Nằm cách Sa Pa 40km, cụm núi Ngũ Chỉ Sơn thuộc khu vực đèo Hoàng Liên Sơn đang bắt đầu được giới mê leo núi chú ý. Điểm đến này gồm năm ngọn núi dựng đứng nằm cạnh nhau có độ cao khoảng chừng 2.850m, thuộc nhóm những dải núi hùng vĩ nhất vùng Tây Bắc. Do địa hình hiểm trở, phức tạp nên Ngũ Chỉ Sơn hiện vẫn chỉ dành cho những ai đủ sức khỏe, kỹ năng và đam mê núi non thật sự.
Từ thị trấn Tam Đường, tiếp cận Ngũ Chỉ Sơn chỉ có đường mòn men theo các sườn núi với rất nhiều thác gềnh và băng qua những vạt rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi. Tiếp đó là cung đường đèo quanh co uốn lượn và những cánh đồng lúa bậc thang xa ngút tầm mắt của đồng bào dân tộc Mông. Trên đường đi thỉnh thoảng lại có những cánh rừng thông xanh mướt rộng mênh mông rì rào trong tiếng gió vi vu, trong tiếng chim muông ríu rít.
Chặng đường để chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn ước tính dài khoảng 12km, chủ yếu là đường mòn xuyên qua các vạt rừng và men theo những triền núi đá cao nhấp nhô quanh năm mây mù bao phủ. Chặng đường đầu tiên đi dọc theo con suối nước trong veo mát lạnh. Những con suối này là nguồn cung cấp nước cho cánh đồng lúa xã Sơn Bình; đồng thời cũng là nguồn nước để phát triển nuôi cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm trong xã.
Càng đi lên cao càng thấy được sự hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi này: Những núi đá lớn dựng đứng được bao bọc bởi những tán rừng nguyên sinh rậm rạp, rêu phong, những nương thảo quả xanh mướt mà dưới mỗi gốc cây là những chùm thảo quả chín mọng. Đi dọc theo khe suối, đến cách quốc lộ 4D khoảng chừng 1,5km đường rừng, tại độ cao 2.200m so với mực nước biển, ở giữa hai sườn núi thẳng đứng sẽ gặp thác Cầu Mây nước lớn cuồn cuộn chảy xối xả quanh năm. Dòng thác đẹp không chỉ vì độ cao mà còn nhờ độ uốn lượn ngoạn mục. Cầu Mây khoét sâu vào lòng đá tạo thành vực nước sâu thẳm, xanh biếc, là điểm tắm táp lý tưởng.
Lên đến độ cao từ 2.400m, một điều mà bất kỳ du khách nào cũng cảm nhận thấy là sự thay đổi của nhiệt độ, độ ẩm. Vì là eo đón gió của Hoàng Liên Sơn nên dãy núi này thường có mây trắng phủ quanh năm, sương nặng hạt và không khí lạnh. Các sườn núi có nhiều động thực vật đặc hữu sinh sống, nhất là các loại cây thảo mộc quý như vàng tâm, dổi, nghiến, chò chỉ… Ngoài ra còn có hàng trăm loại cây dược liệu quý hiếm chưa được khai thác như: gấu tàu, cỏ thơm, tam thất, ngọc cẩu, linh chi…
Tiếp tục cuộc hành trình, du khách chinh phục những chặng đường mòn hun hút, lên cao theo nhiều cung bậc khác nhau. Nhìn lên là những biển mây trôi lơ lửng, cúi xuống là những thung lũng, những rừng cây nguyên sinh bạt ngàn đang hòa mình trong mây gió đại ngàn. Sau gần sáu tiếng đồng hồ thử thách, du khách sẽ tới được điểm cao khoảng chừng 2.800m. Vì đỉnh Ngũ Chỉ Sơn rất hiểm trở nên các đoàn đi phượt đã chọn độ cao này là địa điểm lý tưởng nhất để quan sát, ngắm nhìn vẻ đẹp của toàn dãy núi.
Giữa cái lạnh cắt da, hình ảnh năm ngọn núi dựng đứng đã tạo ấn tượng mạnh trong lòng nhiều du khách. Tại nơi đây mọi người còn được ngắm những rừng cây nguyên sinh hàng trăm năm tuổi mọc chỗ dày, chỗ rải rác. Để tồn tại trên vùng cao quanh năm sương giá, tự bản thân những cây cổ thụ này sinh ra một lớp vỏ dày ôm quanh thân, và đây cũng là địa điểm sống lý tưởng cho những cây thuộc hệ thân bám như rêu, phong lan, nấm, linh chi…
Và cũng từ độ cao này, vào những ngày trời trong xanh, du khách có thể phóng xa tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của toàn bộ khung cảnh đèo Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fansipan, đỉnh Pu Ta Leng và rất nhiều ngọn núi khác. Một kết quả thật xứng đáng cho những tay leo núi kiên trì.
- Phòng Văn hóa huyện Tam Đường, Lai Châu
- Ảnh Lê Xuân Cương