Chúng tôi bay đến Israel từ Thái Lan trên chuyến bay của AL-EL, hãng hàng không quốc gia Israel. Có thể thấy trong máy bay hàng chữ tiếng Anh khá điệu nghệ: It’s not just an airline. It’s Israel (Đây không đơn thuần là một chiếc máy bay.
Đây chính là Israel). AL-EL thực hiện phỏng vấn từng hành khách trước khi check-in cũng như phỏng vấn khi làm visa vậy. Việc kiểm tra an ninh quả là gắt gao, vì vậy khi lên máy bay, hành khách không cần phải viết tờ khai nhập cảnh và xem như bạn đã vào Israel rồi. Hiện tại, do các nước láng giềng thuộc khối Ả Rập tỏ thái độ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Israel nên đường bay từ Thái Lan phải qua biển Đỏ, men theo vịnh Aqaba để vào Israel.
Về thủ đô Tel Aviv, đã có nhiều mỹ từ để ví von, chẳng hạn “thành phố không ngủ”, “thành phố toàn cầu”, “New York của Trung Đông”… Nếu Jerusalem là đất thánh, là thành phố tinh thần của người Do Thái thì Tel Aviv là thành phố kinh tế, khoa học – kỹ thuật, là “thung lũng Silicon” của họ. Đây cũng là nơi các công ty đa quốc gia đặt trụ sở với mục đích khai thác chất xám của người Do Thái. Từ năm 2003, sau khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới, Tel Aviv trở thành điểm thu hút nhiều du khách quốc tế.
Thành cổ Jaffa trong đêm mưa
Chúng tôi rời khỏi máy bay để đặt chân lên Tel Aviv dưới bầu trời tối sầm nặng nề, đầy mây đen. Qua chuyện trò trên máy bay, tôi hiểu rằng mùa này, nơi đây vốn ngay bên bờ biển nên thoải mái đón gió từ Địa Trung Hải mang mây và mưa trải khắp nơi. Mưa chính là nguồn nước quan trọng để vùng đất này trở nên trù phú hơn hẳn các sa mạc sâu hơn trong đất liền. Thành phố Tel Aviv mới được xây dựng ngay sát khu thành Jaffa cổ. Trong khi Jaffa cũ kỹ, thậm chí tồi tàn thì Tel Aviv hiện đại, vô số nhà cao tầng, nhiều đường cao tốc đan xen nhau.
Jaffa cổ có lịch sử 4.000 năm. Xưa kia, đây là một hải cảng giao thương quan trọng của khu vực quanh Địa Trung Hải với vùng đất phía Đông. Những thương gia đến đây sớm nhất, từ 2.000 năm trước Công nguyên, là người Ai Cập, rồi đến người Babylon, Phoenix…, mãi khoảng 1.000 năm sau mới đến người Do Thái. Người Do Thái gọi cảng này là Yafo, đến nay là Jaffa, đặt theo tên con trai của ông Noah trong truyền thuyết của họ.
Điểm khởi đầu trong chuyến tham quan của chúng tôi là cột mốc đánh dấu việc hình thành nên Jaffa cổ đại: một tháp đồng hồ được xây dựng để ghi nhớ công lao của một vị vua của đế quốc Hồi giáo Ottoman từng trị vì mảnh đất này. Tháp đồng hồ mang kiến trúc kiểu châu Âu, đến nay đồng hồ vẫn hoạt động tốt. Bên cạnh đó là cung điện cũ của tổng trấn Jaffa thời Ottoman nhưng nay đã thay đổi chức năng.
Bức tường quay ra đường trước kia có những dãy phòng xây bằng đá làm chỗ ở của người hầu vốn hướng vào trong, nay được đục cửa quay ra ngoài để làm chỗ buôn bán. Bên trong, các công trình hầu như đã hư hỏng cả, chỉ còn lại các cổng đá mang trang trí khá đẹp và một giáo đường của đạo Hồi. Những mái vòm đá đã hàng trăm năm tuổi vẫn nguyên vẹn. Phải khen ngợi người xưa xây thật khéo vì các tảng đá không được mài nhẵn, chỉ được xếp khít lên nhau nhưng rất vững chãi, không thể bị sập.
Từ Jaffa cổ, chúng tôi nhìn ra Địa Trung Hải ầm ào sóng vỗ. Mặt biển trong đêm tối xa thăm thẳm. Đi dạo dọc bờ biển lộng gió có cái thú riêng của nó. Từ xa đã nhìn thấy một khối nhà xây bằng đá đổ nát nham nhở rất gần bờ biển, hiên ngang hứng chịu mưa gió không biết đã bao nhiêu năm. Dọc theo bờ biển, các tòa nhà đều được xây lùi vào khá sâu, để lại một dải ven bờ rất rộng và vì thế, khối nhà đá càng nổi bật nỗi cô đơn.
Khi đến gần, chúng tôi thấy một tấm đá lớn, bên trên khắc dòng Etzel House – Gidi. Một người bạn thông thái trong đoàn cho hay đó chính là một bảo tàng, mà là bảo tàng thuộc loại… rất nhạy cảm của xứ này! Té ra, từ trước Chiến tranh thế giới thứ I, Trung Đông hầu hết nằm dưới sự cai trị của đế quốc Ottoman và khi đó ở dải đất Jaffa này, phía Nam dưới quyền cai quản của người Ả Rập, còn phía Bắc là của người Do Thái. Khối nhà đá kia chính là điểm nằm giữa hai khu vực. Sau khi chiến tranh kết thúc, Ottoman sụp đổ, quân Anh tiến vào chiếm đóng và có sự thỏa hiệp với Ai Cập. Nhân cơ hội đó, người Ả Rập từ Nam Jaffa khiêu khích, gây hấn với người Do Thái.
