Các thầy cả Dogon, một bộ tộc ở Mali, biết rõ về sự hiện hữu của một số ngôi sao, đặc biệt là Sirius, trước khi chúng được phát hiện bởi các kính viễn vọng hiện đại của chúng ta.
Vào năm 1950, hai nhà nhân chủng học Pháp, Marcel Griaule và Germaine Dieterlen, tuyên bố rằng sao Sorius B, tuy không thể nào nhìn thấy bằng mắt thường, từ nhiều thế kỷ qua đã là chìa khóa trên vòm trời trong vũ trụ học của người Dogon.
Thần thoại của người Dogon
Có khoảng 300.000 người Dogon sống trên một cao nguyên của Mali. Người ta không biết nhiều về quá khứ của họ ngoại trừ việc họ đã đến cao nguyên Bandiagara vào giữa thế kỷ 13 và 16.
Hiện nay, người Dogon sống yên bình trong những ngôi làng bằng đất nén đối diện với bình nguyên của sông Niger. Dưới chân các vách đá dốc đứng, bộ tộc này sống theo nhịp các mùa màng, mỗi mùa được ca ngợi bằng những vũ điệu nghi lễ truyền thống. Người Dogon có thể là một bộ tộc rất bình thường nếu vũ trụ học của họ không đáng ngạc nhiên.
Cuộc sống của người Dogon thấm đượm các huyền thoại từ thời xa xưa. Vị thần tạo lập ra họ là Amma đã ném ra những viên đất trong không trung và chúng biến thành các ngôi sao. Kế đó, Amma làm ra 2 chiếc bình gốm màu trắng tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng.
Theo thần thoại, Amma đã lấy đất sét từ trái đất. 8 nommo, tức những vị thần nhỏ bé mắt đỏ và thân thể màu xanh lục được sinh ra từ đất sét đó. Họ đã sinh ra 8 dòng họ sau trở thành 8 bộ lạc của dân tộc Dogon.
Các thần thoại đó trở nên rất thú vị khi người Dogon quả quyết rằng 8 nommo đó đến từ sao Sirius. Hơn nữa, các đại thầy cả từ lâu đã biết rằng Sirius được đi kèm bởi 1 ngôi sao khác, mà các nhà thiên văn gọi tên là Sirius B. Điều phi thường hơn là từ nhiều thế kỷ qua, vũ trụ học của người Dogon được chỉ đạo bởi Sirius B. Mà ngôi sao này chỉ được khám phá vào năm 1836 và được nhận dạng như là một ngôi sao lùn trắng vào năm 1915.
Tri thức của người Dogon
Trong năm 1931, hai nhà nhân chủng sắc tộc học của Pháp đến sinh sống tại vùng đất Soudan thuộc Pháp để nghiên cứu về người Dogon. Trong suốt 20 năm, Marcel Griaule và Germaine Dieterlen đã chia sẻ cuộc sống của người Dogon. Sau nhiều năm, người Dogon đã hoàn toàn chấp nhận 2 người Pháp. Đến năm 1946, họ đồng ý giải thich giải thích cho 2 người về vũ trụ học của họ.
Các trưởng lão của bộ tộc dùng gậy vẽ trên mặt đất vòm trời mà họ tin là như thế. Thật bỡ ngỡ, Giaule nhìn thấy chòm sao Gấu lớn, và quay chung quanh đó là 1 ngôi sao bé hơn cùng 1 vật thể khác. Vật thể này, họ cho ông biết rằng nó phải mất 50 năm để quay quanh Sirius. Để ăn mừng sự kiện này, cứ mỗi 50 năm họ lại mừng lễ “Sigui” để tái tạo lại thế giới.
Để tượng trưng ngôi sao này, người Dogon dùng 1 thứ nhỏ nhất mà họ có: hạt kê, loại thực phẩm chính của họ. Trong ngôn ngữ của họ, “Po Tolo” (Sirius B) có kích thước nhỏ nhưng rất nặng. Từ năm 1920, người ta biết rằng các ngôi sao lùn trắng là những ngôi sao đang hấp hối nhưng dù nhỏ nhưng có tỉ trọng rất khó tin. Khi 2 người Pháp hỏi từ đâu họ có tri thức đó, họ rất rõ ràng: “Những sinh vật lưỡng cư đã xuống trái đất từ rất lâu. Họ đã truyền lại tri thức này cho vài người sáng suốt. Các sinh vật đó, những nommo, là người dẫn dắt vũ trụ, cha của loài người”.
Người Dogon vẽ khắp nơi cac hình ảnh nhắc đến sự xuất hiện của người nommo đến trái đất. Hơn nữa họ rất chính xác về địa điểm hạ cánh của con tàu. Nó đã đáp xuống phía Đông Bắc của đất nước Dogon mà từ đó người Dogon đã ra đi để đến định cư tại các cao nguyên này. Rõ ràng rằng giống như các thần thoại, mọi biểu tượng đều có khắp nơi, điều này không dễ dàng gì để diễn dịch từng yếu tố. Điều chắc chắn, đó là tri thức của người Dogon về thiên văn học vượt quá khả năng của họ về quan sát hay tính toán.
