Cát là vật liệu xây dựng, có nguồn gốc tự nhiên gồm các hạt đá và khoáng vật nhỏ li ti, dùng làm nền hoặc trộn với chất kết dính, đúc thành khuôn. Các hạt, tùy kích cỡ mà có tên gọi khác nhau như bụi (từ 0,05 – 0,001mm), đất bùn (từ 0,0625 – 0,04mm), cát (từ 0,625 – 2mm), sỏi (từ 2mm trở lên). Có thể nói, từ cổ chí kim, không có công trình xây dựng nào không có cát.
Gần đây, cát được các nghệ nhân, trong đó có Việt Nam biến hóa thành tranh do cát có nhiều màu. Tranh cát đựng trong các hộp thủy tinh trong suốt hoặc nhờ keo tạo thành. Cát làm thành tượng, lâu nay chỉ nghe nói, ở đâu bên Mỹ. Từ Tết 2017, Việt Nam có cả công viên tượng cát hoành tráng thuộc Công ty Cát Việt tại vùng cát nổi tiếng Phan Thiết, Bình Thuận. Qua phim ảnh, thấy các tượng cát bề thế, không hiểu làm sao giữ được hàng tháng trời?
Bình Thuận có đủ thứ cát với các màu phổ biến là trắng, ngà, vàng, nâu, đỏ, đen… mà cát đỏ là nguyên liệu tuyệt vời cho các nghệ nhân sáng tạo. Cùng với khí hậu nóng hanh và gió nắng, màu sắc độc đáo và độ kết dính phù hợp của cát, đã thuyết phục các nghệ nhân hàng đầu thế giới đến với Bình Thuận, mặc sức thi thố tài năng. Nét đặc trưng của các nghệ nhân điêu khắc tượng cát là sự đam mê đến cuồng nhiệt. Sẵn sàng làm mọi việc, đi khắp nơi để được thể hiện ý tưởng. Hai nghệ nhân “xông đất” đầu tiên cho dự án táo bạo này là Mac David (Bỉ) và Leonardo Ugolini (Ý).
Từ tháng 5-2016, công viên hoàn thiện hạ tầng cơ bản, đón 14 nghệ nhân điêu khắc thế giới, đến từ 12 quốc gia để thực hiện tác phẩm với chủ đề “Cổ tích và thần thoại Việt Nam và thế giới”. Sau cả tháng lao động cật lực, nhiệt huyết và sáng tạo, 20 bức tượng cát độc đáo được hoàn thành đầy ngẫu hứng, mô phỏng từ các câu truyện cổ tích, ngụ ngôn nổi tiếng xưa nay. Việt Nam có Cóc kiện trời, Sơn Tinh và Thủy Tinh, Sự tích Thạch Sùng. Thế giới có các ngụ ngôn Thỏ và rùa, Ếch và bò, Sói và quạ, Ve sầu và kiến. Các tác phẩm khác là Chùa Thiên Mụ, Tháp Ponagar (Việt Nam), Lazar tội nghiệp, Nàng Lọ Lem, Người đẹp và quái thú, Chú mèo đi hia, Nàng Persephone, Rồng châu Âu…
Các nghệ nhân đến từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á chỉ có Nhật Bản và Singapore. Các tác phẩm này thường có thời gian sáng tác là hai tuần. Từng nghệ nhân lao động độc lập. Riêng tác phẩm“Kiến trúc Lâu đài châu Âu” cực kỳ ấn tượng, phải mất một tháng rưỡi để hoàn thành, kịp khai trương vào dịp Tết Nguyên đán 2017. Du lịch Bình Thuận có thêm sản phẩm mới, lạ, chưa thấy xuất hiện ở Asean? Khách tham quan nườm nượp, trầm trồ, ngạc nhiên, thán phục. Nhìn thoáng qua, cứ ngỡ là đất sét hoặc cát trộn keo mới kết dính và tạo hình điêu khắc được. Có tượng một chiều và tượng ba chiều.
Phải tận mắt chứng kiến và nghe hướng dẫn thực địa quy trình sáng tác mới ngỡ ngàng. Cát đỏ được sàng lọc tạp chất đưa về, cho vào máy ép thủy lực nén chặt, ép khô từ 7-12 ngày. Sau đó, bàn giao cho từng nghệ nhân tạo khuôn chi tiết và bắt đầu quá trình tạc. Cát vô tri và rời rạc, như có phép thuật, bỗng kết dính tạo nên những bức tượng khổng lồ và sống động từ chi tiết nhỏ. Từ khóe mắt của nhân và vật, đến tấm khăn choàng, đám mây hờ hững và những chiếc rèm cửa đung đưa… Tượng nào cũng như đang cử động. Có người ngỡ là hình 3D.
