Uống nhiều nước mỗi ngày là một nhu cầu không còn xa lạ với mọi người. Một câu hỏi được đặt ra là khi đã có tuổi, người ta có nên giảm bớt lượng nước uống hàng ngày xuống không và liệu điều đó có gây ra rắc rối không? Những thông tin thú vị sau có thể bổ ích cho bạn.
Vì sao càng có tuổi cơ thể càng “héo” dần?
Theo các nhà khoa học, nước lần lượt chiếm hơn 90% thể trọng ở thai nhi, 80% ở trẻ sơ sinh và 70% ở người trưởng thành. Khi người ta bước vào tuổi trung niên, nước chỉ còn chiếm khoảng dưới 60% thể trọng và tiếp tục giảm dần. Như vậy, lão hóa thực chất là một quá trình mất nước và khô héo dần của cơ thể. Đây cũng được xem là nguyên nhân chính khiến sức khỏe bạn ngày càng yếu đi.
Tại sao lượng nước trong cơ thể lại luôn tỷ lệ nghịch với số tuổi? Có bốn nguyên nhân chính: thứ nhất, do số lượng mô mỡ tăng lên. Ở tuổi trung niên, hệ thống cơ bắp sẽ giảm dần, trong khi đó các mô mỡ lại phát triển cả về số lượng lẫn kích thước. Do nước không có khả năng thẩm thấu trực tiếp vào các mô mỡ như các mô tế bào bình thường khác nên mô mỡ tăng cũng đồng nghĩa với việc lượng nước trong cơ thể giảm.
Nguyên nhân thứ hai là do cơ thể kém khả năng tái hấp thu nước. Quá trình thanh lọc nước trong cơ thể chủ yếu diễn ra ở tiểu cầu thận, nhưng không phải tất cả đều bị bài tiết ra ngoài, mà sau khi được lọc, cơ thể sẽ tái hấp thu nước một lần nữa ở ống thận. Người càng có tuổi thì lưu lượng máu vào thận càng giảm, khả năng lọc kém nên hiệu suất tái hấp thu nước cũng giảm theo, kết quả là lượng nước bài tiết ra ngoài nhiều và loãng hơn.
Thứ ba là do lượng nước trong các tế bào của cơ thể đều giảm cùng với sự gia tăng của tuổi tác. Nếu ở người trẻ, nước chiếm khoảng 42% tế bào thì ở người già chỉ còn khoảng 33%. Đây là nguyên nhân chính khiến tình trạng các tổ chức dưới da dần dần bị thu hẹp lại, bề mặt da ngày càng trở nên thô ráp, khô và nhăn nheo hơn.
Nguyên nhân cuối cùng là do khả năng tự sản sinh nước của cơ thể bị giảm. Khi bước vào tuổi trung niên, khả năng tự phục hồi và thay thế của hầu hết các bộ phận trên cơ thể bắt đầu bị thoái hóa, kể cả khả năng tự sản sinh nước của các mô và tế bào. Nếu không được cung cấp nước đầy đủ, cơ thể sẽ càng thiếu nước trầm trọng hơn.
Giảm nước khi có tuổi – sai lầm không của riêng ai!
Đảm bảo sự cân bằng trao đổi chất trong cơ thể là nền tảng cơ bản nhất để có sức khỏe tốt, cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Riêng với sức khỏe thể chất, có thể nói mọi bất ổn trong cơ thể ít nhiều đều có liên quan đến sự mất nước. Tuy nhiên, điều sai lầm hay gặp phải là phần lớn người có tuổi thường uống ít nước do nghĩ là không có nhu cầu nhiều như hồi còn trẻ hoặc do ít vận động hơn. Có nhiều người thậm chí còn quyết định không uống nước sau buổi chiều tối vì sợ phải đi tiểu nhiều vào ban đêm.
- Xem thêm: Tim và nước
Trong khi đó, phần lớn các hoạt động trong cơ thể chúng ta đều cần đến nước và bản thân chúng khi hoạt động cũng gây thuyên giảm lượng nước sẵn có trong cơ thể. Do đó, không có lý do gì mà người đứng tuổi lại cắt giảm lượng nước cần phải uống hàng ngày. Nhiều người đứng tuổi chỉ nghĩ đến việc uống nước khi cảm thấy khát, nhưng điều này rất sai lầm vì khi cảm giác khát xuất hiện thì lúc đó cơ thể bạn đã rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Đó là cách làm sai lầm, vì phản ứng khát nước ở người có tuổi thường diễn ra chậm hơn người trẻ.
Uống nhiều nước giúp sống thọ
Khi có tuổi, các chức năng trong cơ thể bị suy thoái dần, hoạt động chuyển hóa, trao đổi chất trong cơ thể trở nên kém hiệu quả. Nội tạng suy yếu, các tế bào, mô và cơ bắp trở nên khô khan và co rút lại. Chính vì thế, sự thiếu hụt nước lâu ngày càng khiến cơ thể dễ trở nên suy nhược hơn, quá trình lão hóa xảy ra nhanh hơn, hệ miễn dịch suy kém đi, tinh thần dễ bị sa sút và dễ mắc phải các bệnh nguy hiểm như huyết áp cao, tim mạch, táo bón, giảm trí nhớ, mất ngủ…
Đặc biệt, thiếu nước còn là nguyên nhân khiến nồng độ máu tăng cao, dẫn đến não bị tắc nghẽn và có thể gây đột tử ở người cao tuổi. Cũng cần biết thêm rằng khả năng bài trừ các độc tố ở người có tuổi cũng kém hơn trước, do đó nếu không có đủ lượng nước cần thiết nhằm hỗ trợ bài tiết độc tố ra ngoài, sự tích trữ chúng lâu ngày sẽ rất hại cho sức khỏe. Nếu thiếu nước, dung môi tiêu hóa sẽ khó phát huy hết chức năng, dẫn đến các chất độc hại không được trung hòa và phân giải hoàn toàn.
Với những người có tuổi đang dùng thuốc điều trị cao huyết áp, việc bổ sung nước mỗi ngày càng cần thiết hơn vì hầu như tất cả các loại thuốc này đều có tác dụng lợi tiểu. Khi bị bệnh (nhất là cảm sốt), việc đầu tiên là phải lo bổ sung thêm nước, sau đó mới dùng thuốc. Rất nhiều trường hợp bị sốt là do cơ thể thiếu nước lâu ngày, nếu không kịp thời bổ sung mà chỉ dùng thuốc thì không thể nhanh chóng chữa được bệnh.