Đầu năm 2009, Khánh Thi một mình vào Sài Gòn thành lập Công ty Đom Đóm Son. Từ một phòng dạy nhảy Khánh Thi dancesport tại Trung tâm Thể thao Hoa Lư (Q.1), đến nay, cô gái trẻ đã có ba trung tâm dạy dancesport, cái mới nhất vừa khai trương tại Nhà hát Quân đội, quận Tân Bình trung tuần tháng 5 vừa qua.
Cùng với sự phát triển trong hoạt động kinh doanh, trung tâm đào tạo của Khánh Thi còn đóng góp cho ngành thể thao những cặp nhảy tốt, trong đó điển hình là Minh Trường – Mỹ An, hai học trò của chị. Ngoài những huy chương vàng mang về cho thể thao TP. Hồ Chí Minh ở giải quốc gia, bộ đôi này còn mang về cho đất nước những tấm huy chương trên đấu trường châu lục.
Khánh Thi khá bận rộn. Ngoài việc điều hành các cơ sở đào tạo, chị còn là một thành viên trong ban giám khảo cuộc thi Bước nhảy Hoàn vũ đang thu hút nhiều chú ý trên kênh truyền hình VTV3 tối Chủ nhật hằng tuần, làm MC một chương trình tư vấn làm đẹp trên truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Chị nói công việc MC giúp chị kiểm soát tình huống và cải thiện phần nào kỹ năng nói.
Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra ngay bên ngoài hành lang một phòng dạy nhảy của chị. Cuộc trò chuyện bắt đầu từ cột mốc chị quyết định vào Sài Gòn khởi nghiệp. Chị nói: Tôi và Chí Anh đã bàn bạc về việc phát triển dancesport ở TP. Hồ Chí Minh từ lâu. Khi quyết định chia tay nhau thì câu lạc bộ mang tên chúng tôi đã khẳng định được vị trí tại Hà Nội. Phong trào dancesport ở thủ đô lúc ấy cũng khá mạnh. Nếu tiếp tục ở lại Hà Nội thì công việc của tôi sẽ không thuận lợi vì “một chuồng không nên có hai cọp”. Trong khi đó, thị trường TP. Hồ Chí Minh vẫn khá trống trải. Đây là thuận lợi cho định hướng tương lai, cũng như tìm kiếm những tài năng mới, chuẩn bị cho ngành thể thao nước nhà lực lượng kế cận. Một tháng sau khi tình cảm đổ vỡ, tôi vào Nam.
____
Hành trang chị mang theo mang theo có gì?
Chất xám và 30 triệu đồng. Khoản tiền này tôi mượn của một người bạn.
____
Nghĩa là sau từng ấy năm làm việc, chị vẫn trắng tay?
Phần lớn số tiền kiếm được tôi đưa cho mẹ tôi, chỉ giữ lại phần nhỏ để chi xài cá nhân. Sở dĩ tôi chưa lấy tiền từ chỗ mẹ tôi vì muốn tự xoay xở. Sau một tuần vào Sài Gòn, tôi khai trương cơ sở đầu tiên, chính là nơi chúng ta đang ngồi trò chuyện. Lúc ấy, tôi chưa quen biết nhiều người. Chỉ tự tin là mình có cái tên, nếu mở trung tâm thì chắc chắn sẽ có học viên, và mình sẽ sống được bằng nghề. Những tuần đầu tiên khá vất vả. Cái gì cũng phải tự làm, từ thuê mướn cơ sở, mua sắm trang thiết bị… cho đến đứng lớp. Nhiều lúc đuối cũng không dám nghỉ. Có buồn, có tủi thân… thì cũng phải xua đi thật nhanh bằng cách tạo ra cho mình thật nhiều việc để làm. Mà không có nhiều việc thì cũng không được. Tiền thuê nhà, tiền ăn, chi phí… cái gì cũng cần đến tiền.
____
Công việc kinh doanh của chị xem ra khá hanh thông với ba phòng nhảy sau hơn hai năm khởi nghiệp. Vậy còn đội ngũ kế cận, chị đã chuẩn bị đến đâu?