Người xem không cần đọc bảng chú thích cũng hình dung ra cốt truyện vì quá thực. Phải lần lượt từ quy trình sáng tạo đến phần chân dung và tiểu sử nghệ nhân. Xem cát bị nén, dùng tay và nước thử độ dẻo, độ cứng… rồi mới chiêm ngắm từng tác phẩm dưới nhiều góc độ và relax suy gẫm. Dĩ nhiên, không quên việc selfie. Hè 2017, thừa thắng xông lên, Cát Việt tổ chức giải Vô địch Điêu khắc Cát cho các nữ nghệ nhân thế giới với chủ đề “Cổ tích và thần thoại Việt Nam và thế giới”. Có tám nghệ nhân bậc thầy đến từ Ý, Bỉ, Mỹ, Úc, Hà Lan, Tây Ban Nha, Latvia, Canada. Trẻ nhất sinh năm 1985 và lớn nhất sinh năm 1976.
Cuộc thi diễn ra từ 19-4 đến 1-5-2017. Thành quả là tám tác phẩm mới gồm Lạc Long Quân và Âu Cơ, Trí khôn của ta đây, Sự tích Tết Trung thu, Trạng Quỳnh chữa bệnh (Việt Nam); Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Alice lạc vào xứ sở thần tiên, Mặt nạ của khỉ, Cuộn chỉ của Ariane (châu Âu). Tác phẩm Con Rồng cháu Tiên mềm mại, xinh đẹp, đầy ắp thần thái văn hóa Việt của Susanne Ruseler (Hà Lan) cùng lúc đoạt hai giải “Tượng cát xuất sắc nhất” do du khách bình chọn và do các nghệ nhân lựa chọn. Giải nhì thuộc về Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn của Sue Mc. Grew (Mỹ, nghệ nhân trẻ nhất). Giải ba được trao cho Sự tích Tết Trung thu của Hanneke Supply (Bỉ).
Ban đầu, tượng cát để ngoài trời nhưng do thời tiết thất thường, mưa bão liên tục nên phải làm mái che. Nước là kẻ phá hoại nguy hiểm nhất. Bình thường, các tượng cát có thể tồn tại hơn tám tháng nhưng chỉ cần gặp nước, cát sẽ nhão và sạt lở. Một số côn trùng như sùng đất và kiến cũng thích đào hang, làm ổ trong tượng, gây hư hỏng và giảm tuổi thọ mà không thể dùng hóa chất trừ diệt. Chỉ có thể sử dụng rượu gừng hoặc các bài thuốc dân gian nhưng xem ra kém hiệu quả. Tác phẩm “Con rồng châu Âu” là nạn nhân đầu tiên, phải phá bỏ trước thời hạn. Tượng bị sạt lở, được tưới nước để phá bỏ. Cát lại được máy nén thủy lực ép chặt, cho vào khuôn rồi tái sinh thành những tác phẩm mới.
Tháng 9-2017, Công viên Tượng cát lại trình làng thêm ba tác phẩm bề thế King Kong của Enguerranhd David, Vị thần biển cả của Leonardo Ugonlini và Thạch Sanh của Marielle Heessels. Cùng với Fishman Show, chương trình nghệ thuật đặc sắc và đậm nét văn hóa bản địa cách đó không xa, diễn hằng đêm và sang Chủ nhật, Công viên Tượng cát – Forgotten Land đang góp phần cho du lịch Bình Thuận thêm khởi sắc. Du khách đến Bình thuận có thêm chọn lựa để thưởng ngoạn và giải trí.
Phan Thiết, với biển xanh, cát trắng, nắng vàng giờ trở thành ngôi nhà thân thương của các nghệ nhân hàng đầu thế giới về điêu khắc cát. Họ là những “Phù thủy nghệ thuật” biến cát vô tri thành những tượng cát sắc sảo. Như tên gọi Công viên Cát – Forgotten Land – Vùng đất Không quên. Sẽ thật thiếu sót nếu du khách đến Bình Thuận mà chưa ghé chiêm ngắm 33 kỳ quan cát ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết (trên đường ra Mũi Né và Hòn Rơm). Hãy nhanh chân đến với những tượng cát thế hệ đầu tiên của Asean tại Forgotten Land trước khi được thay thế.
- (Lửa Việt Tours)