Sự thấp thỏm ở đây là tâm trạng của nhiều nhà đầu tư, cả những người nhiều tiền mặt lẫn người đang nắm giữ cổ phiếu. VN-Index vẫn bay cao, nhưng số mã giảm đang tỏ ra áp đảo, vậy nhà đầu tư sẵn tiền có nên mua vào cổ phiếu lúc này? Người nắm cổ phiếu có nên bán ra chốt lời?
Trong ngày đầu tiên của tuần mới (tuần mà trước khi giao dịch, nhiều chuyên gia dự báo VN-Index sẽ “phá đỉnh”), thị trường tiếp tục giữ được đà tăng của tuần trước. Trong phiên sáng, có lúc mức tăng lên đến hơn 20 điểm. Tuy nhiên, mức tăng ấy không duy trì được lâu, dù dòng tiền vẫn mạnh mẽ chảy vào dòng ngân hàng, bất động sản, dầu khí, thép, thực phẩm – đồ uống…
Sự phân hóa đã diễn ra, trên toàn thị trường, nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ vẫn tăng mạnh, trong khi đa số nhóm còn lại vẫn… giảm. Ngay trong cùng nhóm cổ phiếu, có những mã tăng đột biến trong khi những mã khác giảm giá. Đến phiên chiều, điều này càng thể hiện rõ nét và sự phân hóa là cực kỳ rõ rệt. Những mã có tin tốt duy trì mức tăng rất mạnh, như NVL, VIC, VRE của bất động sản, BID, VCB, ACB của dòng bank, HPG của thép, GAS, PLX, PVD của dầu khí…
Riêng trong nhóm VN-30, số mã tăng tỏ ra lấn lướt (17 mã tăng, 13 mã giảm) và chính điều này giúp cho VN-Index tăng 11,68 điểm (+1,06%), lên 1.114,53 điểm. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên HOSE, khi chỉ 112 mã tăng trong khi có đến 186 mã giảm giá. Thanh khoản đã dần trở lại mức của những ngày trước Tết, với 234.110.327 cổ phiếu được giao dịch, trị giá 7.416,258 tỉ đồng.
Nhìn chung, áp lực bán chốt lời trong phiên giao dịch luôn chực chờ, do VN-Index đang ở trong vùng giá cao. Những phiên lao dốc mạnh khiến cho VN-Index giảm vài chục điểm trước Tết vẫn còn ám ảnh nhà đầu tư. Vậy nên, bất cứ một dấu hiệu xả hàng nào cũng có thể tạo nên phản ứng dây chuyền, khiến cho thị trường đột ngột giảm điểm hay ít ra là rung lắc mạnh mẽ. Và điều này không chỉ diễn ra ở phiên đầu tuần (26-2) mà sẽ còn tiếp diễn trong tuần này.