Cũng vì điều này mà thời gian qua Chính phủ đã xác định mục tiêu ưu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô song song đó là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Sau vài năm thực hiện, chúng ta đã bước đầu kiềm chế được lạm phát, cán cân xuất nhập khẩu được cải thiện và đặc biệt là lãi suất cho vay giảm đáng kể. Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã ở mức hấp dẫn, giúp doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh cá thể mạnh dạn vay vốn phục vụ cho việc sản xuất – kinh doanh. Trần lãi suất quy định đã giảm còn 7%/năm từ mức cao nhất 14%/năm, các ngân hàng thương mại nhà nước thậm chí chỉ huy động với lãi suất 5 – 6%/tháng cho các kỳ hạn ngắn 1-3 tháng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dù lãi suất huy động giảm liên tục như vậy nhưng tính đến cuối tháng 8, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng vẫn tăng 9,5% so với cuối năm 2012, còn tín dụng tăng 5,4% và tổng phương tiện thanh toán tăng 8,4%.
Tuy nhiên, tình hình thực tế không chỉ có lạc quan. Sau mấy tháng giữa năm có “khựng” lại, chỉ số CPI đã tăng vọt trong tháng 8 và hứa hẹn tiếp tục tăng trong tháng 9, mà ngay sau đó đã là giai đoạn cuối năm – chu kỳ tăng mạnh của lạm phát. Chính bởi tác động của lạm phát mà đà giảm của lãi suất có dấu hiệu ngưng sau khi đã giảm liên tục từ tháng 3-2012 đến nay. Một khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm không cao hơn chỉ số lạm phát, nhiều người không mấy mặn mà với việc bỏ tiền vào ngân hàng, họ rút tiền ra tìm cách đầu tư vào các kênh khác. Những ngày gần đây, việc huy động tiền gửi của ngân hàng bắt đầu gặp khó, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Trong khi đó, hoạt động tín dụng của các ngân hàng đang có dấu hiệu tăng mạnh kể từ giữa năm, phù hợp với xu hướng chung của các ngân hàng là đẩy mạnh cho vay. “Vào giảm ra tăng” khiến một số ngân hàng bắt đầu phải huy động tiền gửi với lãi suất cao hơn trần quy định, tất nhiên là thông qua các hình thức hợp pháp như khuyến mãi hay thưởng. Mức lãi suất cộng thêm này dùng để giữ chân khách hàng, đặc biệt là khách hàng lớn.
Một dấu hiệu rõ ràng khác là sức hút của trái phiếu chính phủ với các tổ chức tín dụng đã giảm hẳn. Nếu như cách nay mấy tháng, các ngân hàng dư thừa thanh khoản nên đổ xô vào mua trái phiếu chính phủ, khiến phiên đấu thầu nào cũng “cháy hàng” và lãi suất trúng thầu rất thấp thì nay đã có hiện tượng “ế” trái phiếu chính phủ, mức lãi suất trúng thầu cũng cao lên. Kể từ tháng 7, điều này bắt đầu thể hiện. Trong phiên đấu thầu mới nhất (ngày 5-9), Kho bạc Nhà nước chỉ huy động được 1.200 tỉ đồng trái phiếu chính phủ trong tổng số 3.000 tỉ đồng gọi thầu. Trái phiếu kỳ hạn hai năm huy động thành công 1.000 tỉ đồng với lãi suất trúng thầu 7,5%/năm, cao hơn 0,2%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 29-8), trái phiếu kỳ hạn 5 năm huy động được 200 tỉ đồng với lãi suất trúng thầu 8,5%/năm, cao hơn 0,85%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 20-6), còn trái phiếu kỳ hạn 3 năm thậm chí không bán được!
Có nghĩa là, những tháng ngày lãi suất huy động liên tục giảm đã có điểm dừng. Mà điều này sẽ khiến việc giảm lãi suất cho vay đã khó càng thêm khó. Dù ai cũng biết rằng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp nếu được vay vốn với giá rẻ sẽ có cơ hội khôi phục và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Minh Hằng