát triển.
Ở Trung Quốc, Hongkong, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan, trong số 10 người được hỏi thì có từ sáu đến tám người cho biết muốn có thu nhập từ các nguồn tài chính này khi về hưu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Philippines và Indonesia thì chưa tới 1/4 những người lao động muốn đầu tư vào các nguồn quỹ này để ổn định tài chính lúc không còn khả năng lao động.
Theo cơ quan hữu trách, số người mua bảo hiểm xã hội trong nước đã vượt quá 10 triệu người. Tuy nhiên, ông Phùng Đắc Lộ, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cảnh báo có nguy cơ các nguồn quỹ bảo hiểm bị suy sụp vào năm 2032.
Trong khi đó, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Bảo hiểm Xã hội thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cho biết hiện cứ 10 người cao tuổi ở Việt Nam thì hơn sáu người không có hưu bổng hoặc các khoản hỗ trợ an sinh xã hội.
Đa số người cao niên ở Việt Nam được con cháu cấp dưỡng hoặc tự kiếm sống bằng các công việc khác nhau và không có tiền dành dụm cho hưu trí hay tuổi già.
Cuộc nghiên cứu cho thấy những người ở tuổi hưu tại Đông Á đang lâm vào tình thế khó khăn vì càng ngày sự hỗ trợ từ con cái theo truyền thống gia đình Á châu càng bớt dần đi trong khi chưa có được sự hỗ trợ từ xã hội và các chính sách của chính phủ.
Gia Minh (DNSGCT)