Sau khi chia tay Chí Anh, tôi nhảy với Minh Trường (nghệ danh Phan Hiển), cũng là học trò của tôi. Minh Trường vừa nhảy với tôi, vừa tập cùng Mỹ An, một em học trò khác. Sau hai tháng tập riêng với tôi, Minh Trường ra nước ngoài thi đấu cọ xát khoảng sáu tháng. Cuối năm 2009, chúng tôi tham gia giải vô địch châu Á và đoạt ngôi quán quân. Lúc ấy, bạn nhảy của tôi mới 16 tuổi. Sau giải đấu này, tôi quyết định giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế, chuyển sang làm huấn luyện viên. Còn Minh Trường tiếp tục tập với Mỹ An.
____
Liệu rằng việc tập luyện song song với hai bạn nhảy có trình độ chênh lệnh như vậy có ảnh hưởng đến phong độ của Minh Trường, thưa chị?
Đấy cũng là một vấn đề mà ban đầu tôi cũng hơi lo. Tuy nhiên, năm 2010, hai em đã có những thành công đáng khích lệ, như vô địch quốc gia hạng người lớn, vô địch giải trẻ châu Á tại Malaysia… Minh Trường – Mỹ An được xem là cặp nhảy sáng giá của Việt Nam hiện nay. Một là các em còn trẻ. Hai là dancesport còn đòi hỏi cả tiềm lực về tài chính vì đây là môn thể thao xã hội hóa. Gia đình các em chịu đầu tư, mời huấn luyện viên giỏi từ nước ngoài về huấn luyện thêm. Được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp như vậy, nên việc các em thành công là xứng đáng.
____
Cứ đà này thì đến một lúc nào đó, học trò sẽ vượt qua thầy?
Thành công của học trò là tấm huân chương gắn lên ngực người thầy. Trong nghệ thuật thường có sự kèn cựa, người này sợ người kia vượt mặt, thế hệ trước sợ thế hệ sau vượt mặt. Tôi cho rằng nỗi sợ đó là vô ích. Nếu không hết lòng thì học trò sẽ tìm thầy chỗ khác, giỏi hơn, bởi ai cũng muốn vươn ra xa. Nghệ thuật không có giới hạn. Ở nước ngoài, có nhiều thầy giỏi, môi trường cọ xát tốt hơn… Mọi thứ cộng lại đều tốt thì kết quả đương nhiên cũng phải tốt hơn. Ở ta, điều kiện chưa bằng họ, thì người thầy cần phải tâm huyết hơn. Mà nghề nào cũng vậy thôi, muốn học trò giỏi thì người thầy phải sẵn sàng dốc túi truyền nghề, đừng sợ học trò vượt qua mình. Nhìn rộng ra, ngành thể thao Việt Nam bây giờ thiếu thốn quá, trừ bộ môn bóng đá nam. Nhiều vận động viên lên báo kêu oai oái vì thiếu tiền. Chính vì vậy, người thầy càng cần phải có tâm.
Muốn học trò giỏi thì người thầy phải sẵn sàng dốc túi truyền nghề, đừng sợ học trò vượt qua mình.
____
Nói tiếp câu chuyện về đầu tư cho dancesport. Tài chính có phải là rào cản khiến dancesport chưa được đại chúng hóa?
Tôi thì nghĩ ngược lại. Nếu muốn trở thành vận động viên chuyên nghiệp thì mới cần đến khả năng tài chính. Còn tập luyện để có sức khỏe và một thân hình thon gọn thì tài chính không phải là vấn đề quá lớn. Học phí trung bình một buổi tập hiện nay chỉ bằng nửa cân thịt heo. Lạm phát thế này, có khi còn rẻ hơn nữa.
____
Chị theo sát giá cả ngoài chợ quá nhỉ?
Vì tôi vẫn thường xuyên phải đi chợ. Hiện nay tôi sống cùng mẹ tôi. Bà vào sau tôi nửa năm, vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa chăm sóc cho tôi chuyện ăn uống. Công việc của tôi đốt khá nhiều năng lượng, nên chuyện ăn uống rất quan trọng. Các tính toán khoa học đã chỉ ra rằng cường độ vận động trong bài biểu diễn dài một phút rưỡi mạnh tương đương với một vận động viên chạy cự ly 100 mét. Tôi lại không quen với khẩu vị của người Nam, ăn khá nhạt vì sống ở nước ngoài trong một khoảng thời gian khá dài, nên chỉ có đồ ăn mẹ tôi nấu mới vừa miệng.
