Cái bóng quá lớn của “người khổng lồ” thủ đô Praha đã hút gần hết sự chú ý của du khách bốn phương vào du lịch của Cộng hòa Czech, nhưng hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm vẫn tìm đến thành phố nhỏ xinh Kutná Hora. Có thể là chuyến đi ngẫu hứng hay có chủ định trước, ai nấy đều có những trải nghiệm thú vị cho riêng mình. Một số người tới vì tò mò muốn xem tận mắt nhà thờ xương người bí ẩn đến mức nào nhưng rồi lại ngỡ ngàng trước khu phố cổ nhiều màu đẹp như tranh vẽ của Kutná Hora. Chẳng thế mà khu vực cổ kính trung tâm thành phố này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1995. Nhiều thế kỷ trước, Kutná Hora được các triều vua xứ Bohemiachọn làm nơi ở ưa thích, thậm chí hơn cả Praha hoa lệ.
Cảm hứng phố cổ
Vốn không xếp Kutná Hora trong lịch trình, nhưng khoảng cách gần Praha quá, đi về trong ngày thoải mái nên chúng tôi chạy ra ga trung tâm mua vé đi liền. Những quyết định chớp nhoáng kiểu đó dễ đem lại sự thú vị nho nhỏ trong suốt chuyến đi dài tuy không hợp với người hay đắn đo, tính kỹ. Và ngẫu hứng ấy lần này đã đưa chúng tôi tới một không gian hoàn toàn khác Praha chỉ sau một giờ ngồi tàu đường sắt, ngắm nhìn cảnh vật miệt nông thôn Trung Âu tươi xanh lướt qua cửa sổ toa tàu.
Nếu vé mua đến nhà ga chính của Kutná Hora thì phải đi thêm một đoạn xe bus trung chuyển để vào thành phố, nhưng nghe lao xao các nhóm khách du lịch bàn nhau đi bộ đoạn đường chừng 4km này. Trời đẹp, nắng nhẹ hanh vàng và mát dịu rất thích hợp cho một chuyến dạo bộ, vui chuyện đưa chân vào khu trung tâm lâu đời lúc nào không hay. Khu ngoại ô toàn nhà ở cao tầng kiểu mới vừa băng qua không có gì đặc biệt, nên lúc bước vào những lối phố hẹp lát đá xanh bóng vì thời gian trong phố cổ bỗng thấy lòng bồi hồi lạ.
Nhìn kiểu đường phố lát đá, nhiều người ắt sẽ nghĩ các nhà ngay sát mặt đường sẽ phải chịu tiếng ồn mỗi khi có xe chạy qua, tiếng bánh lăn gằn lịch khịch chắc không êm tai nhất là vào buổi đêm thanh vắng. Nhưng với dân số hiện tại không hề đông, chỉ 21 ngàn dân, mật độ 640 người/km2 thì chuyện này không phải quá đáng lo ngại cho người địa phương. Giờ đây chỉ những người thích đời sống yên bình, tĩnh lặng hoặc làm dịch vụ du lịch mới chọn ở đây. Mặc dù trước đó hàng thế kỷ nơi này từng là thành phố quan trọng bậc nhất, chỉ sau Praha.
Ngay từ thế kỷ X, dấu vết của mỏ bạc lớn đã phát lộ, thu hút cư dân kéo đến tìm cách khai mỏ sinh sống. Nhưng đến thế kỷ XIII sang thế kỷ XIV, hoạt động khai thác mỏ mới thực sự trở thành quy mô lớn, đem lại sự phồn thịnh cho vùng đất này. Nhà cửa được xây dựng san sát đáp ứng nhu cầu ở của thợ mỏ cùng gia đình. Hàng nghìn người từ các vùng lân cận nói tiếng Đức tìm đến theo tiếng gọi của mỏ bạc. Các cửa hàng cửa hiệu, trường học, bệnh viện, nhà thờ… và cả phòng tắm công cộng mọc lên chỉ trong một thời gian ngắn. Quá khứ huy hoàng của Kutná Hora thời Trung cổ vẫn còn vẹn nguyên sau những nỗ lực gìn giữ của cư dân thành phố. Khung cảnh phố cổ đẹp như tranh vẽ đã truyền cảm hứng sáng tác cho bao thế hệ nghệ sĩ. Và sự lãng mạn nơi đây thu hút những luồng du khách mới, để chìm đắm trong mơ mộng chứ không chỉ vì men bia Tiệp quá đỗi nồng nàn.