Người Dogon và thiên văn
Ít lâu sau, Griaule khám phá rằng người Dogon còn có nhiều kiến thức khác về thiên văn học. Chẳng hạn, họ biết rằng sao Mộc có 4 vệ tinh chính. Họ biết rằng sao Thổ có các vành đai, rằng Trái đất quay quanh Mặt trời và những ngôi sao là các thiên thể chuyển động vĩnh cửu. Họ cũng biết rằng Mặt trăng là một hành tinh chết. Từ nhiều thế hệ, các thầy cả truyền dạy rằng Dải Ngân hà co chuyển động xoáy ốc, trong đó tham gia Thái dương hệ của chúng ta. Một điều kỳ lạ khác, họ khẳng định rằng sao Sirius có kèm theo không chỉ 1 mà là 2 ngôi sao. Chúng ta biết rằng Sirius B hiện hữu, nhưng hiện nay chưa hề thấy Sirius C nào được phát hiện. Nếu một ngày người ta khám phá ra ngôi sao thứ nhì này không thể thấy được bằng mắt thường, tri thức của người Dogon sẽ được xác nhận một cách ngoạn mục. Câu hỏi lớn được đặt ra từ năm 1976, năm ra mắt tác phẩm của Robert Temple “Bí mật sao Sirius”, là: người Dogon có được tri thức từ đâu?
Các giả thuyết về bí ẩn của người Dogon
Giả thuyết là người ngoài vũ trụ muốn chia sẻ kiến thức với người Dogon có vẻ không nghiêm túc. Tất nhiên, sự mô tả của các thầy cả từ hàng trăm năm nay về sự xuất hiện của con tàu là khá gây ngỡ ngàng. “Khi hạ xuống, con tàu đã tạo ra môt tiếng động ghê gớm, khiến cho đất đá rung lên”. Robert Temple nói thêm rằng họ cũng nhắc đến những cột bụi bốc cao lên không trung. Người Dogon truyền miệng câu chuyện này từ thế hệ này sang thế hệ kia và họ diễn tả dưới một dạng biểu tượng và huyền hoặc. Do vậy, khó có cách diễn đạt thuần lý hơn.
Sau khi quyển sách của Robert Temple ra mắt cho thấy rất nhiều táo bạo trong các kết luận, những quan điểm nối tiếp nhau. Nếu một số nhà khoa học tin vào giả thuyết ngoài vũ trụ, tất nhiên không phải tất cả. Với một số người, kiến thức này có thể giải thích một cách rất đơn giản. Từ năm 1907, người Dogon đã đi học theo các trường ngoại đạo của người Pháp. Tri thức của họ đơn giản là phát xuất từ nền văn minh của chúng ta.
Luận cứ thuần lý này không thể qua được sự phân tích. Quả thật, tri thức của người Dogon là rất cổ xưa và được lưu truyền rất lâu trước khi bị đô hộ. Hơn nữa, rất ít có khả năng các thầy giáo dạy về thiên văn học và ít hơn khi dạy về những lý do bất bình thường về sức hấp dẫn của sao Sirius B. Một giả thuyết khác đáng tin cậy hơn. Người ta biết rằng từ thời cổ đại xa xưa, các dân tộc cận phương Đông rất đam mê thiên văn học. Và người Dogon không phải là bộ tộc cách biệt.
Các ngôi làng của họ nằm cạnh những con đường thương mại ngày xưa nối liền Tây châu Phi với Ai Cập cổ. Chúng được nằm ở phía Nam Tombouctou, nơi có một trường đại học mà cách đây 400 năm là một trong các trung tâm trí tuệ lớn của Hồi giáo. Những sự trao đổi văn hóa tất nhiên đã diễn ra. Rất có thể qua trung gian của người Ai Cập, một phần tri thức của các dân tộc vùng Lưỡng Hà và ngay cả Hy Lạp đã đến được với người Dogon.
Mặt khác, người ta nhận thấy rằng Sirius thường xuất hiện trong các thần thoại cổ xưa. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì dù sao đó là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời. Người Ai Cập biết rõ về ngôi sao này vì nó liên quan đến những trận lụt đầu tiên của sông Nil. Trong thần thoại Hy Lạp, có nhiều truyền thuyết nhắc đến những sinh vật lưỡng cư, nửa người nửa cá. Người Babylon cũng nhắc đến.
Mặt khác, đa số các thần thoại và nhất là Hy Lạp nêu ra nhiều quái vật. Liệu có sự trộn lẫn những thần thoại khác nhau không? Và nói thế nào về Sirius B vốn không thể thấy bằng mắt thường? Một số người đưa ra giả thuyết rằng trong thời xa xưa, ngôi sao lùn trắng đó đủ sáng để có thể được nhìn thấy và nghiên cứu với các dụng cụ thô sơ.
Quả thật nhiều nền văn minh giờ đây đã biến mất, từng có các tri thức rất tốt về thiên văn học. Giả thuyết cuối cùng này không thể giải thich hết được nhưng mang lại các yếu tố nghiêm túc cho hồ sơ này. Nếu một ngày ngôi sao Sirius C quả thật hiện hữu, lúc ấy chúng ta sẽ phải xem lại những giả thuyết khác.