Nói thêm về chi phí tập luyện, nếu điều kiện tài chính quá eo hẹp, không thể đến phòng tập, thì mọi người có thể ra công viên. Nhiều người đang tập thể dục buổi sáng và buổi chiều theo những động tác của dancesport. Thực tế là môn này đang lấn dần thể dục buổi sáng, thể dục thẩm mỹ… Từ trẻ em cho đến người lớn tuổi đều có thể tập luyện được.
____
Nói một cách ngắn gọn thì dancesport là gì và lợi ích của môn thể thao này như thế nào, thưa chị?
Dancesport là sự kết hợp của aerobic, trượt băng nghệ thuật, diễn xuất và múa ba lê. Dancesport mang lại sức khỏe tốt, tinh thần sảng khoái và một hình thể đẹp. Đương nhiên, người tập phải kiên trì.
____
Nghe nói chị vốn xuất thân từ một diễn viên múa…
Đúng. Tôi học múa tám năm, hệ chuyên nghiệp.
____
Vậy đâu là lý do khiến chị chuyển sang dancesport?
Tôi biết đến dancesport nhờ những chuyến ra nước ngoài biểu diễn. Mỗi chuyến xuất ngoại, tôi thường mua khá nhiều đĩa về môn thể thao này. Sau khi tập với Chí Anh được một năm, tôi bỏ múa, rủ anh ấy qua Pháp học nghệ. Đấy là năm 2003. Chi phí ở Pháp rất đắt đỏ. Thú thực là lúc ấy tôi không có khái niệm nhiều lắm về việc quản lý tiền bạc, cũng không chịu áp lực phải kiếm tiền để sống. Ở nhà được cha mẹ nuôi, ngoài tập và đi diễn, tôi chẳng phải đụng tay vào việc gì. Cha tôi gọi tôi là “cây cảnh”. Thế nên, sau ba tháng, chúng tôi tiêu sạch số tiền mang theo.
____
Vậy “cây cảnh” xoay xở như thế nào?
Phải đi làm thêm thôi. Theo quy định của Chính phủ Pháp, học sinh – sinh viên không được đi làm. Thành ra, chúng tôi buộc phải đi làm chui. Những người làm chui bị bắt chẹt, nên đồng lương rất rẻ mạt. Giá làm công theo giờ khoảng 20 – 30 euro nhưng chúng tôi chỉ được trả từ 3 đến 4 euro mỗi giờ. Chúng tôi làm nhiều việc, từ tạp dịch trong quán phở, quét dọn nhà vệ sinh, làm vú em… Trừ chi phí sinh hoạt, tiền làm thêm mỗi tuần chỉ đủ để chúng tôi học 45 phút. Nhờ khoảng thời gian làm chui ở xứ người mà tôi hiểu được giá trị của đồng tiền, của thời gian, của tuổi trẻ, dạy cho tôi phải suy nghĩ thật nhanh và làm thật gọn.
Nhờ khoảng thời gian làm chui ở xứ người mà tôi hiểu được giá trị của đồng tiền, của thời gian, của tuổi trẻ.
____
Chị có thể nói rõ hơn?