Quần thể kiến trúc đồ sộ trên đồi
Nằm ở độ cao hơn hai trăm mét so với mực nước biển, Kutná Hora có lợi thế về vị trí. Đường sá thoai thoải không quá dốc, giao thông thuận tiện cho cư dân. Các công trình kiến trúc xây dựng trong suốt mười thế kỷ xếp lớp lên đến đỉnh đồi, phô bày các phong cách đặc trưng của mỗi thời kỳ. Kutná Hora đã nỗ lực thể hiện chính mình khi không chịu xây cất dễ dãi thỏa mãn nhu cầu thông thường của đại bộ phận dân chúng. Ví dụ như Đài phun nước bằng đá xây năm 1495 lấy nguồn từ suối lớn cách xa khu trung tâm thông qua một hệ thống ống dẫn bằng gỗ, không đơn thuần là nơi cấp nước cho thành phố vốn luôn thiếu thốn nước sinh hoạt. Những bức tượng bằng đá chạm khắc tinh xảo trang trí xung quanh đã tô điểm cho quang cảnh, hòa cùng bản nhạc nhiều màu của các ngôi nhà cạnh đó.
Có thể là ngôi nhà Hiệp sĩ nằm ngay đối diện đó, trên quảng trường Rejskovo xây sau này theo trường phái Cổ điển. Có thể là Cột Plague Column cao ngất sử dụng sa thạch kín đặc các đường nét chạm trổ, tượng và phù điêu phong cách Baroque. Các lối phố lát đá dìu khách thăm vào nhịp điệu kiến trúc tinh tế của Kutná Hora, khiến họ ngỡ ngàng và thích thú. Mỏi chân ngồi nghỉ trên ghế gỗ đặt giữa quảng trường chính rộng lớn Palacký tựa như một bảo tàng ngoài trời thu nhỏ thỏa mắt ngắm nhìn các tòa nhà kiểu Gothique, Cổ điển, Phục hưng, Baroque, Art Nouveau vây quanh.
Đi sang ngõ Ruthadka nối giữa Cung Hrádek (nay trở thành bảo tàng quốc gia về khai thác mỏ bạc), nhà thờ St. James và Tòa án Ý thì lại toàn những ngôi nhà từ thời Trung cổ vẫn được bảo tồn rất tốt. Và khi dạo bước trên đỉnh đồi, dọc theo chiều dài của Trường Cao đẳng Jesuit kiến trúc theo trường phái Baroque, trầm trồ trước 13 cụm tượng thánh để rồi hít căng lồng ngực bầu không khí thanh tao khoáng đạt. Và nhà thờ St. Barbara nằm ngay cạnh đó cho bạn thấy công trình tiêu biểu kiểu Gothique, gợi nhớ đến nhà thờ lớn St. Vitus trên đỉnh đồi Cung Vua ở Praha. Buổi sáng vừa xuất phát lòng nhủ rằng chỉ ghé Kutná Hora chút thôi, thành phố nhỏ chẳng tốn nhiều thời gian thăm thú đâu, vẫn kịp về Praha chụp ảnh nắng chiều mật ong phủ vàng óng cả thành phố Vàng. Nhưng kho tàng kiến trúc quý giá ở Kutná Hora níu chân người lữ khách ngẫu hứng lâu hơn họ tưởng.