Tháng 4 năm 1948, một lực lượng 600 lính Do Thái, gọi là đội Etzel vượt qua ranh giới, tấn công người Ả Rập khiến người Ả Rập phải bỏ chạy khỏi phía Nam Jaffa. Mặc dù phía Ai Cập luôn tìm cách đòi lại chủ quyền, nhưng ngay từ đó người Israel quyết giữ vùng đất ấy. Sau này, họ ghép Jaffa với Tel Aviv và khối nhà cuối cùng còn lại ở nơi ranh giới ấy được đặt tên là Bảo tàng Etzel, lưu giữ những di tích về cuộc chiến năm xưa.
Cứ đi dọc bờ biển, đến khi thấy một đường ngang cắt qua một bãi đỗ xe, cả nhóm tiến vào. Ai ngờ, đó là đường dẫn đến một khu vực rất thú vị có tên gọi Hatachana, theo tiếng Do Thái nghĩa là nhà ga. Từ năm 1892, đế quốc Ottoman cho xây dựng một hệ thống đường sắt nối từ Damascus ở phía Bắc đến Ai Cập ở phía Nam. Đường sắt đi gần bờ biển, chạy qua khu định cư của người Do Thái và người Ả Rập. Nhà ga nói trên nằm ngay trên ranh giới. Từ đây còn có một nhánh đường sắt nối thẳng đến Jerusalem. Mỗi năm, hàng chục vạn lượt khách từ châu Âu hành hương đều đến Jerusalem qua ga này sau khi đã băng qua biển bằng tàu thủy để cập bến Jaffa.
Sau năm 1948, đường sắt ngừng hoạt động, các đường ray đều bị dỡ bỏ. Người ta đã định dỡ cả nhà ga để xây những khu nhà cao tầng, nhưng cuối cùng chính quyền Tel Aviv đã quyết định biến nơi đây thành bảo tàng mở, nhà cửa, xưởng máy, cửa hàng, quán xá quanh ga đều được xây lại. Vào những ngày hội, người dân mang đến đây bày bán đủ thứ như thuở xưa, từ hoa, quả, bánh kẹo đến các loại đồ gia dụng. Trong những ngày thường, xung quanh sân ga cũ chỉ có vài cửa hiệu bán quần áo, mỹ phẩm, vàng bạc, một quán ăn và duy nhất một quán bar.
Tel Aviv trong ngày nắng
Sáng hôm sau, Tel Aviv lại tràn ngập ánh nắng. Chúng tôi lại ra phía biển để ngắm sự thể hiện vẻ đẹp khác của nơi này. Từ xa, khu đồi của thành phố cũ với gác chuông của nhà thờ St. Peter hiện ra. Phía ngoài của quả đồi có một tảng đá nhô lên khỏi mặt nước. Đó là tảng đá Andromeda.
Theo thần thoại Hy Lạp, bà hoàng Aethiopia vì sinh được công chúa Andromeda rất xinh đẹp nên đã ngạo mạn nói rằng ngay cả các nàng tiên của biển cả cũng không đẹp bằng con gái mình. Để trừng trị sự cao ngạo ấy, thần biển Poseidon đã lệnh cho thủy quái Cetus tàn phá bờ biển và bắt phải hiến tế Andromeda. Nàng công chúa bị xích vào tảng đá… Sau này, có vài nơi quanh biển Aegean nhận mình là xứ Aethiopia, cả đất Jaffa cổ này cũng nhận truyền thuyết ấy về mình và tảng đá gần khu đồi của thành phố cũ được đặt tên Andromeda.
Hướng về phía Jaffa cổ, chúng tôi đi ngang qua bờ kè chắn sóng đã được xây từ hàng ngàn năm trước, được tu bổ trong nhiều thế kỷ về sau nên đến tận bây giờ vẫn vững vàng trước sóng gió. Hải cảng tấp nập xưa kia nay không còn dấu vết, chỉ có một con đê chắn sóng được cải tạo thành một âu thuyền dành cho những con thuyền buồm nhỏ làm dịch vụ du lịch. Lần theo một ngõ nhỏ lát đá leo lên đồi, chúng tôi phát hiện có tới mấy ngõ thông với nhau vòng vèo rất điệu nghệ nhưng chẳng hiểu vì sao mà không gian cứ vắng lặng, không thấy một bóng người dân bản xứ.
Từ đỉnh đồi Jaffa nhìn xuống, biển xanh thật bao la. Nghe nói ngay trên đồi này có khá nhiều nghệ sĩ tạo hình sinh sống và sáng tác theo nhiều motif khác nhau để trưng bày trong những dịp lễ hội. Trên đỉnh đồi là quảng trường nhỏ xinh mang tên Kedumim, xứng đáng là chỗ để nghỉ chân, thư giãn và ngắm cảnh đẹp xung quanh.
Bên dưới ngọn đồi có một hệ thống công trình ngầm được xây dựng từ khoảng 3.000 năm về trước nên đã được chính quyền quy hoạch thành khu khảo cổ cùng một bảo tàng. Đáng chú ý nhất tại đó là hệ thống hầm mộ có từ thời Babylon, đến các thời sau biến thành pháo đài cố thủ trước sự tấn công của kẻ địch. Cũng rất hoành tráng là những công trình với hệ thống cột được dựng từ thời Byzance cũng đã hơn ngàn năm tuổi vẫn còn nguyên vẹn ngay bên dưới quảng trường…
Sau hai ngày thăm thú, chúng tôi tạm biệt Tel Aviv để đến với vùng đất thánh Jerusalem, nhưng những ấn tượng ban đầu khi đến vùng đất Trung Đông này quả thật khó phai.