Nhanh và gọn là hệ quả của quá trình làm thuê. Chỉ một sơ suất nhỏ, không đúng ý người ta, là có thể bị trừ tiền công, vốn đã rất rẻ mạt. Tôi không còn cách nào khác là phải cố gắng làm thật tốt. Ủi một bộ đồ cho phẳng phiu với tôi cũng là một công việc khó khăn khi ở nhà, nhưng khi đi làm thuê, tôi không chỉ ủi đồ cho thật phẳng, mà còn phải xếp lại chỉn chu như hàng để trưng bày. Buổi sáng, tôi chỉ có đúng 30 phút để vừa cho con của người ta ăn sáng, vừa thay đồ để kịp đến trường. Năm giờ chiều, về đến nhà, phải nấu cơm thật nhanh, rồi xách hộp cơm chạy ra ga tàu điện ngầm để kịp đến lớp. Bởi phòng tập thuê theo giờ, hết thời gian là tự ngắt điện. Thời gian trong ngày được sử dụng khoa học đến từng phút. Đi làm thuê mà trễ, mà trật thì bị cúp lương. Đi thi đấu, quay không đẹp, mặc không đẹp… thì bị trừ điểm. Sau hai năm rưỡi ở Pháp, chúng tôi lần lượt di chuyển sang những nước khác trong cộng đồng châu Âu vì môn thể thao này phát triển ở hầu khắp lục địa già. Chúng tôi vừa tận dụng cơ hội thi đấu cọ xát, vừa tranh thủ đi du lịch. Năm 2008, khi quyết định về hẳn Việt Nam, chỉ còn Anh và Hungary là chúng tôi chưa đến mà thôi.
____
Gian nan khổ luyện như vậy, tại sao chị quyết định từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế trong lúc đang ở đỉnh cao phong độ?
Có nhiều lý do. Thứ nhất, danh hiệu vô địch châu Á đến với tôi sớm hơn dự kiến. Mục tiêu của tôi là đến năm 2012 mới đạt được danh hiệu này. Thêm nữa, việc tôi dừng lại cũng là cơ hội để thế hệ kế cận thể hiện.
Thứ hai, tôi thường xuyên bị chấn thương, hiện nay chân trái khá yếu. Trước giải đấu năm 2009, tôi bị rách cơ đùi, không đi lại được. Bác sĩ yêu cầu tôi nghỉ tập luyện ba tháng, nhưng nghỉ một tháng là tôi xỏ giày ra sàn tập. Vừa điều trị, vừa tập luyện để kịp dự giải. Cơ đã bị giãn, nên hiện giờ dù vết thương đã lành thì sức chịu đựng của bộ phận này cũng chỉ có mức độ. Có thể tôi vẫn đi thi, nhưng chủ yếu là đỡ bớt nhớ nghề, chứ không còn đặt nặng mục tiêu về thành tích như trước nữa. Thứ ba, tôi phải kiếm tiền để sống, cũng phải dành dụm để… kiếm chồng.
____
“Kế hoạch” kiếm chồng đã triển khai đến đâu?
Hiện giờ tôi vẫn mải mê với công việc. Một ngày làm việc của tôi thường bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 12 giờ đêm. Anh nhìn vào thời gian biểu của trung tâm là biết liền. Tôi yêu Chí Anh tám năm, một khoảng thời gian đủ dài để hiểu thế nào là tình yêu, nên tôi thấy không cần phải vội vàng.
____
Có một hình mẫu nào không, thưa chị?
Có chứ. Trước tiên là phải yêu mình thực sự. Đàn ông yêu mình thực sự hơi hiếm. Thứ hai là đảm bảo về tài chính. Tôi nghĩ cái thời “một mái lều tranh, hai trái tim vàng” đã qua lâu rồi. Sự chia sẻ trong hôn nhân thời hiện đại gồm cả tinh thần và vật chất.
____
Tài chính có phải mối lo lớn nhất của chị lúc này?
Đúng. Đến bây giờ tôi vẫn ở nhà thuê, vẫn đi xe máy. Bạn nhảy thường xuyên phải làm xe ôm. Nhiều khi đến điểm diễn thì mồ hôi nhễ nhại. Ở nước ngoài, chuyện có tiền hay không có tiền khá bình thường. Không có là không có, làm sao giấu nổi thiên hạ. Còn trong môi trường này ở nước ta, có vẻ như với một số người thì điều đó là không bình thường. Nhiều nghệ sĩ có nhà lầu, xe hơi. Để đạt được điều đó, nhiều người phải lao động cật lực, nhưng cũng có một số ít gặp may mắn.
____
Chị chưa may mắn?