Phím tắt lên thiên đàng
Nghe qua câu chuyện về vùng ngoại vi Kutná Hora có vẻ rất kinh dị, một nhà thờ sử dụng xương của khoảng 40 ngàn người để trang trí, với người còn mơ hồ và muốn tìm sự xác thực thì trong tầm với vì địa danh này chỉ cách Praha có 70km. Các ông vua bà chúa không chịu phận chôn cất quá tải cùng thường dân ở nghĩa địa sát nhà thờ nên xương của họ cũng không “được phúc” trở thành vật liệu trang trí nội thất cực kỳ đặc biệt ở nguyện đường Sedlec Ossuary, ngoại ô Kutná Hora. Mảnh đất nhỏ đã quá tải sau trận dịch bệnh kinh khủng vào năm 1318 với khoảng 30 ngàn người chết và những thế kỷ sau các vị tu sĩ đã phải đào xương lên để lấy chỗ chôn mới cho con chiên. Cũng có thể coi là họ đã được lên thiên đàng, khi mà trước tiên được chôn ở địa phận đất thánh rồi sau xương cốt lại tiếp tục phụng sự Chúa của mình.
Nhận được đơn đặt hàng của gia đình hoàng gia Schwarzenberg vào năm 1870, có thể ý tưởng kỳ lạ của nghệ nhân chạm khắc gỗ František Rint xuất phát từ nguồn “nguyên liệu” dồi dào và sức ép về giải pháp xử lý số xương khổng lồ được tích lũy qua nhiều năm tháng đang cần nơi chứa kia. Ông đã khử trùng hoàn toàn kho xương và dùng phương pháp vôi hóa để đến giờ, sau 130 năm, 40 ngàn bộ xương người còn nguyên vẹn như làm từ thạch cao vậy. Trong ánh sáng nhờ nhờ bên trong nguyện đường, vẻ đẹp của kiểu trang trí có một không hai này có phần kỳ ảo hơn. Những dải trang trí chạy dài trên vòm trần gắn bằng chuỗi xương sọ, xương đùi cùng cỡ xếp san sát nhau như dây chuyền, giá nến tạo hình bốn thiên thần bằng gỗ với đế đặt nến là xương sọ rỗng mắt ở gian giữa.
Khách tham quan tự hỏi, không hiểu các vật dụng thờ cúng có được làm bằng xương người với lòng kính Chúa hay không. Câu trả lời là có, bàn thờ chính được trang trí bằng xương sọ, cây thập giá bằng xương đùi, đài nến xếp bằng hộp sọ và xương cẳng tay… rất thẩm mỹ và trang trọng. Không khí trong nhà thờ mát lạnh, không thơm tho hay ấm cúng mà bốc mùi thời gian cũ kỹ nhưng chẳng hề ghê rợn. Có đến bốn tháp sọ người ở bốn góc chất đống cao ngất mà ngạc nhiên lại chỉ thấy thư thái, khác hẳn khi ở Cánh đồng Chết, Campuchia cảm giác đầu tiên là gai người sau đó thì kinh hãi và không thể ở lâu bên trong khu tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng. Ở đây, các bạn trẻ tươi cười tạo dáng, những cặp đôi chụm đầu tự chụp ảnh lưu niệm. Thi thoảng chuông báo động kêu rinh rinh vừa đủ nhắc người xem chớ nên tự ý rút bớt xương trong tháp hay có nguy cơ làm hư hại hiện vật.
Tim thắt lại vì vẻ đẹp của cơ thể con người được tạo bởi óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của chính con người. Bước ra khỏi nguyện đường tranh tối tranh sáng, một chiếc ghế dài đặt ngay sát cửa ra vào chắc là để giúp người lữ khách sắp xếp lại suy nghĩ có phần rối loạn. Ngẫu hứng đến Kutná Hora và được chạm tới cung bậc cảm xúc mới của chính mình, tiếp tục có thêm động lực đến các vùng đất mới.
Bài Vi Bằng
Ảnh Hoàng Hải