Trong phiên giao dịch 21-9, giá một số cổ phiếu liên quan đến việc tái cân bằng đã biến động mạnh. Trừ STB, tất cả các mã có tỷ trọng tăng tại các quỹ ETF, gồm HSG, PGD, SBT trong rổ của FTSE và BVH, HAG, VCB trong rổ của Market Vector ETF, đều tăng. FTSE có vẻ giao dịch mạnh tay hơn, các mã bị loại khỏi FTSE như GMD, KDC, PNJ và PPC, đều đóng cửa tại mức sàn. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán FPT, việc điều chỉnh danh mục của hai quỹ đầu tư chỉ số đã hoàn thành trong ngày 21-9 để chính thức có hiệu lực vào ngày 24-9 nên trong những phiên giao dịch tới sẽ không có sự tham gia tích cực của khối ngoại như tuần vừa qua.
Trong khi đó, trái ngược với sự sôi động của khối ngoại thì vẫn còn đó sự thận trọng của nhà đầu tư nội khi các thông tin trong nước vẫn khá tiêu cực. Điều này thể hiện ở việc cho dù sự phấn khích của khối ngoại giúp thanh khoản trên HoSE tăng vọt nhưng lại không tạo hiệu ứng nào cho sàn HNX. Giao dịch trên HNX vẫn đứng ở mức thấp, tính cả tuần thanh khoản vẫn tiếp tục xu hướng sụt giảm.
Trước mắt vẫn là thách thức
Không có từ nào diễn tả tâm lý thị trường chứng khoán trong giai đoạn này ngoài hai chữ “thận trọng”. Việc duy trì tỷ lệ tiền mặt cao vẫn là thượng sách khi mà thị trường tiếp tục phải đối diện với nhiều vấn đề thách thức. Có thể nhìn thấy khá rõ xu hướng thoát hàng ở các cổ phiếu blue-chip cho dù có sự hỗ trợ đến từ BVH khi cổ phiếu này liên tục tăng trần. Bên cạnh đó, giao dịch tại nhóm cổ phiếu ngân hàng tỏ ra khá phức tạp giống như những thông tin bên lề thị trường cả chính thức và đồn đoán liên quan đến nhóm này. Lực cầu lớn, được cho là đến từ các nhà đầu tư tổ chức, vẫn xuất hiện ở những phiên giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh. Cùng với đó là những giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn trong một số phiên gần đây. Trong tuần giao dịch thứ ba của tháng 9, trên HNX, cổ phiếu ACB đứng đầu về khối lượng khớp lệnh khi tăng đột biến với 43,92 triệu cổ phiếu trao tay. Riêng phiên 19-9, 34 triệu cổ phiếu ACB đã được giao dịch thỏa thuận. Còn trên HoSE, trong phiên 21-9, đã có hơn 36 triệu cổ phiếu STB được giao dịch thỏa thuận với giá trị 699,3 tỉ đồng.
Mặc dù có mức giá khá hấp dẫn sau những ngày sụt giảm vì tác động của tin xấu, cổ phiếu ngân hàng vẫn đang nằm ngoài “tầm ngắm” của các nhà đầu tư cá nhân chính bởi sự phức tạp, khó lường. Cùng với đó, cổ phiếu của ngành này cũng đang kém phần hấp dẫn bởi thực tế tăng trưởng tín dụng khó lòng đạt chỉ tiêu do năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp quá thấp, nợ xấu chưa được giải quyết… Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 7-9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 1,82%, trong khi đó tăng trưởng huy động vốn vẫn hơn nhiều lần tăng trưởng tín dụng.
Một điều rất khó cho thị trường lúc này đó là thiếu những trụ cột đáng tin cậy. Mọi ngành, mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang trong giai đoạn khó khăn. Trước đây, thị trường cũng có nhiều lúc chơi vơi nhưng không rơi vào cảnh chẳng còn “cọc” để bấu víu như hiện nay. Cùng với sự lên tiếng “kêu cứu” của nhiều ngành nghề, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam cũng vừa có công văn gửi Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị giảm nhiều loại phí cho các công ty chứng khoán để hỗ trợ thị trường, nhà đầu tư và các công ty chứng khoán trong giai đoạn đặc biệt khó khăn hiện nay.
Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 24-9, diễn biến thị trường khá ảm đạm khi lực mua trở nên yếu ớt. Rõ ràng, phiên giao dịch cuối tuần trước với khối lượng giao dịch hơn 100 triệu cổ phiếu trên HoSE đã không để lại chút dấu ấn nào cho phiên kế tiếp. Điểm tích cực lại là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi ACB, EIB tăng giá khá mạnh. STB cũng đóng cửa ở mức giá tham chiếu. Phiên này, VN-Index mất tới hơn 5 điểm, giảm xuống còn 390,37 điểm. Khối lượng cổ phiếu được trao tay trên HoSE là 27,7 triệu với giá trị 474 tỉ đồng.
Song Hà