Tôi nghĩ mình may mắn. Bên cạnh việc lao động cật lực, những thành quả tôi có được là nhờ sự nâng đỡ của một số người. Chỉ có một chuyện khiến tôi xấu hổ là vấn đề tình cảm giữa tôi và Chí Anh bị đem ra bàn luận quá nhiều. Đến bây giờ, chẳng còn gì để nói, mà nhiều người vẫn nói.
____
Công việc bận rộn như vậy mà chị còn lấn sân sang cả điện ảnh?
Bây giờ tôi hết đóng phim rồi.
____
Có phải vì Em hiền như Masoeur, bộ phim chị tham gia, bị dư luận chê nhiều hơn khen?
Tôi được mời tham gia. Đúng là tôi diễn chưa hay, vì không phải là diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp.
____
Nếu nhận được lời mời, chị có tiếp tục?
Tôi rất thích đóng phim. Nhưng nhận hay không còn tùy thuộc vào thời gian. Tôi đã từng được giới thiệu tham gia phim Khát vọng Thăng Long. Ăn dầm nằm dề ở trường quay ngoài Ninh Bình gần một tuần, nhưng cuối cùng tôi phải xin đạo diễn bỏ hợp đồng, vì những phân cảnh có tôi phải chờ đợi quá lâu.
____
Còn âm nhạc thì sao, thỉnh thoảng cũng thấy chị xuất hiện trong một số chương trình ca nhạc?
Tôi mới chập chững đi hát, nhờ sự giúp đỡ, dìu dắt của một số người làm nghề. Tôi đang chuẩn bị như những ca sĩ mới vào nghề, nếu cảm thấy chín chắn thì cũng phát hành album, nghe ngóng xem dư luận phản ứng thế nào. Tốt thì làm tiếp, nếu không tốt thì ngừng, không cố đấm ăn xôi. Cố gắng bám theo những thứ mình làm không tốt là dại dột, tự làm khổ mình. Với tôi, dancesport mới là cái nghiệp. Còn những cái khác thì nhẹ lắm.
Cố gắng bám theo những thứ mình làm không tốt là dại dột, tự làm khổ mình.
____
Nếu tự cho điểm về khả năng đóng phim và hát thì cho mình mấy điểm?
Tôi không bao giờ tự cho điểm bản thân. Cũng giống như ăn phở, bữa nay ăn được một tô, biết đâu ngày mai, đói, ăn được hai tô. Tự đánh giá e rằng không chính xác.
____
Với nhiều ca sĩ hiện nay, tuổi tác là một tiêu chuẩn quan trọng. Chị nghĩ thế nào về nhận định này?
Nghệ thuật không có tuổi. Tôi nghĩ nếu làm việc nghiêm túc và được khán giả đón nhận một cách nghiêm túc thì không còn tuổi tác. Nghiêm túc bao hàm nhiều ý nghĩa, và tôi không tiện giải thích, để dư luận phải mổ xẻ.
____
Là một trong bốn thành viên của ban giám khảo cuộc thi Bước nhảy Hoàn vũ đang được khán giả truyền hình quan tâm, chị có cảm nhận được sức ép từ phía khán giả với những lời nhận xét, đánh giá của chị dành cho thí sinh?
Tôi không cảm thấy áp lực. Trước khi tham gia Bước nhảy Hoàn vũ, tôi đã từng làm giám khảo trong nhiều cuộc thi khiêu vũ. Tôi nghĩ các thí sinh khi tham gia cuộc thi này đều xác định từ trước tư tưởng có thắng, có thua. Tuy nhiên, tôi chỉ cảm thấy hơi ngại là khi công bố kết quả những người bị loại, mặc dù điểm của ban giám khảo chỉ là một yếu tố để đánh giá thí sinh. Yếu tố còn lại quan trọng không kém là kết quả bình chọn từ khán giả.
Giám khảo và thí sinh là bạn đồng hành trong cuộc thi nhưng ngoài đời thì đều là bạn bè. Đành rằng mỗi thí sinh đều có một lượng người ủng hộ nhất định. Nhưng trách nhiệm của người giám khảo là làm thế nào để nhận được sự chấp thuận của đa số. Tôi nghĩ giải pháp dễ được đa số chấp nhận là giám khảo phải làm đúng với chuyên môn của mình.
____
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Xem thêm: