Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn phải chịu lãi suất rất cao, việc phải trả lãi vay cao khiến họ chịu cảnh thua lỗ, trong số này có cả những doanh nghiệp khá tên tuổi. Vậy phải chăng lãi suất cho vay thực sự chưa hề giảm?
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm giữa tháng 4-2014, dư nợ cho vay có lãi suất trên 13%/năm tại các ngân hàng thương mại chỉ còn khoảng 17 – 18% tổng dư nợ, giảm đáng kể so với tỷ lệ 31% vào thời điểm cuối tháng 6-2013. Dư nợ cho vay có lãi suất trên 15%/năm chỉ chiếm tỷ lệ 5,6% mà thôi. Nếu so sánh với thời điểm cuối năm 2011 thì mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm hơn một nửa.
Dĩ nhiên, với các doanh nghiệp cần vay vốn, thì lãi suất cho vay nên trong khoảng 9 – 10%/năm trong bối cảnh trần lãi suất huy động chỉ là 6%/năm hiện nay, vì mức chênh lệch 3 – 4%/năm giữa hai mức lãi suất huy động – cho vay là đủ để ngân hàng làm ăn có lãi. Nhưng nghiệp vụ tín dụng không đơn thuần chỉ là phép cộng chênh lệch lãi suất như vậy. Để quyết định mức lãi suất cho vay chung của nhóm đối tượng cụ thể, các ngân hàng thương mại còn phải tính toán tổng chi phí hoạt động từ nhiều khâu nghiệp vụ, trong đó chi phí lớn nhất đến từ tiền trả cho lãi suất huy động. Các doanh nghiệp thường vay ngân hàng các khoản vay trung, dài hạn. Thường người ta hay so sánh lãi suất cho vay với lãi suất huy động ngắn hạn của ngân hàng, chứ không nghĩ rằng các ngân hàng phải trả lãi suất huy động cao hơn cho các kỳ hạn dài trên 13 tháng. Mà trên 70% nguồn vốn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng đến từ các khoản huy động lãi suất cao này, nên cần chi phí vốn cao hơn. Còn khi sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, ngân hàng lại phải đối mặt với rủi ro về lãi suất và thanh khoản. Khi lãi suất huy động đột ngột tăng, ngân hàng phải huy động với lãi suất cao hơn dù đang cho vay với lãi suất đã được ấn định. Chính vì vậy, lãi suất cho vay trung và dài hạn dành cho các doanh nghiệp cao hơn so với lãi suất cho vay ngắn hạn, đang ở mức 11 – 12,5%/năm, thậm chí trên 13%/năm. Với các khoản vay cũ, ngân hàng cũng không thể đưa ngay về mức lãi suất mới, do tại thời điểm cho vay, ngân hàng cũng phải chịu mức lãi suất huy động rất cao.
Cho một doanh nghiệp vay vốn trung và dài hạn, bên cạnh rủi ro về lãi suất và thanh khoản như đã đề cập, ngân hàng còn phải đối phó với rủi ro về tín dụng, tức là khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Thời hạn cho vay càng dài, rủi ro càng lớn và tình huống xấu nhất, doanh nghiệp không trả được nợ, khoản vay trở thành nợ xấu. Bởi thế, ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay lên, tùy theo “thể trạng” của từng doanh nghiệp. Nếu tính khả thi của dự án vay vốn không cao, dòng luân chuyển vốn của doanh nghiệp đang có vấn đề hoặc tài sản đảm bảo có chất lượng kém thì đương nhiên mức lãi suất doanh nghiệp phải chịu cao hơn so với mức trung bình.
Ngân hàng Nhà nước cho biết trong thời gian tới vẫn sẽ kêu gọi các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất các khoản cho vay mới và cũ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm ấy vẫn phải dựa trên cơ sở đồng thuận từ phía ngân hàng thương mại, vốn cũng phải chịu nhiều áp lực về lợi nhuận trong thời gian qua.
Minh Hằng