Trong khuôn khổ Hội thảo Xúc tiến thương mại, công nghệ và thu hút vốn phát triển hợp tác xã Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, một loạt biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp đã được các doanh nghiệp ký kết. Hội thảo do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tổ chức.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ông Lê Thành – Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và ông Võ Tấn Hoàng Văn – Tổng giám đốc SCB, đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ nguồn vốn tín dụng phát triển nông nghiệp Việt Nam. Thỏa thuận này nhằm cung cấp giải pháp tài chính tổng thể để giải quyết một trong những vướng mắc lớn nhất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Tiếp đó, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Công ty cổ phần Đầu tư – Phát triển Sunny World và Công ty cổ phần Green Consulting đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược về thu hút vốn và đầu tư phát triển nông nghiệp. Sunny World có trụ sở tại TP.HCM và đang sở hữu những dự án về bất động sản, hạ tầng lớn và có mối quan hệ quốc tế rất rộng, đóng vai trò kết nối, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp.
Dịp này, một trong những thỏa thuận nhằm đón nguồn tín dụng từ Đài Loan đã được thực hiện. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, và ông Wu Ming-Ming, Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan (Agribank Đài Loan), đã ký kết biên bản ghi nhớ mở đầu cho chương trình hợp tác quan trọng giữa Agribank Đài Loan và SCB. Theo biên bản ký kết, đôi bên sẽ hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực như tín dụng, tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp, đào tạo nhân sự… Trong thời gian tới, sau khi Agribank Đài Loan được phép mở chi nhánh kinh doanh tài chính quốc tế (OBU), hai bên sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nhân Đài Loan đang hoạt động tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam.
Theo kế hoạch hợp tác, đối tác Đài Loan sẽ hỗ trợ vốn cho SCB triển khai chương trình tín dụng có lãi suất ưu đãi dành cho xã viên tham gia chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Đối với các khoản vay phục vụ sản xuất, chu kỳ tối đa là sáu tháng. Còn với những khoản vay đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, ngân hàng sẽ căn cứ vào thời gian khấu hao và nhu cầu của xã viên để xác lập thời hạn cho vay thích hợp.
Tín dụng cho nông nghiệp là bài toán nan giải trong nhiều năm qua. Sự ngần ngại của hệ thống ngân hàng chủ yếu xuất phát từ sự không chắc chắn về khả năng chi trả của nông dân. “Được mùa thất giá, được giá thất mùa” là căn bệnh trầm kha của nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Một trong những giải pháp tích cực là tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Tham gia mô hình này, nông dân sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực từ khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ (bao tiêu đầu ra). Lối thoát của nông dân là cơ hội của ngân hàng, khai thác phân khúc tiềm năng 6,5 triệu xã viên trên cả nước.
Tại sự kiện này, Công ty Lavifood cũng đã ký kết với đại diện Thương hội Bằng Tường (Trung Quốc) để xuất khẩu rau củ quả chính ngạch sang Trung Quốc. Trong những năm qua, Lavifood với nhà máy chế biến rau củ quả hiện đại sử dụng công nghệ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản tại Long An đã giúp đưa rau củ quả Việt Nam tới nhiều thị trường trên thế giới. Trong năm nay, Lavifood sẽ khai trương nhà máy Tanifood trị giá 1.500 tỉ đồng với công suất 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm ở Tây Ninh.
– Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn