Nhạc đồng quê là dòng chảy êm đềm nhất trong làng nhạc Mỹ. Không có nhiều đột phá, năm này qua năm khác, dòng nhạc này vẫn sản sinh ra vô số nghệ sĩ và các bản ghi âm, băng đĩa, phục vụ nhu cầu thưởng thức của đông đảo dân Mỹ. Về mặt nào đó, nhạc bolero ở Việt Nam có vị trí tương đồng với nhạc đồng quê ở thị trường Mỹ.
Hình ảnh ca sĩ nhạc đồng quê qua biết bao nhiêu năm vẫn vậy, vẫn chiếc nón cao bồi, quần jeans, giày bốt và chiếc áo đính hạt đá màu lấp lánh. Hình ảnh này đã trở nên bất tử trong bài Rhinestone Cowboy, viết về một người nghệ sĩ kỳ cựu “tôi bước trên con đường đó biết bao lần, hát đi hát lại bài hát cũ, tôi biết từng vết nứt trên lề đường dơ bẩn ở Broadway, nơi trò lừa lọc làm chủ cuộc chơi và người tốt bị quét sạch như tuyết và mưa”.
Qua dầm dề mưa tuyết, người nghệ sĩ đó vẫn sống sót và hứa hẹn ngày nào đó, trở lại, lấp lánh như chàng cao bồi đính hạt đá màu. Người trình bày ca khúc này thành công nhất là Glen Campbell, nghệ sĩ nhạc đồng quê có sự nghiệp trường tồn nhất nhì của làng nhạc. Ngày 8-8-2017, giọng hát này không còn cơ hội để lấp lánh. Ông đã qua đời ở độ tuổi 81 vì bệnh Alzheimer.
Thật sự thì làng nhạc đồng quê cũng có những nổi loạn, phá cách, thành hẳn một trào lưu nổi bật ở thập niên 60. Được gọi là nhạc đồng quê ngoài vòng pháp luật (country outlaw), các nghệ sĩ này cảm thấy cần tách ra khỏi kiểu nhạc country mượt mà trau chuốt sản xuất ở Nashville, thêm vào chất nhạc rock miền Nam nước Mỹ lúc đó đang thịnh hành. Họ để tóc dài, thay bộ đồ đá màu quen thuộc bằng những chiếc áo khoác da và mẫu hình tiêu biểu là Willie Nelson và Waylon Jenning.
Glen Campbell không đi theo hướng “ngoài vòng pháp luật” này. Thay vì nhạc rock, ông đã nghiêng sang hướng nhạc pop và nhận thành quả rực rỡ. Ông có 80 bài hát khác nhau lọt vào bảng xếp hạng nhạc pop hoặc nhạc đồng quê, 29 bài lọt vào top 10 và 9 bài trong đó xếp hạng nhất trong các bảng xếp hạng này. Năm 1967, Glen làm nên lịch sử khi lãnh bốn giải Grammy cho cả hạng mục nhạc đồng quê (bài Gentle On My Mind) lẫn nhạc pop (bài By The Time I Get To Phoenix). Đến thập niên 90, Garth Brooks và các nghệ sĩ nhạc đồng quê khác có hướng đi mới, thu hút được người nghe nhạc pop (hiện tại cực kỳ thành công là Taylor Swift) nhưng ở thập niên 60, thành tích của Glen là cực kỳ đột phá.
Charlie Daniels, nghệ sĩ kỳ cựu của dòng nhạc đồng quê, đã nhận xét Glen Campbell “lấp đầy một ngách nhỏ trong làng nhạc Mỹ mà rất ít nghệ sĩ vươn đến được. Anh đại diện cho những gì hay nhất của nhạc pop và nhạc đồng quê. Anh thu hút được người nghe ở cả hai phía. Đó là điều tuyệt vời cho nhạc đồng quê và nói thật là cho cả nhạc pop”.
Bên cạnh giọng hát, Glen còn là một tay guitar được đánh giá cao. Ông đã đệm đàn trong khoảng 500 bản ghi âm thuộc đủ các thể loại như pop, jazz, rock và đương nhiên là nhạc đồng quê. Frank Sinatra, Nat King Cole, Elvis Presley, Merle Haggard… là những “khách hàng” cần đến tiếng đàn của Glen. Năm 1965, khi Brian Wilson bị suy nhược thần kinh và rút khỏi việc biểu diễn, nhóm Beach Boys đã mời Glen thế chỗ, hát chính và chơi bass trong chuyến lưu diễn của nhóm. Glen chỉ rút khỏi việc biểu diễn với Beach Boys vì thành công trong sự nghiệp riêng của mình chứ sự đón nhận của fan Beach Boys với ông là hết sức nồng nhiệt.
Glen còn là một người có khả năng thích nghi tốt. Khi nhạc disco thịnh hành ở thập niên 70, ông đã có Southern Nights và Rhinestone Cowboy rộn rã, chập chùng và các câu lạc bộ nhạc dance thời đó không thể cưỡng lại sức cuốn hút từ các bản này. Bên cạnh âm nhạc, Glen còn tạo dựng tên tuổi ở lĩnh vực truyền hình với một show mang chính tên mình, gặp gỡ các nghệ sĩ hàng đầu đương thời như Beatles, Bread, Monkees, Neil Diamond, Linda Ronstadt, Johnny Cash… Chính show truyền hình này trở thành bệ phóng cho Anne Murray, người sau này rất quen thuộc với bài You Needed Me. Ông cũng tham gia vào điện ảnh, làm việc với Clint Eastwood, John Wayne. Trước khi các nghệ sĩ phủ sân ở mọi mặt trận như hiện nay thì Glen Campbell chính là một trong những hình mẫu đa tài đầu tiên của làng giải trí.
Xem thêm:
- Steven Tyler hát nhạc đồng quê ở tuổi 68
- Nhạc đồng quê trở lại và thống lĩnh
- Miranda Lambert: Ngôi sao sáng của dòng nhạc đồng quê